Với tầm quan trọng của vấn đề này, Việt Nam đã có cách tiếp cận ngày càng chủ động khi có những đóng góp rõ nét đối với các vấn đề chung của Tiểu vùng thông qua việc đảm nhận vai trò của quốc gia ủng hộ ngoại giao đa phương và kết nối đối tác.
Điều này củng cố sự tự tin ngoại giao của Việt Nam, và cùng với các đối tác góp phần tạo dựng một cục diện thuận lợi hơn tại Tiểu vùng sông Mekongcũng như khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Diễn đàn cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng, ngày 30/11. |
Cách tiếp cận mới
Có thể nói, lối ứng xử đối ngoại của Việt Nam phù hợp với khuôn khổ phân tích về một người chơi chủ động và có trách nhiệm cao trên trường quốc tế. Việc triển khai mang tính chủ động của các quốc gia vừa và nhỏ thường gắn với phạm trù của “ngoại giao chuyên biệt”.
Với tư cách là một lĩnh vực chuyên biệt của phát triển và an ninh nguồn nước, tăng cường hợp tác ở Tiểu vùng sông Mekong phù hợp với định hướng vai trò tiên phong của đối ngoại Việt Nam.
Trước hết, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam cho thấy quan điểm ủng hộ vai trò mang tính xây dựng mà các bên liên quan khác đảm nhận tại tiểu vùng. Hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác không chỉ mang tính song phương mà còn ở cấp độ tiểu đa phương. Ví dụ, Việt Nam hoan nghênh vai trò của các nước khác trong Tiểu vùng như Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan trong các khuôn khổ như CLMV hay ACMECS.
Việt Nam cũng đóng góp tích cực trong các cơ chế hợp tác như Ủy hội sông Mekong, Mekong - Lan Thương, Đối tác Mekong - Hoa Kỳ, Mekong- Ganga, Mekong- Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc.
Đối với các quốc gia không có chương trình nghị sự riêng biệt về Mekong như Australia, Việt Nam sẽ tiếp cận từ góc độ các dự án hợp tác thiết thực như xây cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các chương trình hợp tác của Australia liên quan đến sông Mekong trong ASEAN.
Thứ hai, việc đưa vấn đề sông Mekong vào các cơ chế của ASEAN - vốn là nỗ lực trong thời gian đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, là minh chứng cho thấy Việt Nam muốn nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính của chủ nghĩa đa phương (từ cấp độ tiểu vùng/tiểu đa phương đến cấp độ khu vực).
Việc nâng vấn đề lên cấp độ ASEAN lúc đầu không đơn giản do không phải tất cả quốc gia ASEAN đều nằm trong Tiểu vùng sông Mekong. Do đó, ngay từ đầu, Việt Nam đã tiếp cận vấn đề một cách thận trọng và chỉ đưa ra quan điểm quyết đoán hơn khi các điều kiện trở nên thuận lợi hơn.
Hiện tại, với vấn đề Mekong trong chương trình nghị sự của ASEAN, Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí chính trị của mình trong việc đóng vai trò cầu nối giữa Đông Nam Á đất liền và hải đảo.
Thứ ba, xét về khuôn mẫu hành vi, tính bao trùm, công khai, minh bạch và vai trò trung tâm của ASEAN là những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong quá trình xây dựng cấu trúc an ninh khu vực và giải quyết các vấn đề xuyên biên giới tại tiểu vùng.
Cần lưu ý rằng Việt Nam là quốc gia ven sông Mekong duy nhất tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế vào mục đích phi giao thông thủy, qua đó thể hiện bản chất của một quốc gia ủng hộ luật pháp quốc tế.
Theo hướng đó, Việt Nam cũng ủng hộ việc sử dụng và quản lý công bằng và bền vững nguồn sông Mekong trên cơ sở phát huy mạng lưới ngoại giao rộng rãi với các nước láng giềng, các cường quốc tầm trung cũng như các nước lớn.
Ngoài ra, trong tất cả cơ chế được xây dựng bởi các đối tác trong và bên ngoài có lợi cho hợp tác Tiểu vùng, Việt Nam đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ thông qua các sáng kiến cụ thể.
Vai trò trung gian và kết nối của Việt Nam
Các nước trong Tiểu vùng như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, cũng như các cường quốc và đối tác phát triển khác đóng vai trò rất quan trọng đối với sông Mekong.
Tuy nhiên, các đối tác bên ngoài khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cũng được Việt Nam coi trọng vừa với tư cách là bên liên quan vừa trong vai trò của quốc gia thúc đẩy kết nối và hợp tác.
Tăng cường can dự tại Tiểu vùng Mekong là một lựa chọn chính sách khôn ngoan vì thông qua đó các nước sẽ có nhiều cơ hội nâng cao giá trị chiến lược của mình trong mối quan hệ với các nước trong Tiểu vùng và các đối tác khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như cả cộng đồng khu vực.
Về kinh tế, các chương trình, dự án tạo ra tác động tích cực đến Tiểu vùng và ASEAN, từ đó mang lại lợi ích cho chính các nhà tài trợ.
Vốn ODA và các nguồn viện trợ thường đóng vai trò động lực thúc đẩy đầu tư và thương mại. Về chiến lược, sự tham gia của các nước này tại Tiểu vùng giúp tăng cường ảnh hưởng của họ trong ASEAN và khu vực nói chung. Đồng thời, sự hiện diện tại Tiểu vùng cũng góp phần tạo nên sự cân bằng quyền lực ở khu vực.
Bản chất và cách tham gia vào Tiểu vùng của các nước nói trên đã thúc đẩy sự hợp tác cần thiết theo chiều ngang và chiều dọc nhằm ứng phó với các thách thức và vấn đề cùng quan tâm như an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, đại dịch, phát triển bền vững, kết nối cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực.
Quá trình tham gia này đã và đang góp phần tạo nên trạng thái Cân bằng Nash, thay vì các hình thức tái định hình quyền lực thiên lệch. Ví dụ, Nhật Bản công khai tuyên bố rằng sáng kiến của họ trong Tiểu vùng không nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Đồng thời, có thể lập luận rằng không quốc gia nào trong số các nước này muốn thấy một Tiểu vùng sông Mekong bị chi phối bởi một cường quốc duy nhất.
Về mặt chính sách, tất cả đều tìm cách duy trì một trật tự đa phương dựa trên luật lệ với việc tôn trọng các cơ chế liên quan như ASEAN và Ủy hội sông Mekong. Điều đáng khích lệ là nhiều chương trình và dự án hợp tác cũng được liên kết với các chương trình của Liên hợp quốc như Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các cơ chế Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc.
Theo quan điểm ngoại giao chuyên biệt, các lĩnh vực hợp tác vừa phản ánh lợi ích của các nước trong Tiểu vùng, vừa thể hiện năng lực thực sự của các cường quốc tầm trung trong các lĩnh vực không chỉ dành riêng cho các cường quốc như xây dựng năng lực, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các khía cạnh khác của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Đó là chưa kể đến việc Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều là những cường quốc về công nghệ. Nhật Bản và Australia là hai trong số những nhà tài trợ hàng đầu cho Tiểu vùng, trong khi Ấn Độ tập trung vào các dự án ICT và Hàn Quốc thúc đẩy nhiều dự án thực chất khác.
Chợ nổi Cái Răng. (Nguồn: dulichvietnam.org) |
Cần cái nhìn tổng thể
Mặc dù có những điểm tương đồng trong cách tiếp cận đối với Tiểu vùng sông Mekong nhưng giữa các nước này vẫn có những khác biệt. Việc phân tích chính sách đối ngoại đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu sát ở cấp độ đơn vị chứ không chỉ ở tầm hệ thống, để thấy được các sắc thái khác biệt. Điều này đúng với việc quan sát hành vi của những cường quốc tầm trung tại Tiểu vùng.
Theo đó, Nhật Bản là quốc gia có chiến lược toàn diện nhất và phân bổ nguồn lực đáng kể nhất. Xét về cam kết đối với tài nguyên, Nhật Bản thậm chí còn vượt Hoa Kỳ và chỉ đứng sau Trung Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến việc tham gia nhiều lĩnh vực với mức độ cao hơn trong Tiểu vùng thông qua “Chính sách phương Nam Mới”. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia duy nhất ngoài Tiểu vùng nâng tầm cơ chế Mekong lên cấp thượng đỉnh.
Về phần mình, Australia đã tham gia một cách thực chất nhưng có thể cần xây dựng một cơ chế hợp tác toàn diện với Tiểu vùng và có xu hướng gắn Mekong với các cơ chế hợp tác Australia - ASEAN. Trong khi đó, Ấn Độ cũng sớm tỏ ra quan tâm đến vấn đề sông Mekong và đề xuất hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, thách thức đối với Ấn Độ là khả năng thực hiện các chương trình do hạn chế về nguồn lực và ngân sách. Là nước nằm ở cuối nguồn sông Mekong và là nước tầm trung mới nổi, việc Việt Nam sử dụng chiến lược ngoại giao mang tính chủ động và gắn kết cao trong vấn đề này là hoàn toàn hợp lý.
Phân tích sâu hơn cho thấy, về mặt lựa chọn chính sách, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Việt Nam đều nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường kết hợp các mục tiêu dài hạn với các vấn đề cấp bách và trước mắt, nói cách khác là áp dụng một cái nhìn tổng thể. Ví dụ, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế đòi hỏi các dự án ngắn hạn cũng như đầu tư có tầm nhìn xa vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách (như đã nêu trong hợp tác Nhật Bản - Mekong).
Về mặt này, sự tham gia của các quốc gia bên ngoài với Tiểu vùng vẫn còn dư địa để phát triển. Chẳng hạn hợp tác Australia - Mekong có thể tiến tới thể chế hóa chặt chẽ hơn, hay quan hệ đối tác Hàn Quốc - Mekong có thể được nâng lên tầm chiến lược. Trong khi đó, Ấn Độ có thể đề xuất trao đổi ở cấp cao hơn trong tương lai khi hợp tác trở nên thực chất hơn.
Tóm lại, với vị trí đặc biệt và nhu cầu cấp thiết của mình ở Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam đã trở thành một bên liên quan rất tích cực trong các vấn đề ngoại giao và phát triển. Không dừng lại ở đó, Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo sự phát triển của Tiểu vùng theo hướng công bằng, hợp lý và bền vững, bằng cách đẩy mạnh nỗ lực nội sinh cũng như tranh thủ mạng lưới quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước trong Tiểu vùng, các đối tác bên ngoài, bao gồm các nước và đối tác phát triển lớn cũng như tầm trung.
(*) Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.