Tik Tok ứng dụng dựng và chia sẻ video âm nhạc kết hợp với mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào tháng 9/2016 bởi ByteDance. Hiện tại, Tik Tok đang là ứng dụng chia sẻ video ngắn hàng đầu ở châu Á và đang có những phát triển vượt bậc, trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc. Khác với những mạng xã hội như Instagram và Snapchat nơi người dùng chia sẻ về bản thân mình, Tik Tok muốn kích thích người dùng đẩy mạnh sự sáng tạo không giới hạn và sự hoàn hảo đến từng giây để tạo ra những video thú vị, thu hút và phong phú để chia sẻ với bạn bè khắp thế giới.
Thành công hiếm thấy
Hầu hết video trên Tik Tok có thời lượng ngắn khoảng vài giây đến 15 giây, tương tự cách mà Vine hoạt động trước khi bị đóng cửa. Nhưng điểm khác biệt của Tik Tok nằm ở khả năng chỉnh sửa, nhiều hiệu ứng độc đáo và đặc biệt là kho nhạc phong phú để lồng vào video, tạo ra những đoạn “hát nhép” cực kỳ ấn tượng tùy theo phong cách mỗi người.
Tik Tok đạt 150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. (Nguồn: Tech in Asia) |
Ứng dụng này đạt 150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày vào tháng 6/2018, và là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong 3 tháng đầu 2018, với khoảng 45,8 triệu lượt tải xuống. Đặc biệt hơn là ứng dụng này được phát triển chỉ trong vòng 200 ngày bởi một nhóm tám người ở ByteDance.
Vào mùa Hè vừa qua, Tik Tok và Musically đã chính thức kết hợp hai nền tảng video ngắn nổi tiếng nhất thế giới để tạo nên một nền tảng mới (giữ nguyên tên Tik Tok) với mục tiêu sẽ là nền tảng mạng xã hội video ngắn lớn nhất toàn cầu trong tương lai gần.
Không chỉ là nhảy nhót và hát nhép
Với kho âm nhạc đồ sộ và hợp thời, người dùng Tik Tok ngày càng chú ý đến việc cập nhật những xu thế mới nhất trên thế giới, xây dựng nội dung hài hước và trực quan hơn, thu hút người xem. Một trong những định dạng video phổ biến là việc bắt chước những thách thức trên mạng, như trào lưu “vịt hóa thiên nga” đến từ những cô nàng Trung Quốc sở hữu mặt mộc xấu xí trong chốc lát biến thành những tiên nữ xinh đẹp kết hợp với nhạc nền sôi động hay #LevitateChallenge (mang đến cho người xem cảm giác nhân vật trong video đang bay trên không) hoặc #Hideandseekchallenge (trốn và biến mất trong tủ quần áo).
Nếu những thách thức này khiến cho Tik Tok tràn ngập những video có nội dung giống nhau, chúng cũng khuyến khích người dùng phải dùng trí tưởng tượng của mình để dàn dựng ra những tình huống và cách thực hiện khác nhau, dùng tài năng của mình để tách bản thân ra khỏi số đông. Theo các chuyên gia của Génération Numérique (Pháp), Tik Tok đem lại tính sáng tạo lớn, thậm chí những video được tạo ra mang một nét nghệ thuật nhất định và đó là những thứ thu hút giới trẻ đến với ứng dụng này.
Lo ngại của người lớn
Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động từ hai năm trước, Tik Tok đã trở thành cơn sốt tại nhiều nơi trên thế giới và thu hút rất nhiều học sinh vị thành niên tham gia vào mạng xã hội này, chiếm phần lớn số lượng người dùng. Và từ đó, rất nhiều vấn đề đáng lo ngại nổi lên, đe doạ đến sự ngây thơ và trong sáng của những đứa trẻ.
Tại Hongkong, người dùng phải đủ 16 tuổi mới được phép sử dụng ứng dụng này. Thế nhưng, theo tờ South China Morning Post, ít nhất 100 học sinh tiểu học Hongkong (độ tuổi 10-12) mặc đồng phục, cùng phù hiệu và bảng tên xuất hiện trong hàng trăm đoạn video chia sẻ trên ứng dụng này. Trong số đó, có một số hình ảnh phản cảm được thực hiện bởi các em nhỏ như nhảy múa, cởi áo trong phòng tắm, tự hành hạ bản thân… Chẳng hạn, một học sinh sắp bước vào ngưỡng cửa trường trung học cảm thấy áp lực và chơi đùa với dao lam trên cổ tay.
Những đứa trẻ này dễ dàng bị các đối tượng xấu lợi dụng ứng dụng này để làm quen, dụ dỗ và xâm hại tình dục. Ngoài ra, những đứa trẻ còn dễ bị ảnh hưởng tâm lý từ những bình luận tiêu cực, chê bai và hạ thấp những sản phẩm mà chúng làm ra. Thậm chí, vào tháng 7 vừa qua, chính quyền Indonesia đã cấm ứng dụng Tik Tok hoạt động tại thị trường này do chứa “nội dung không phù hợp”. Nhưng sau đó, lệnh cấm đã được bãi bỏ.
Trước tình trạng này, điều gì sẽ xảy ra với Tik Tok khi nó đạt được những thành công như mong muốn trong tương lai gần? Liệu nó có thể vượt qua những mạng xã hội nổi tiếng và truyền thống như Facebook và Twitter nhưng vẫn giữ được lượng người dùng đều đặn, hay nó sẽ chịu số phận thê thảm như Vine - ứng dụng chia sẻ video dài 6 giây từng làm mưa làm gió trên Internet vài năm về trước - đã phải ngừng hoạt động vào năm 2016?