📞

Tiếng Nga tiếp tục là phương tiện quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam

Tống Thoan 15:14 | 25/11/2024
Từ ngày 25-27/11, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Liên bang miền Đông Bắc mang tên M.K.Ammosov tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ III với chủ đề "Tiếng Nga ở châu Á".
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ III với chủ đề "Tiếng Nga ở châu Á". (Ảnh: Tống Thoan)

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được phối hợp tổ chức bởi hai trường nhằm mở ra những cơ hội hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa hai nước, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nga trong không gian khoa học và giáo dục hiện đại.

Hội thảo là diễn đàn cho các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng các vấn đề về đào tạo tiếng Nga ở châu Á, tăng cường nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới hiện nay, với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo các trường đại học của Nga.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển và quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng; từ đó, tiếp tục củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trong giai đoạn từ những năm 50 đến những năm 80 của thế kỷ trước, tại Việt Nam đã có phong trào học tiếng Nga rất phổ biến ở tất cả các trường phổ thông và đại học, chưa kể hàng chục nghìn thanh niên nam nữ được cử đi học tại các trường đại học khác nhau của Liên Xô theo các thỏa thuận liên chính phủ.

Trong số những sinh viên tốt nghiệp đại học tại Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, nhiều người đã trở thành những chuyên gia hàng đầu nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau của đất nước, trong đó một số người đã và đang giữ những chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu tham dự. (Ảnh: Tống Thoan)

Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Nga trong việc tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tiếp tục giảng dạy tiếng Nga cho sinh viên.

“Tiếng Nga sẽ tiếp tục là phương tiện quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam, những người muốn tiếp cận kiến thức, cũng như các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của Nga”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh.

Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thông tin, hiện trường có gần 30.000 sinh viên. Trường có hơn 1.200 cán bộ, giảng viên; trong đó có hơn một trăm giảng viên viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng tại Liên Xô và Nga.

Ngoài ra, trường đào tạo đa ngành, có 27 chuyên ngành, đa cấp. Trường đào tạo các chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và cao đẳng.

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nói: "Tiếng Nga là một trong năm ngoại ngữ được đào tạo tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Khoa Ngôn ngữ Nga được thành lập vào năm 2013.

Trong hơn 10 năm, khoa đã đào tạo được nhiều cử nhân tiếng Nga. Đã có trên 30 sinh viên nhận được học bổng toàn phần của hai chính phủ Nga và Việt Nam để sang du học tại nhiều trường đại học khác nhau ở Nga.

Trong tương lai, trường chúng tôi tiếp tục đặc biệt quan tâm đến việc giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, coi đây là đóng góp to lớn nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước".

Sinh viên của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội biểu diễn văn nghệ. (Ảnh: Tống Thoan)

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các nội dung như: Tổng quan chung về ngành ngôn ngữ Nga hiện đại trong không gian giáo dục của một thế giới đa cực và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học; những vấn đề cấp bách của việc dạy tiếng Nga hiện nay.

Bên cạnh đó là chủ đề thảo luận về trí tuệ nhân tạo trong hệ thống dạy tiếng Nga cho người nước ngoài: Điểm mạnh và điểm yếu; vai trò các ký hiệu trong giảng dạy tiếng Nga cho người nước ngoài; kinh nghiệm quốc tế trong giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ; giao lưu hữu nghị “Yakutia - Việt Nam” giữa sinh viên trường Đại học Liên bang Đông - Bắc (Yakutsk, Nga) và Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.