Là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và 16 năm khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long-Hà Nội”.
Có lẽ, đã lâu, các nhà văn hóa, các nhà kiến trúc và các nhà quy hoạch quy hoạch đô thị mới có dịp cùng ngồi lại để bàn về câu chuyện nâng tầm và tạo nên diện mạo mới cho Phố cố Hà Nội.
Hội thảo Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội, ngày 8/10. |
Nâng danh hiệu di sản
Khu phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Bà Trần Thị Thúy Loan - Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… Cùng với giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như hoạt động ẩm thực, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, lễ hội… tất cả đã góp phần tạo dựng nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Trong những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội thông qua các hoạt động văn hóa, các hoạt động tương tác, hội thảo, triển lãm... đã giúp người dân và du khách nước ngoài có những hiểu biết về di sản quý giữa lòng thủ đô. Khi nhìn lại những giá trị ấy, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần nâng cấp danh hiệu cho di sản này.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng khu Phố cổ Hà Nội hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Bài, vấn đề này cũng cần được bàn bạc thấu đáo. “Dư luận xã hội có xu hướng phản ứng không tích cực về vấn đề nâng cấp xếp hạng di tích và không thực sự đồng tình với cái gọi là hội chứng chạy theo danh hiệu, hay thương hiệu di tích. Thế nhưng, cần hiểu đúng nội hàm của danh hiệu di sản”, ông nhấn mạnh.
Bởi vậy, nếu được nghiên cứu sâu, làm rõ các giá trị khoa học với tư cách là “phần thị” khu vực thị dân gắn liền ngay từ đầu và qua hàng ngàn năm lịch sử với kinh đô Thăng Long thì phố cổ Hà Nội hoàn toàn có khả năng bổ sung hồ sơ trình UNESCO xem xét, vinh danh. Hơn nữa, trong thời đại 4.0, việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích cũng cần những thay đổi so với giai đoạn trước.
“Với công nghệ 5G trong tương lai, các dữ liệu lớn về lịch sử văn hóa, di sản của Hà Nội nói chung và của phố cổ Hà Nội nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận qua các cổng thông tin ngay trên đường phố. Hiện nay cộng đồng dân cư khu phố cổ đang có sự thay đổi, nhiều người mới đến chỉ thuần kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, bán hàng cho khách du lịch và cũng chưa hiểu hết đặc trưng văn hóa lối sống của khu phố cổ trước đây. Nếu được xem những khung cảnh tái hiện này sẽ có ý thức hơn về giữ gìn những hiện vật hay tập quán, văn hóa để giữ được hồn của phố cổ”, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh.
Phố cổ Hà Nội |
Chuyện quy hoạch
Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội là bài toán nan giải, nhằm đảm bảo được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bên cạnh những mặt tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực và quy trình để thực hiện các dự án đầu tư..., thì dưới góc nhìn của PGS.TS Đỗ Thị Hảo - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, khu phố cổ ngày xưa hiện cơ bản không tồn tại và rất khó khôi phục nếu không giải quyết được vấn đề giãn dân.
Yêu cầu giãn dân khu phố cổ Hà Nội được thực hiện từ năm 2002 với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha, dự kiến kết thúc vào năm 2020. Nhưng công việc này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên mới di dời được khoảng 100 hộ sinh sống trong di tích, đình, đền, chùa, trường học, cơ quan. Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quan trọng nhất là “Phải làm thế nào tạo ra sức hút mới, là nơi người dân mong đến chứ không phải nơi khiến họ cảm thấy bị áp đặt”.
PGS.TS Nguyễn Trúc Anh cũng cho rằng, muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sống trong khu phố cổ là hết sức quan trọng. Nếu những người đang sinh sống trên các con phố cổ, những chủ nhân của các ngôi nhà cổ muốn có ý thức bảo vê ̣những giá trị truyền thống phố cổ thì đó là cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất.
Dù khó khăn nhưng theo KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ cần được nâng tầm để nhân dân tiếp tục coi trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị ấy. Thời gian tới, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chủ động tham mưu cho Thành phố trong công tác này. Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định chính quyền quận đã xác định việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
| Hồn cốt Hà Nội trong 'Hà Nội bảo thế là thường' TGVN. Tản văn 'Hà Nội bảo thế là thường' như những câu chuyện bên chén trà, ngoài quán nhỏ hay mâm cơm trong gia đình, ... |
| Hành trình xe đạp hữu nghị vì thành phố Hà Nội xanh năm 2020 TGVN. Ngày 4/10, chương trình Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh năm 2020 đã diễn ra tại khu vực Tượng đài ... |
| Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội trao quà trung thu cho trẻ khuyết tật ở Sóc Sơn, Hà Nội TGVN. Ngày 29/9, nhân dịp Trung thu, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) tổ chức thăm và trao quà cho các ... |