Đầu năm 2024 - Nhiều kết quả kinh tế nổi bật
Với những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành phát triển kinh tế, nửa đầu năm 2024, tỉnh Tiền Giang gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5,6% so với cùng kỳ, đặc biệt ghi nhận các khu vực kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. GRDP tính theo giá hiện hành đạt 63.784 tỷ đồng.
Song song đó, nhờ nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành nền kinh tế, công tác thu hút đầu tư vào Tiền Giang có nhiều tín hiệu khởi sắc; đã có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm sau khi tỉnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 5 dự án mới và 8 dự án tăng vốn, với tổng vốn thu hút 7.984 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Khu công nghiệp Long Giang. |
Tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội
Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Tiền Giang diễn ra cuối tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Tiền Giang có vị trí địa kinh tế thuận lợi, hội tụ đầy đủ yếu tố của vùng đồng bằng sông Cửu Long - “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm - cá” của cả nước và những giá trị văn hóa đặc sắc miệt vườn sông nước...; là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, nổi bật là thành phố Mỹ Tho, một trong những đô thị, trung tâm thương mại lớn, hình thành sớm nhất Nam Bộ; có vị trí địa kinh tế thuận lợi giao thương phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại là một trong những cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa lý kinh tế “Nhất cận thị, Nhị cận giang, Tam cận lộ”, Tiền Giang có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện, phát triển với các tuyến giao thông huyết mạch kết nối toàn vùng như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, Quốc lộ 50, tuyến sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và doanh nghiệp thời gian qua được địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ; các khu, cụm công nghiệp với hạ tầng hoàn thiện được quy hoạch tại những vị trí thuận lợi giao thương, trên bến dưới thuyền; nguồn nhân lực dồi dào trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động với khoảng 55% đã qua đào tạo, sẵn sàng đáp ứng cho các doanh nghiệp cùng những tiềm năng kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực nông - công nghiệp và thương mại - dịch vụ khác đang chờ doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác.
Ngoài ra, vị trí đắc địa của tỉnh Tiền Giang cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và lưu thông, vận chuyển hàng hóa với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
TP. Mỹ Tho về đêm. |
Mở rộng cửa đón nhà đầu tư Hàn Quốc
“Trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ và đã mang lại những thành quả tích cực.
Hiện tại, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Tiền Giang với 31 dự án, tổng vốn đầu tư gần 362 triệu USD. Người lao động có quốc tịch Hàn Quốc đang làm việc tại Tiền Giang có hơn 130 người. Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đến Hàn Quốc và lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Tiền Giang đều tăng dần qua từng năm. Năm 2023, Tiền Giang xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc gần 400 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là: ống đồng, nhôm, thủy sản, nông sản…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì buổi tiếp và làm việc với đại diện Hiệp hội Sản xuất thực phẩm Incheon - Hàn Quốc ngày 14/6/2023 (Nguồn: Báo Ấp Bắc). |
Để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư mở rộng quy mô dự án, hướng dẫn những nội dung cụ thể về thủ tục đăng ký đầu tư các dự án vào các Khu - Cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ hành chính công thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: Đầu tư, lao động, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến doanh nghiệp.
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tỉnh luôn đảm bảo thời gian giải quyết các thủ tục có liên quan kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tặng quà lưu niệm cho Hiệp hội Sản xuất thực phẩm Incheon - Hàn Quốc và Công ty TNHH SRC. |
Nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương, tỉnh đã quan tâm kiện toàn mạng lưới giao thông thủy, bộ phục vụ phát triển tại các vùng kinh tế đô thị trọng điểm: Vùng trung tâm, Vùng kinh tế - đô thị phía Đông, Vùng kinh tế - đô thị phía Tây và kết nối liên vùng, liên tỉnh. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Tiền Giang đầu tư trên 795,5 tỷ đồng triển khai 4 dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối phát triển các vùng kinh tế trong tỉnh. Ngoài ra, Tiền Giang đang tích cực phối hợp với tỉnh Đồng Tháp triển khai Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Các dự án giao thông trọng điểm nêu trên khi hoàn thành sẽ kết nối cùng với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, góp phần xóa “nút thắt” về hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, giúp Tiền Giang có thêm nhiều cơ hội mới, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, vươn mình đi lên cùng cả nước.
Trong tương lai, tỉnh mong muốn tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các vùng công nghiệp trọng điểm để nâng cao giá trị gia tăng. Tiền Giang tăng cường mời gọi các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào các Khu – Cụm công nghiệp với những ưu đãi về nhiều mặt như: hành lang pháp lý thông thoáng, ưu đãi về giá thuê đất, về tuyển dụng lao động có nhu cầu tìm việc…
Tiền Giang tiếp và làm việc với Đoàn công tác Thương vụ - Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo Ấp Bắc) |
Tiền Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí logistics… cho doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đến đầu tư tại địa phương.
| Tiền Giang kỳ vọng đón sóng đầu tư mới từ ASEAN Nhờ chính sách thu hút đầu tư cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vị trí địa lý thuận lợi, những năm ... |
| Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang Hiện nay, Tiền Giang có 259 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 160 sản phầm đạt 3 sao, chiếm ... |
| Hợp tác phát triển Khu Bảo tồn & Du lịch Sinh thái Đồng Tháp Mười Khi xu hướng sống xanh đang được lòng du khách, việc Sao Mai Group tìm thấy Khu Bảo tồn & Du lịch Sinh thái Đồng ... |
| Tết cổ truyền về với chốn xanh bình yên Khu Bảo tồn Đồng Tháp Mười Theo văn hóa của người Á Đông, Tết cổ truyền được xem như một ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Thời điểm bắt đầu ... |
| Đến Tham quan Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười đề trải nghiệm du lịch chữa lành Điểm Tham quan Khu bảo tồn (ĐTQ. KBT) Đồng Tháp Mười được mệnh danh là “Tràng An - phiên bản Miền Tây” khi vùng ngập ... |