📞

Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Anh Sơn 20:39 | 03/03/2022
Tại cuộc họp báo chiều 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác, có biện pháp phù hợp để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. (Ảnh: Nhật Bắc)

Chiều 3/3, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Đề nghị Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch, các thành viên Chính phủ khẳng định, tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát. Đến nay, mặc dù số ca mắc tăng nhưng tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp cho thấy rõ tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đã được đề ra.

Trong công tác phòng chống dịch, luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Tập trung chỉ đạo, triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; chuẩn bị điều kiện, đẩy nhanh nhập khẩu vaccine để tổ chức tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.

Đến nay, nước ta đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine, tiêm gần 202 triệu liều; người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng là 100%, 97,9%, 34,5%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 98,7%, 93,3%.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh, cả nước ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng (đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc).

Ở một số địa phương chưa quyết liệt trong đẩy mạnh tiêm chủng. Xuất hiện tình trạng "loạn giá" thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại một số địa phương...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42%, 2 tháng tăng 1,68%. Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất duy trì mặt bằng thấp. Xuất nhập khẩu tháng 2 tăng 17,6%; tính chung 2 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Ba đột phá chiến lược được chú trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính. Thương mại, dịch vụ khởi sắc.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1%. Khách quốc tế tăng 49,6% so với tháng trước, tăng 169% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng. Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp các ngành đã hỗ trợ hơn 57,81 triệu lượt đối tượng chính sách, người lao động với tổng kinh phí là 9.287 tỷ đồng; xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ hỗ trợ người dân trong dịp Tết và giáp hạt.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 24/2 đã hỗ trợ cho 35,64 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết 86/NQ-CP với tổng kinh phí khoảng 39,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP với tổng kinh phí gần 38,6 nghìn tỷ đồng.

Về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế-xã hội, hầu hết các bộ, cơ quan và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong đó xác định thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành, trong đó xác định thứ tự ưu tiên từng nhiệm vụ; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần đặc biệt quan tâm, xử lý, tháo gỡ.

Đáng chú ý là bộ phận người lao động phải nghỉ việc để điều trị, cách ly gây tình trạng thiếu lao động tạm thời; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro; Thị trường xuất nhập khẩu chịu nhiều tác động khủng hoảng tại Ucraina.

Lạm phát chịu sức ép từ thiếu nguồn cung, giá xăng tăng cao; hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; Tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu biên giới từng bước được giải quyết; thương mại, dịch vụ vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh...

Sau khi phân tích bối cảnh tình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình tháng 3 và những tháng tới tiếp tục có những khó khăn, thách thức đan xen nhiều thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, dự báo sát tình hình, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ phải hoàn thành trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3.

Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh do khủng hoảng tại Ucraina, cũng như có một số biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân và pháp nhân Việt Nam ở Ucraina và các nơi có liên quan.

Cũng tại phiên họp này thảo luận cho ý kiến vào nội dung Báo cáo tiền khả thi Dự án đường vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Đây là những dự án quan trọng góp phần hoàn thiện, kết nối hệ thống hạ tầng vùng Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.