📞

Tiếng Nga “mãi cùng ta”

17:45 | 22/11/2014
Thật vui khi nghe tin đoàn Việt Nam gồm năm thí sinh tham gia Olympic tiếng Nga quốc tế tháng 6/2014 đều đoạt giải, trong đó có ba giải nhất…

Từng học tập tại Đại học Sư phạm Arion ở Liên Xô (cũ) những năm 1980, cô Trần Thị Minh Nguyệt không khỏi ngậm ngùi khi tiếng Nga cứ dần lạc khỏi dòng chảy học ngoại ngữ ở Việt Nam. Thập niên 1990, cô chuyển sang dạy tiếng Anh ở một trường THCS ở Tp. Vinh (Nghệ An). Đến năm 2003, như một cơ duyên khi trường PTTH Phan Bội Châu cần giáo viên tiếng Nga, cô quyết định trở lại với môn học một thời thân thương…

Đặc sản của một thời

Những năm 70-80 của thế kỷ XX, không mấy người từng khoác áo sinh viên lại không học, không biết tiếng Nga - ngôn ngữ của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại… Thời ấy, tiếng Nga có một đời sống, một không gian khá đặc biệt, từ ký túc xá sinh viên, giảng đường đại học đến hiệu sách, thư viện và được hiện hữu qua các bài giảng, bài hát, bài thơ, phim ảnh Liên Xô...

Đó là thời những bộ phim như Bài ca người lính, Tọa độ chết, Chiến tranh là thế, Khi đàn sếu bay qua, Sông Đông êm đềm làm mê đắm biết bao trái tim Việt. Đó là thời những ca khúc như Đôi bờ, Cây thuỳ dương, Chiều Mátxcơva, Triệu bông hồng trở thành một góc nhỏ trong tâm hồn ai đó…

Nhưng… chỉ còn trong quá khứ. Đâu đó trong cuộc sống thường ngày cũng có người ngân nga đôi ba câu hát với nỗi niềm về đất nước có rừng bạch dương, của mùa thu vàng và những đêm trắng quyến rũ. Thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, khi trào lưu học tiếng Anh nở rộ, tiếng Nga dường như tan vào hoài niệm, dù nỗ lực thúc đẩy của một số trung tâm, trường học…

Thành tích “không thể tin nổi”

Không rình rang như những kỳ thi Olympic toán học, vật lý… Truyền thông Việt Nam không đưa nhiều tin, bài về cuộc thi Olympic quốc tế tiếng Nga lần thứ 13 tại Moscow từ ngày 6-11/6/2014 – nơi có 230 học sinh đến từ 30 quốc gia cùng tranh tài trong các phần thi như diễn thuyết, tìm hiểu về đất nước, con người Nga và hai phần thi phụ (“Nhà hùng biện trẻ” và “Nhà đọc thơ trẻ”).

Kết quả là đoàn Việt Nam gồm năm thí sinh đều “ẵm” giải thưởng cao. Em Nguyễn Thị Minh Nguyệt (trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) giành luôn ba giải: giải Nhất chung cuộc, giải Nhất hùng biện và Bằng khen cho câu trả lời hay của cuộc thi “Đọc hiểu”. Ngoài ra, em Nghiêm Bá Trí (trường PTTH Hà Nội-Amsterdam) nhận giải Nhất chung cuộc và giải Nhất đọc thơ, Đỗ Anh Tùng (trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) đoạt giải Nhất chung cuộc và giải Nhì thuộc về các em Dương Hồng Ngọc (trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) và Nguyễn Phương Trang (trường PTTH Phan Bội Châu, Nghệ An).

Thành tích đáng nể của đoàn Việt Nam khiến cho bà Smirnova Ivanovna, Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế Đại học tiếng Nga quốc gia mang tên A. Pushkin không khỏi ngạc nhiên: "Ban giám khảo thậm chí đã không thể tin nổi rằng các học sinh đó học tiếng Nga tại Việt Nam mà không phải ở Nga".

Cô Minh Nguyệt cũng phấn khởi không kém. Bởi cô là giáo viên chủ nhiệm của em Phương Trang. Còn lớn hơn giải Nhì Olympic tiếng Nga đầu tiên của tỉnh Nghệ An, đó thực sự là niềm động viên lớn cho cô sau quyết định trở lại tiếng Nga cách đây hơn 10 năm…

Tiếng Nga trở lại

Trong thập niên qua, lớp tiếng Nga ở trường PTTH Phan Bội Châu cũng lận đận lắm. Trung bình mỗi năm tuyển hơn 20 học sinh, nhưng cũng có năm, nhất là khi mở lớp song ngữ Anh – Nga thì chỉ có hai em thực sự yêu thích và quyết tâm theo đuổi tiếng Nga.

Cô Nguyệt chia sẻ: “Trong học kỳ đầu tiên, hầu như cô trò chỉ tập trung để ổn định tư tưởng và thuộc chữ cái là chính. Để các em yêu thích tiếng Nga là cả một quá trình. Và điều thú vị là sau một học kỳ, chưa có học sinh nào xin chuyển trường để học ngoại ngữ khác”. Kết quả là năm nào Trường cũng có giải quốc gia về tiếng Nga, nhiều em đỗ thủ khoa các trường đại học, còn học sinh đỗ hai trường đại học thì tương đối nhiều…

Câu chuyện tương tự ở Đà Nẵng. Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chính thức thành lập khoa tiếng Nga được gần 30 năm với hàng ngàn lượt sinh viên tốt nghiệp, có việc làm ổn định và thành công. Vậy mà, có năm đầu vào “mỏng” đến mức Trường không mở được lớp, sắp phải đóng mã ngành…

Nhưng tình hình đang thay đổi. Hiện nhu cầu nguồn nhân lực giỏi tiếng Nga trong khu vực miền Trung rất lớn, một phần rất l ớn từ nhu cầu nhân lực của ngành du lịch do lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng mạnh. Những năm gần đây, Trường đã tuyển mới được hàng trăm sinh viên cho khoa tiếng Nga...

Tiếng Nga không còn vị trí độc tôn nhưng không bao giờ vắng bóng trong cuộc sống thường ngày, ít ra là của những lưu học sinh Liên Xô như cô Nguyệt bởi câu hát “Đừng nói câu từ biệt/Tiếng Nga mãi mãi cùng ta” vẫn vang mãi trong lòng...

HẠNH DIỄM