Mỗi người một cảnh
Chị Thanh ở Phú Sơn, Ba Vì (Hà Nội) một mình phải nuôi 3 con nhỏ khi chồng chị qua đời. Đã có thời gian chị định đi làm ô sin ở Hà Nội nhưng vì các con chị còn quá nhỏ nên chị ở nhà lượm ve chai. Mọi người trong làng đều thương cảm cho số phận của chị nên hễ có công việc gì có thể làm được mọi người lại chỉ chỗ cho chị làm.
Một ngày của chị bắt đầu từ sáng sớm đến tối khuya. Mặc dù đã làm rất nhiều việc nhưng chị vẫn làm thêm nghề “lượm ve chai”. Chị nói: “Làm phụ hồ thì việc lúc có lúc không nên không ổn định. Đi mua sắt vụn như thế này đỡ mệt hơn. Có những ngày chị phải lóc cóc đạp xe sang tận vùng lân cận của tỉnh Phú Thọ để mua đồ phế liệu. Có những buổi trưa nắng gay gắt, chị ra các công trường xây dựng tìm vỏ xi măng về bán. Thời gian mọi người được nghỉ ngơi thì chị lại phải rong ruổi trên từng cây số để nhặt nhạnh, thu mua đồ sắt vụn mong sao kiếm được miếng cơm, manh áo cho con cái học hành tử tế.
Còn Thảo ở Đồng Thái- Ba Vì thì lại có hoàn cảnh gia đình nghèo nên cô gái 18 tuổi này không được đi học như bạn bè. Vừa học hết cấp hai, Thảo đã gia nhập đội quân thu mua phế liệu. Công việc đầu tiên của cô là giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Sau 2 năm làm ở đó, bố mẹ sợ con gái lỡ thì nên gọi cô về quê. Trong thời gian ở nhà, không có việc làm, cô đã theo chúng bạn đi mua sắt vụn ở các vùng lân cận rồi mang về bán cho các cửa hàng trong vùng lấy lãi. “Mình chỉ muốn sau này có đủ vốn để mở một cửa hàng thu mua sắt vụn vì mình cũng đã có chút ít kinh nghiệm”- Thảo nói.
Công việc vất vả vậy song nhiều khi đi làm có người còn gặp phải những hoàn cảnh dở khóc, dở cười. Các chị có khi phải bỏ ra hàng mấy trăm nghìn để mua về mấy thứ đồ giả. Chị Lê Thị Thanh cũng là nạn nhân của một trò bịp bợm trắng trợn như vậy. Chị kể lại trong nỗi bức xúc. Chị được chủ một cửa hàng bán cho một cuộn dây đồng. Cầm trên tay thấy nặng, chị có vẻ rất hài lòng và mừng rỡ, sẵn sàng bỏ ra mấy trăm nghìn để đổi lấy nó. Nhưng khi về chị mới ngã ngửa ra, “trong lõi chỉ toàn bê tông chứ làm gì có đồng”.
Làng ve chai
Không phải là hình thức “kinh doanh nhỏ lẻ” nữa mà từ lâu người ta đã coi nơi đây là một “làng nghề”. Chỉ đi đến đầu làng, ta đã cảm thấy những tiếng ồn ào va đập của lon bia, vỏ chai…, và cả mùi của phế liệu tìm từ trong các thùng rác. Có chút gì đó vừa ảm đạm, vừa hiu hắt pha chút rộn ràng của không khí làm việc của người dân nơi đây. Từ lâu, người ta đã quen gọi nó với một cái tên đầy tâm trạng: “làng ve chai Triều Khúc”.
Làng “ve chai Triều Khúc” thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội là nơi có “truyền thống” làm nghề ve chai từ rất nhiều năm nay. Mỗi ngày có đến hàng chục tấn phế liệu từ đài, ti vi, ghế nhựa hỏng đến lông gà lông vịt... đổ về làng Triều Khúc. Dường như thứ gì họ cũng thu mua và sau đó mới tiến hành phân loại.
Xe tải chở đồ đồng nát cứ chiều đến lại xếp hàng dài tiến vào làng, phụt khói mù mịt. Đổ phế liệu xong lại từ từquay ra với những thứ đã được phân loại, sơ chế, đem bỏ cho những mối quen là các xưởng đúc nhôm, sắt và xưởng nhựa.
Nhiều gia đình chuyên làm nghề này có hàng xưởng chế xuất phế liệu. Vì thế nguồn thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Nhiều gia đình đã sắm sửa được mọi thứ nhờ sản xuất phế liệu.
Người làng hay đi thu gom những thứ đồ bị bỏ đi đó về chế tác lại thành sợi, thành len - nguyên liệu cho rất nhiều vật dụng nhỏ mọn mà thiết yếu trong gia đình thành thị, như chổi lau sàn, thảm chùi chân... Nhưng nay, Triều Khúc còn có thêm rất nhiều nghề sản xuất khác. Sáng sáng, trên đường làng, ngổn ngang những xe hàng chở nhựa, đồng nhôm, dây đồng, dây điện hỏng...
Đủ loại đồ đồng nát đó được người làng tự thu mua về hoặc người nơi khác thu mua về bán lại cho làng, gia công thành rất nhiều loại đồ gia dụng như ghế lưới, ghế mây bằng nhựa, phụ kiện máy bơm như nắp cánh, nắp gió, nắp tụ, xi nhan ô tô, mắc áo, xẻng... và hàng loạt những sản phẩm đồ nhựa, từ cái lớn như thùng đựng nước, xô, chậu, đến cái nhỏ nhặt như đĩa ăn hoa quả, khay làm đá, hộp đựng xà phòng thơm... Hàng trăm vật dụng ấy được theo các xe hàng bán rong len lỏi khắp các con phố lớn nhỏ, ngõ ngách từ thành phố đến vùng ven thị.
Xưa kia, Triều Khúc vốn là làng có nghề dệt vải, làm len, xe tơ, dệt sợi do ông tổ nghề mang từ Trung Quốc về truyền dạy cho dân. Dần dà, theo nhu cầu đời sống, người làng còn sáng tạo ra các việc như làm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, quả cù. Những sợi tơ mỏng mảnh qua nhiều công đoạn như nhuộm, đánh ống cuốn trục và dệt. Nhờ bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, những sợi tơ dệt lụa đầu giàn buộc vào lõi gỗ đã tạo ra quả cù xinh xắn với tua dài treo lủng lẳng trong những ngày lễ tết, trong các đền, phủ và các buổi lễ hội.
Lao động vất vả, giá thành sản phẩm không cao, vậy mà dân làng vẫn làm nghề, say với nghề. Trong làng, từ xóm Cầu, qua xóm Đình vào đến xóm Lẻ và xóm Án... đâu đâu cũng có những cơ sở sản xuất với tiếng máy chạy suốt ngày đêm.
Chỗ nào cũng rác
Nghề ve chai cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Mon men trên con đường gồ ghề, tôi tìm đến khu trọ của một nhóm sinh viên tại Triều Khúc. Những đống rác ngổn ngang ngập đầu người, chỉ toàn là chai, lọ dầu nhớt, xà phòng, lon bia, nước rửa bát…Chỉ những thứ ấy thôi cũng đủ làm cho cả một khu trọ trở nên ô nhiễm, làm cho môi trường nơi đây thêm phần ngột ngạt.
Chị Lâm (trú tại Triều Khúc) cho biết: “công việc chị làm vô cùng vất vả. Sáng nào cũng phải dậy sớm, có khi cả đêm khuya cũng phải lang thang trên những con phố, con đường hẹp, bới nhặt những thùng rác để tìm sao cho ra “sản phẩm”. Vậy mà đến khi về nhà, chị lại còn không thoát khỏi cảnh “sống trong bãi rác”. Triều Khúc từ lâu đã là khu chế xuất của tất cả những phế liệu lấy từ các nguồn và đặc biệt lông ngan, lông vịt là một sản phẩm không thể thiếu.
Hóa chất từ việc súc xả các chai xà phòng, dầu gội, dầu nhớt, axit hòa lẫn hóa chất hấp nhuộm vải làm cá trong ao chuôm, thậm chí cung quăng trong cống, chẳng con nào sống sót. Vụn nhựa từ các xưởng nghiền phế liệu ứ đọng làm ách tắc dòng chảy. Đi khắp làng chỗ nào cũng đụng rác. Rác nổi lều bều trong các cống, vũng nước, ao tù lẫn với từng đám ruồi bu đen kịt.
Nhiều hộ thậm chí xả rác ra ao cống. Ao đầy, họ đổ quanh làng. Khắp đường làng chỗ nào cũng ngồn ngộn phế thải và rác. Với các nghề truyền thống như dệt, xe tơ, sợi, thu gom tái chế phế liệu, nghề lông vũ... Nhiều năm qua, làng nghề Triều Khúc đã xuất hiện hàng chục doanh nghiệp lớn và hàng trăm hộ sản xuất quy mô gia đình. Thu nhập của người lao động trong làng nghề này khá ổn định. Mỗi năm các hộ sản xuất đóng góp cho ngân sách gần 2 tỷ đồng. Trong làng nghề có 1 thôn chuyên thu mua các loại phế thải, rác, hoặc lông gà, lông vịt, lông ngan... để tái chế, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây càng đáng báo động hơn.
Thiết nghĩ "làng ve chai Triều Khúc" cần một khu sản xuất tập trung với quy mô lớn tách khỏi khu dân cư, có hệ thống xử lý xử lý chất thải, nước thải vừa bảo đảm ô nhiễm môi trường vừa tạo điều kiện sản xuất phát triển.
Theo Vitinfo