Cảng du thuyền Mỹ Tho. (Nguồn: TTXVN) |
Vị trí đắc địa
Tiền Giang là vùng đất thuận lợi, phát triển nổi trội do có vị trí chiến lược “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Là tỉnh nằm ở khu vực sông Tiền và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang có vị trí đắc địa trong giao thương, lưu thông, vận chuyển hàng hóa và trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư trong ngoài nước.
Tại đây, mạng lưới giao thông thủy bộ phát triển với các tuyến giao thông huyết mạch kết nối toàn vùng như: cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương-Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, Quốc lộ 50, tuyến sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo…
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và doanh nghiệp thời gian qua được địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ; các khu-cụm công nghiệp với hạ tầng hoàn thiện được quy hoạch tại những vị trí thuận lợi giao thương, trên bến dưới thuyền.
Tỉnh có bờ biển dài 32 km và đang được đầu tư nhiều dự án để phát triển kinh tế biển, kết nối giao thương hàng hải quốc tế cùng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 3.000 tấn tại Cảng Mỹ Tho. Không chỉ thế, Tiền Giang tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Ngoài ra, với lợi thế là vùng cây ăn trái đặc sản và lực lượng lao động dồi dào, tỉnh còn là điểm đến lý tưởng để đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Đón đầu cơ hội hợp tác với ASEAN
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang thu hút 12 dự án, tăng 50% so cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng vốn ước 4.072 tỷ đồng. Tỉnh có 415 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 50% kế hoạch. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt doanh thu trên 1,83 tỷ USD.
Lũy kế đến đầu tháng 7/2023, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 110 dự án. Trong đó có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.428,11 triệu USD và 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.865,86 tỷ đồng. Diện tích đất thuê là 524,26ha, chiếm tỷ lệ 69,6% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
Các chiến lược đầu tư đúng đắn, hiệu quả cao về hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp cùng nhiều chính sách thu hút hợp lý... là yếu tố giúp tỉnh Tiền Giang củng cố vị thế chiến lược và được các nhà đầu tư tầm cỡ quan tâm.
Khu công nghiệp Long Giang, Tiền Giang. (Nguồn: Báo Tiền Giang) |
Trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng tháo gỡ vướng mắc trong thúc đẩy đầu tư, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)… đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện mạnh dạn thành lập doanh nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho kinh tế-xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực rà soát về đất đai, quy hoạch, hành lang pháp lý... đảm bảo các nhà đầu tư có đủ cơ sở pháp lý triển khai nhanh các dự án đầu tư đã được phê duyệt ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết cũng như ban hành và cập nhật danh mục các dự án mời gọi đầu tư, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.
Từ sau đại dịch Covid-19, Tiền Giang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo hệ sinh thái bình đẳng, thân thiện; trong đó có hỗ trợ công tác khởi nghiệp, hỗ trợ công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách hợp lý trong thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh luôn chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, minh bạch thông tin về đất đai, công khai thông tin các dự án mời gọi đầu tư, bố trí cán bộ am hiểu về chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư… Thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu sắp tới của tỉnh là tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các vùng công nghiệp trọng điểm để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững 2 khu vực Đông Nam Tân Phước và Gò Công. Phát huy lợi thế quỹ đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và nhà ở, hạ tầng xã hội, thương mại, dịch vụ…
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh quan tâm đến việc thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực ASEAN. Hiện tại, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hứa hẹn sẽ mở ra những cánh cửa thu hút vốn FDI mới cho Việt Nam và Tiền Giang muốn đón đầu cơ hội, mở ra chương hợp tác mới với các nước trong khu vực này.
| Tiền Giang quảng bá giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp Sáng 26/11, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2023 bắt đầu diễn ra tại xã Đông Hòa Hiệp, ... |
| Bắc Giang 'rộng cửa' đón sóng đầu tư Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh ... |
| Kỳ vọng làn sóng FDI tăng tốc từ Hàn Quốc Dù có xu hướng chững lại, nhưng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng tốc trong thời gian tới, trong đó có ... |
| ASEAN - EU cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương Theo thống kê của ASEAN, tổng giá trị thương mại hàng hóa hai chiều giữa ASEAN và EU đạt 295,2 tỷ USD vào năm 2022, ... |
| Hậu Giang sẵn sàng đón thêm làn sóng đầu tư từ ASEAN Với vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt, nỗ lực của các cấp chính quyền nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh ... |