Diễn đàn do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) tổ chức, tiếp nối sự thành công của Chuyên đề 1 "Mở cửa du lịch Linh hoạt – An toàn – Hiệu quả" diễn ra vào ngày 11/3/2022.
Diễn đàn là nơi các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng bàn luận các vấn đề về chuyển đổi số mà các doanh nghiệp du lịch đang gặp phải hiện nay, cũng như giới thiệu những nền tảng công nghệ mới hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".
Việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất.
Toàn cảnh Diễn đàn 'Luồng xanh cho du lịch Việt Nam cất cánh – Chuyên đề II: Chuyển đổi số - Động lực phát triển bền vững'. (Ảnh: An Nguyên) |
Vấn đề sống còn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, đại dịch Covid-19 đã làm cho ngành du lịch trải qua những ngày đau đớn nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa.
“Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh”, ông Phòng khẳng định.
Tin liên quan |
Tôn vinh Du lịch xanh và bền vững |
Để chuyển đổi số thành công, theo ông Phòng có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch Covid-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới – chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số giúp cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp”, ông Phòng dẫn chứng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
Chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Ba là, tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm có: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Bốn là, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.
Năm là, phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…
Sáu là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số.
Bảy là, đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch.
Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều trăn trở
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Đỗ Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho hay, chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp du lịch, song vấn đề chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều hơn nữa những “trợ lực” từ chính sách và các tổ chức.
“Thực tế, những doanh nghiệp có quy mô lớn áp dụng chuyển đổi số là câu chuyện khác, trong khi đó có đến 3/4 các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số thì các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất trăn trở bởi đây là câu chuyện vừa phải có chính sách từ trung ương đến các bộ đến tổng cục du lịch đến hiệp hội cũng như sự chuyển đổi từ các sở địa phương mới có thể theo kịp được”, bà Xoan đề xuất.
Theo bà Xoan, hiện nay để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và cả quốc tế, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc không thể kinh doanh truyền thống nữa.
Đặc biệt, hậu đại dịch, việc số hóa sẽ càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín.
Vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua chương trình phát triển, có bổ sung ngân sách để bổ sung chuyển đổi số và xúc tiến du lịch, đây là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Chúng tôi mong muốn hơn nữa những chính sách để cùng đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa” - bà Xoan nói.
Số hóa ngành du lịch từ công nghệ blockchain
Chia sẻ kinh nghiệm số hóa cho ngành du lịch, ông Daika Ginz - Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hệ sinh thái Uniworld đề xuất, ngành du lịch là ngành có thể tận dụng tối đa sự ưu việt của những cơ sở hạ tầng Blockchain. Ví dụ, khi sử dụng cơ sở dữ liệu Blockchain, việc thay đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu được xác minh dựa trên cơ chế đồng thuận của hệ thống, giúp tránh được sự xâm nhập của hackers, hạn chế rủi ro về sai lệch thông tin, đơn giản hóa quy trình và tối ưu chi phí quản trị vận hành.
Trải nghiệm công nghệ số tại Diễn đàn. (Ảnh: An Nguyên) |
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã hiện diện trong những hệ thống, hạ tầng quản trị thông minh, nhằm chống gian lận hay giúp hiểu hành vi để tương tác, gợi ý với người dùng. Đặc biệt, những hệ thống được đồng bộ hoá nhờ công nghệ AI đã giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng tại các quốc gia đã phát triển như Đức, Nhật Bản, Mỹ…
Ông Daika Ginz dẫn chứng, Hãng hàng không quốc gia của Pháp - Air France đã sử dụng hạ tầng công nghệ Blockchain để phát triển và thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử có tên là ICC AOKpass. Ứng dụng này cho phép người dùng hiển thị kết quả âm tính Covid-19 trên điện thoại di động.
Hay Hãng hàng không của Anh - British Airways đã đầu tư vào và đang làm việc với Zamna, một công ty sử dụng nhận dạng khuôn mặt trong việc lưu trữ, sử dụng, đồng bộ, nhận dạng và bảo mật dữ liệu. Đây là một sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ Blockchain.
"Ngành du lịch cần nâng cao hạ tầng công nghệ để đáp ứng cho phiên bản kế tiếp của internet - vũ trụ ảo (metaverse). Việc ngành du lịch hiện diện trong vũ trụ ảo sẽ là bước tiến đột phá, đón đầu xu thế nhân loại. Quá trình hiện thực đòi hỏi ngành du lịch cần nghiêm túc, quyết liệt và tính toán kỹ lưỡng trong việc đầu tư nguồn lực và đổi mới hạ tầng. Chúng ta đang ở trong thời kỳ chuyển mình của nền công nghệ nhân loại. Định hướng chuẩn, thái độ đúng và tư duy tích cực sẽ giúp chúng ta trở thành những người tiên phong", ông Daika Ginz cho hay.
| Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa Ngày 26/3, trong khuôn khổ Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát ... |
| Du lịch xanh - Xu hướng tất yếu Khi các biên giới quốc tế mở cửa trở lại, nhiều chuyên gia cho rằng nên hướng tới những cách làm du lịch khác với ... |