Nhỏ Bình thường Lớn

Tiếp lửa đam mê cho sinh viên

Ngành Ngoại giao được ví là mặt trận bảo vệ đất nước từ xa, là “đem chuông đi đánh xứ người”. Vì thế, trách nhiệm của nhà giáo ngoại giao càng quan trọng hơn trong việc truyền lửa cho các “chiến sĩ” tương lai trên mặt trận đối ngoại của đất nước… PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao đã chia sẻ với TG&VN như vậy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
TIN LIÊN QUAN
tiep lua dam me cho sinh vien Bế giảng Khóa bồi dưỡng Kỹ năng đối ngoại dành cho lãnh đạo Sở các địa phương
tiep lua dam me cho sinh vien Bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại dành cho lãnh đạo Sở các địa phương

Là nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, và cũng là một nhà giáo, ông suy nghĩ như thế nào về nghề giáo thời nay?

Nghề giáo đã có từ lâu đời với những tiêu chuẩn tương đối bền vững. Người thầy là người hết lòng yêu thương học sinh, có kiến thức trình độ và yêu nghề, sống chết với nghề. Đấy là những tiêu chuẩn chính để trở thành nhà giáo.

tiep lua dam me cho sinh vien
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng chụp ảnh cùng sinh viên Học viện.

Sứ mệnh của nghề giáo là đào tạo ra những người có trình độ cao, có tư duy độc lập, phản biện, sáng tạo và có lòng yêu nước, yêu dân tộc. Riêng đối với ngành Ngoại giao, những tiêu chí này càng rõ ràng hơn, cần thiết hơn. Bên cạnh những tiêu chuẩn của một nhà giáo cộng với kiến thức chuyên môn về đối ngoại là những tài sản vô giá để người thầy trong ngành Ngoại giao tiếp lửa cho các thế hệ trẻ, những chiến sĩ tương lai trên mặt trận đối ngoại của đất nước.

Học viện Ngoại giao có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu về quan hệ quốc tế? 

Trong những năm gần đây, Ngoại giao đang ngày càng trở thành một ngành hữu dụng trong con mắt của sinh viên nói riêng và xã hội nói chung. Như chúng ta đã biết, năm 2014 có sự kiện giàn khoan. Qua đó, những việc mà ngành Ngoại giao tham gia vào cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước đã trở nên sống động và thiết thực, cả xã hội đều nhận thấy. Điều này đã tạo ra một nguồn cảm hứng mới cho các em sinh viên đang theo học  và học sinh tốt nghiệp phổ thông muốn theo học ngành Ngoại giao.

Tuần lễ APEC 2017 vừa qua cũng là một minh chứng nữa về tính hữu dụng của ngành Ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung đối với việc phục vụ lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam.

Như chuyện bạn nhỏ được Tổng thống Mỹ Donald Trump tặng lại bó hoa, đã phát biểu, đại ý rằng bạn ấy sẽ phấn đấu để trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Đó là những phản ứng đẹp rất tự nhiên của xã hội đối với ngành Ngoại giao. Hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp của Ngành đã ngày càng củng cố rằng: đây là một nghề gắn chặt và trực tiếp với quyền lợi của đất nước.

Thêm vào đó, qua gần 60 năm phát triển, uy tín của Học viện Ngoại giao hiện nay ngày càng được củng cố. Nhiều người đã nhận thấy hoạt động của các cán bộ ngoại giao, từ lãnh đạo cao nhất của Ngành cho đến các cán bộ cấp thứ trưởng, cán bộ cấp vụ trưởng, chuyên viên, kể cả những em sinh viên Học viện Ngoại giao được điều động đi làm tình nguyện viên đều thể hiện tính chuyên nghiệp, tận tâm, tận tụy, kỷ luật và trình độ tốt. Nhìn từ lăng kính vĩ mô cho đến vi mô, xã hội đã thấy sản phẩm của Học viện Ngoại giao là đây. Trong con mắt xã hội, ngành Ngoại giao trở nên có “giá” hơn là vì thế.

Theo ông, phẩm chất gì là quan trọng nhất đối với “nhà giáo đối ngoại”?

Tôi nghĩ rằng, trước tiên phải là một nhà giáo tốt. Do có những đặc thù riêng nên để là một nhà giáo tốt trong ngành Ngoại giao, chúng tôi đang cố gắng trau dồi trình độ theo một số tiêu chí cụ thể khác.

Thứ nhất, phải kết hợp tốt giảng dạy và nghiên cứu. Giảng dạy là để truyền đạt kiến thức cho sinh viên; nghiên cứu là để bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn sâu về quan hệ quốc tế. Hai mặt giảng dạy và nghiên cứu bổ trợ qua lại, hòa quyện vào nhau, qua đó “mài sắc” kiến thức để tiếp lửa cho sinh viên.

Thứ hai, phải kết hợp được giữa thực tiễn và lý thuyết. Nếu người thầy giảng về đàm phán mà chưa tham gia đàm phán, giảng về lễ tân mà không tham gia vào hoạt động lễ tân cụ thể, giảng về phân tích chính sách đối ngoại mà không tương tác với người làm chính sách đối ngoại của nước mình có quan hệ thì rất khó truyền đạt cho các em sinh viên.

Một điều nữa, chuyên ngành này luôn động, luôn mới. Thế giới thay đổi rất nhanh, người thầy phải thường xuyên cập nhật tình hình và phải cố gắng hơn nữa trong nghề.

Ông có muốn gửi gắm gì đến các bạn trẻ muốn trở thành nhà ngoại giao trong tương lai?

Theo thống kê của kỳ tuyển sinh năm 2017, trên 60% sinh viên đỗ vào Học viện Ngoại giao đã chọn Học viện Ngoại giao là nguyện vọng một. Điều đó cho thấy tỉ lệ các bạn trẻ quan tâm đến ngành Ngoại giao gần đây là khá cao.

Chúng tôi tin rằng, các em sinh viên được hấp dẫn bởi nghề ngoại giao từ trước khi vào trường. Các em đã có niềm đam mê nghề nghiệp và chúng tôi hy vọng các em cứ giữ được cái đam mê ban đầu đấy. Chúng tôi phải có trách nhiệm duy trì, nuôi dưỡng sự đam mê đó, “thổi lửa” cho các sinh viên.

Tuy nhiên, chúng tôi còn nhiều việc phải làm để có môi trường đào tạo thuận lợi hơn cho các em, để lòng yêu nghề cùng với kiến thức về ngành Ngoại giao, về lĩnh vực quan hệ quốc tế của các em tăng lên.

Giới trẻ hiện nay năng động hơn, hội nhập hơn nhưng ông có cho rằng vai trò của người thầy vẫn là chủ đạo?

Sự thay đổi không ngừng trong cuộc sống, trong quan hệ quốc tế, những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật nói chung, trong ngành Ngoại giao nói riêng luôn đòi hỏi cả thầy và trò cùng cập nhật.

Riêng về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT), nhiều khi thầy còn đi sau trò. Trong dòng chảy kiến thức quan hệ quốc tế ào ạt, thông tin ngày càng nhiều, khả năng tiếp cận thông tin giữa thầy giáo và sinh viên gần như bằng nhau. Quan trọng nhất lúc này là kiến thức và kỹ năng xử lý thông tin. Ở góc độ này, tôi nghĩ rằng người thầy vẫn có lợi thế hơn so với sinh viên vì chúng tôi có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, sự từng trải để hướng dẫn sinh viên.

Tôi nhấn mạnh yếu tố “hướng dẫn” bởi lẽ, mô hình giảng dạy bây giờ cũng khác, không còn theo kiểu thầy đọc trò chép, không còn kiểu áp đặt quan điểm, nhận định. Người thầy chỉ hướng dẫn để sinh viên có kỹ năng tiếp nhận thông tin với khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, tinh thần làm việc theo nhóm và trên hết là suy nghĩ nghiêm túc, có lòng yêu nước. Từ đó, tinh thần tự học được phát huy và đó mới là động lực để các em thành công trong quá trình học tập và công tác sau này.

Xin cảm ơn ông!

tiep lua dam me cho sinh vien Khai giảng khóa Bồi dưỡng chuyên sâu về đối ngoại và hội nhập quốc tế

Ngày 20/9, tại Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng với các Bộ, ngành khai giảng khóa học Bồi dưỡng chuyên sâu ...

tiep lua dam me cho sinh vien Sinh viên Ngoại giao với kinh doanh trong lĩnh vực Nghệ thuật truyền thống

Ngày 7/9, dưới sự chủ trì của PGS.TS Đặng Hoàng Linh và khách mời - Đạo diễn Việt Tú, Khoa Kinh tế Quốc tế, Học ...

tiep lua dam me cho sinh vien Học viện Ngoại giao với "sắc màu tín ngưỡng thờ Mẫu"

Tối 23/6, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra chương trình “Sắc màu văn hóa dân tộc trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”, ...

Yến Nguyệt (thực hiện)