📞

Tiếng kêu cứu của các loài hoang dã

07:00 | 07/06/2016
Mỗi năm, tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã có thể thu lợi hàng tỷ USD từ việc buôn lậu trên toàn cầu. Hoạt động này đã đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng và gây ra sự hủy hoại tài nguyên thiên nhiên chưa từng thấy.

Ngày 5/6 hàng năm được lấy làm Ngày Môi trường Thế giới và Liên hợp quốc khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm ngày đặc biệt này nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức trong lĩnh vực môi trường. Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay là Đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép loài hoang dã.

Các phóng viên chụp ảnh cùng với khẩu hiệu “Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã” tại buổi họp báo ngày 1/6/2016. (Ảnh: MH)

Nhân dịp này, tại Hà Nội, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã tổ chức họp báo với chủ đề “Không khoan nhượng đối với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã”, nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới của Việt Nam, với mong muốn chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực của tội phạm liên quan đến loài hoang dã, đặc biệt làm xói mòn luật pháp, quy định trong lĩnh vực này và an ninh quốc gia.

Vấn nạn nhức nhối toàn cầu

Việc khai thác động thực vật trên thế giới là một vấn nạn nghiêm trọng và ngày một gia tăng trên toàn cầu. Nó gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh.

Theo Báo cáo Khủng hoảng tội phạm môi trường 2014 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, buôn bán động vật hoang dã trái phép trên toàn cầu với giá trị ước tính từ 7 -24 tỷ USD đã phát triển và trở thành một trong những hoạt động buôn bán lớn nhất trên thế giới, cùng với buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người. Chỉ riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã ước tính thu lợi 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Hoạt động của mạng lưới tội phạm này đã dẫn đến sự suy giảm của hàng trăm loài động – thực vật hoang dã trên thế giới, đẩy nhiều loài đến bên bờ vực tuyệt chủng. Chỉ tính riêng tại Nam Phi trong giai đoạn 2007-2015, nạn săn trộm tê giác đã tăng lên gần 9.000%, từ 13 con tê giác bị giết vào năm 2007 đã tăng lên 1.175 con vào năm 2015. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN, bọn săn trộm ở châu Phi đã giết hại ít nhất 1.338 con tê giác trong năm 2015.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Chris Batt, Phụ trách Văn phòng  cơ quan Phòng chống Ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc nhận định: “Thế giới đã thức tỉnh đối với tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã. Sự tuyệt vọng của hàng nghìn loài hoang dã đã thu hút sự chú ý của cả thế giới”.

Còn theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam: “Buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đã đe dọa khả năng đạt được mục tiêu của Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030 đầy tham vọng đã được các vị lãnh đạo các quốc gia thành viên thông qua vào năm 2015”.

 Nỗ lực của Việt Nam

Việt Nam được biết đến là điểm trung chuyển và cũng là nước tiêu thụ nhiều loại sản phẩm phi pháp từ loài hoang dã. Hàng năm, ước tính Việt Nam sử dụng từ 3.700 đến 4.500 tấn các loài hoang dã cho các mục đích như thực phẩm, thuốc, đồ trang sức, thú nuôi...

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Hải quan Việt Nam đã thu giữ khoảng 18.000 kg ngà voi, 55.200 kg tê tê và hơn 235 kg sừng tê giác. Trong khi đó, từ 2010 đến tháng 9/2013, Cục Kiểm lâm đã thu giữ hơn 59.000 con động vật hoang dã với khối lượng 120.000 kg từ các vụ buôn bán loài hoang dã trái phép.

Một trong những vụ bắt giữ lớn nhất ở Việt Nam được thực hiện vào tháng 8/2015. Hải quan Cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng đã thu giữ ba chuyến hàng chứa tổng cộng 3,78 tấn ngà voi, 122,5 kg sừng tê giác và 4 tấn vảy tê tê - tất cả được ngụy trang trong những khối đá cẩm thạch rỗng ruột.

“Quyết định của Bộ trưởng Công an các nước ASEAN vào tháng 10/2015 đã bổ sung buôn bán trái phép động thực vật hoang dã và gỗ vào danh mục tội phạm xuyên quốc gia ưu tiên là một dấu hiệu tích cực của ý chí chính trị từ các nước ASEAN nhằm đưa việc ứng phó với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã ngang tầm tội phạm buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố và buôn bán vũ khí. Điều đó chứng tỏ sự công nhận tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã là nghiêm trọng và do đó cần phải được xử lý như một loại tội phạm nghiêm trọng”.

Phát biểu tại cuộc họp báo của UNODC, sáng 1/6, tại Hà Nội, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ Công an đã thành lập các lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã như Lực lượng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, có chức năng đấu tranh chống các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động thực vật hoang dã…”.

Bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ các loài hoang dã là Bộ Luật hình sự mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, trong đó bao gồm nhiều điều khoản và hình phạt nặng hơn đối với tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã. Mức phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm tới 15 năm tù giam và 2 tỷ đồng tiền phạt, còn đối với tổ chức thương mại là 15 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh vĩnh viễn.