TikTok và WeChat là hai nạn nhân mới nhất trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. |
Tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành sắc lệnh hành pháp cấm WeChat, ứng dụng thuộc sở hữu của Tập đoàn Tencent, hoạt động tại Mỹ. Theo người đứng đầu xứ cờ hoa, đây là hành động cần thiết trong “tình trạng khẩn cấp liên quan đến công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc”, qua đó cấm “mọi giao dịch bởi bất kỳ cá nhân/tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ” đối với hai công ty, tập đoàn nêu trên kể từ ngày 20/9.
Theo CNBC, sau khi thông tin về sắc lệnh mới của ông Trump được công bố, giá cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, SMIC, Xiaomi, ZTE, lao dốc và sụt giảm hơn 100 tỷ USD trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Điều này đã khiến ByteDance phải đẩy nhanh kế hoạch thương thảo bán TikTok cho Microsoft và Twitter, hai ông lớn trong tập đoàn công nghệ đặc biệt quan tâm tới ứng dụng này. Tencent cũng chật vật không kém khi mất tới 45 tỷ USD chỉ trong một ngày và buộc phải xem xét kế hoạch cứu vớt cổ phần tại nhiều hãng game lớn có trụ sở tại xứ cờ hoa như Activision Blizzard hay Riot Games. Song, xét cho cùng, đó mới chỉ là một phần hệ lụy đến từ hành động quyết liệt của Mỹ.
Căng thẳng nối căng thẳng
Thứ nhất, quan hệ Mỹ-Trung đang ngày một căng thẳng sau hàng loạt quyết sách của Washington nhắm vào Bắc Kinh, mà việc cấm TikTok và WeChat là một trong số đó. Vài giờ trước sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt 11 cá nhân tại Hong Kong, trong đó có Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Ngoài những động thái trên, Washington đã tiến hành đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas (Mỹ) hay tăng cường kêu gọi đồng minh ngăn tập đoàn Huawei tham gia mạng 5G. Mới đây, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đã trở thành quan chức cấp cao nhất của xứ cờ hoa tới Đài Loan (Trung Quốc) trong bốn thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, phát biểu ngày 4/8 tại Diễn đàn An ninh Aspen, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã thừa nhận rằng quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước những căng thẳng “chưa từng có” và hai bên cần bắt tay vào cải thiện quan hệ.
Cuộc đàm phán thương mại trực tuyến diễn ra trong tuần này giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một nỗ lực như thế. Thú vị thay, rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu từ thương mại, song đàm phán thương mại giờ đây lại trở thành nơi để hai bên tìm kiếm tiếng nói chung trong các lĩnh vực khác. Ít nhất, đó cũng là những gì Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow tin tưởng trong chia sẻ ngày 11/8: “Khía cạnh duy nhất chúng tôi vẫn còn hợp tác là thương mại. Thương mại đến giờ vẫn ổn”.
Song câu chuyện về TikTok với WeChat, cùng hàng loạt vấn đề trong hợp tác song phương thì không và phải chờ tiến triển trong cuộc đàm phán tới.
Xu hướng mới
Thứ hai, thực tế cho thấy quyết sách của Mỹ trong hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của các tập đoàn Trung Quốc ngày một bài bản. Huawei có lẽ thấm thía hơn ai hết. Từ bước đi ban đầu như lệnh cấm chung, Mỹ đã dần siết chặt gọng kìm thông qua nhiều bước đi táo bạo như phối hợp với phía Canada bắt giữ con gái Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, kêu gọi các quốc gia tẩy chay sử dụng thiết bị của Huawei trong xây dựng mạng lưới 5G, gây áp lực buộc Google cấm Huawei truy cập dịch vụ trên hệ điều hành Android, tới chặn nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn, vi xử lý cho sản phẩm của tập đoàn này. Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc 2020, ông Richard Yu, CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, xác nhận rằng “niềm tự hào của Huawei”, dòng vi xử lý Kirin sắp bị khai tử vì không thể sản xuất.
Quan trọng hơn, đây là xu hướng nhiều khả năng sẽ được Mỹ duy trì trong thời gian tới đối với những tập đoàn có tiềm năng cạnh tranh của Trung Quốc, điều mà ông Trump đã bóng gió trong thời gian gần đây. Ngày 4/8, chính phủ Mỹ đã công bố khuyến nghị đề xuất loại công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, trừ khi họ cung cấp cho cơ quan quản lý Mỹ quyền tiếp cận đầy đủ vào tài khoản đã được kiểm toán.
Thứ ba, các động thái của Mỹ có thể khơi mào cho một làn sóng mới, khi các công ty công nghệ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong cạnh tranh giữa các quốc gia. Bên cạnh TikTok, Facebook từng nếm trải mùi vị này: Sau nhiều nỗ lực “lấy lòng” Chủ tịch Tập Cận Bình, tập đoàn này vẫn không thể chen chân vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong buổi họp toàn nhân viên ngày 9/8, Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg nhận định rằng lệnh cấm Tiktok của Mỹ có thể “tạo ra tiền lệ tồi tệ về lâu dài… mang đến hậu quả tại các nước khác trên toàn thế giới”, quan ngại rằng sản phẩm của Facebook có thể là mục tiêu của quốc gia khác trong tương lai.
Như vậy, thời gian tới dù muốn hay không, các công ty công nghệ hai nước vẫn sẽ thấp thỏm khi phải đối mặt nguy cơ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong cuộc cạnh tranh không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc.