📞

Tiếng Pháp ở châu Phi và Việt Nam

14:15 | 20/10/2015
Thời Pháp thuộc, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức ở nước ta. Nhưng văn học báo chí Việt Nam vẫn phát triển bằng tiếng Việt nhờ chữ quốc ngữ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, văn chương và báo chí sử dụng tiếng Việt là chính.
Trẻ em ở Burkina Faso phải học đọc và viết tiếng Pháp từ rất sớm.

Tình hình ngôn ngữ ở châu Phi phía Nam sa mạc Sahara khác ta. Các thuộc địa cũ của Pháp đều được trao trả độc lập vào năm 1960, nhưng tiếng Pháp vẫn có vị trí độc quyền.

Tại sao văn hóa lại không đồng hành với chính trị? Nhà thơ và Chủ tịch đầu tiên nước Sénégal độc lập Senghor – người ca ngợi tính độc đáo và phong phú của văn hóa châu Phi đã giải thích vấn đề này trong một bài báo của tạp chí Espirit (1962).

Theo ông, lý do đầu tiên là lý do văn hóa chứ không phải là chính trị. Ông nói: “Sử dụng tiếng Pháp đối với văn hóa da den có ý nghĩa gì?... Trước hết, là lý do thực tế. Rất nhiều người giới thượng lưu suy nghĩ bằng tiếng Pháp thạo hơn tiếng dân tộc mình”.

Lý do thứ hai là vì sự phong phú của tiếng Pháp. “Ngôn ngữ châu Phi da đen cũng phong phú, nhưng đó là ngôn ngữ thô, gồm những từ cụ thể, trật tự của các từ trong mệnh đề theo tiếng gọi của cảm xúc hơn là lý trí”.

Lý do thứ ba: Cú pháp của ngôn ngữ Pháp là sáng sủa, chính xác và tế nhị. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ mang tính vừa phân tích vừa tổng hợp.

Lý do thứ tư: Văn phong Pháp kết hợp cái tế nhị Hy Lạp với cái chặt chẽ La Mã.

Lý do thứ năm: Tính nhân văn Pháp. Tiếng Pháp luôn thể hiện một đạo lý, do đó có tính phổ biến.

Senghor không hề từ bỏ những ngôn ngữ châu Phi, tiếng nói thể hiện những gì sâu lắng nhất của người da đen. Nhưng là người thuộc thế kỷ XX, ông tự cho mình được tự do sử dụng “ngôn ngữ Pháp, một công cụ tuyệt vời”. Nhất là tiếng Pháp qua thời gian đã có những biến chuyển khiến người châu Phi da đen gần gũi hơn với nó. Trước đây, tiếng Pháp vốn dĩ là ngôn ngữ chủ yếu của đạo lý, luật pháp, ngoại giao đã quần chúng hóa, mở rộng phạm vi nhờ Victor Hugo (sử dụng những từ kiêng kị, kĩ thuật, dân dã, ngoại lai). Đến thế kỷ XX, phong trào siêu thực ở Pháp lại tiến gần cú pháp ngôn ngữ da đen với nhiều ẩn dụ.

Senghor suy nghĩ bằng ngôn ngữ Pháp, nói tiếng Pháp thạo hơn tiếng mẹ đẻ. Đó không phải là trường hợp của nhà văn Việt Nam viết cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Thí dụ Nguyễn Khắc Viện, nghĩ bằng tiếng Việt khi viết tiếng Việt, nghĩ bằng tiếng Pháp khi viết tiếng Pháp, nghĩ luân phiên tiếng Việt và tiếng Pháp khi dịch Truyện Kiều. Các nhà văn Việt Nam có lợi thế hơn các nhà văn Sénégal. Có một nền văn học bằng văn tự (chứ không phải chỉ bằng truyền khẩu) trước khi người Pháp chiếm đóng. Một nền văn học có hai dòng: dòng bác học sử dụng chữ Hán và dòng dân gian dùng chữ Nôm. Do đó mà Truyện Kiều, tác phẩm dân tộc đã ra đời vào cuối thế kỷ XVIII. Tiếng Việt do đó có thể diễn tả tất cả tư tưởng, tình cảm, cái cụ thể và cái trừu tượng.

Hơn nữa, tiếng Việt là tiếng nói của một quốc gia, tiếng nói của tộc người đông nhất (86% nhân dân), được 53 nhóm thiểu số chấp nhận. Còn tiếng Sénégal, tộc người đông nhất là nhóm Wolof chỉ có 42,7% dân số. Nghị định năm 1971 lấy sáu ngôn ngữ của những nhóm dân tộc đông nhất làm ngôn ngữ quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức cũng dễ hiểu.

Khi gặp tiếng Pháp, tiếng Việt không phải là “một ngôn ngữ dã man” (une langue sauvage), như ông Phạm Duy Khiêm từng nói. (Theo Bùi Tiến Liễu – Học gần học xa, NXB Đại học Quốc gia – Hà Nội, 2005). Ông Khiêm tốt nghiệp agrégé (thạc sĩ), khác với nghĩa ta dùng bây giờ. Ông Khiêm cùng khóa với Senghor và Tổng thống Pháp Pompidou, nguyên là Đại sứ của Ngô Đình Diệm ở Pháp trước khi bị thất sủng. Tiếng Việt vốn đã trưởng thành, khi tiếp xúc với tiếng Pháp đã hấp thụ được tinh hoa mà Senghor nêu trên. Chỉ cần đọc Bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thấy rõ.

Hữu Ngọc