Tin A điện tử được chính thức ra mắt. |
Thay đổi để phát huy giá trị
Tin A Bộ Ngoại giao có gần 60 năm lịch sử, được hình thành sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8/1964. Nội dung bản tin là tình hình thế giới, khu vực và dư luận về Việt Nam, được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ tổng hợp từ nguồn tin quốc tế. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tin A Bộ Ngoại giao luôn được Lãnh đạo các cấp quan tâm theo dõi và đánh giá là một trong những kênh thông tin chất lượng, đa chiều[1].
Tuy nhiên, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, cách thức phát hành bản tin những năm qua đã xuất hiện nhiều bất cập. Hình thức in bản tin giấy và chuyển đến độc giả theo đường bưu điện có chi phí lớn, trong khi thông tin đến tay người đọc thường có độ trễ, không theo kịp diễn biến của tình hình. Hình thức tiếp nhận thông tin từ bản tin giấy không thể tra cứu hay khó khăn trong lưu trữ.
Tại Hội nghị Publish Asia 2019, Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) đã chỉ ra một số thay đổi mang tính bước ngoặt của truyền thông thế giới trong thời đại kỹ thuật số như sự thay đổi từ báo in sang báo trực tuyến, từ ảnh và văn bản sang đa phương tiện, sử dụng máy tính và thiết bị di động. Việc hiện đại hóa Tin A, hướng tới nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tiết kiệm ngân sách và phục vụ tốt nhất độc giả trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Với quyết tâm, nỗ lực tìm tòi sáng tạo, Lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Bộ xác định xây dựng nền tảng số Tin A với hai cấu phần là hệ thống quản trị nội dung (CMS) để biên tập tin bài và website cùng Ứng dụng (App) tin A dành cho người đọc. Đặc biệt, website và Ứng dụng Tin A cần có những chức năng quan trọng như tra cứu, trích xuất in tin và phát thanh. Độc giả có thể dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể đọc hoặc nghe tin A ở bất cứ địa điểm hay thời điểm nào. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh “môi trường, nền tảng cùng hành vi người dùng thay đổi”[2].
Sự đồng hành và hỗ trợ của doanh nghiệp công nghệ
Vượt qua trở ngại về kinh phí xây dựng tảng số Bản tin A lên tới hàng trăm triệu đồng, Lãnh đạo cùng tập thể Văn phòng Bộ vẫn táo bạo nghiên cứu, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp bởi tự hào về truyền thống 60 năm của Bản tin A cũng như tin tưởng vào ý nghĩa của dự án góp phần vào tiến trình hiện đại hóa ngành ngoại giao. Kết quả là tập đoàn FPT đã hỗ trợ xây dựng miễn phí nền tảng số Tin A giai đoạn 1 vào đúng thời điểm Hội nghị Ngoại giao 31. Không dừng lại ở đó, FPT tiếp tục đồng hành phát triển các tính năng của hệ thống để hoàn thiện hơn, đáp ứng các nhu cầu của người đọc theo hướng hiện đại hơn.
Phó Giám đốc khối chính quyền địa phương của Tập đoàn FPT Phạm Minh Tuấn chia sẻ, khi nhận được đề xuất hỗ trợ xây dựng hệ thống số Bản tin A, bản thân cá nhân rất ấn tượng về lịch sử hình thành Bản tin A, với việc cán bộ Phòng Tin tức Hàng ngày trước đây, phải nghe thông tin từ các đài quốc tế để báo cáo Lãnh đạo Bộ tại các buổi giao ban, và báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những câu chuyện này đã truyền cảm hứng lớn. Giám đốc Phạm Minh Tuấn cũng cho biết, ngay khi giai đoạn 1 được hoàn thành và có phản hồi tốt từ Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã trao huân chương cấp Tập đoàn cho đội ngũ triển khai dự án.
Tại buổi họp trao đổi về chuyển giao mã nguồn Bản tin A về Trung tâm Thông tin, Bộ Ngoại giao, Giám đốc Trung tâm Triển khai Giải pháp Chính phủ điện tử miền Bắc của FPT Mỵ Duy Long bày tỏ rằng rất vui vì dự án mang lại ý nghĩa lớn
Hiện đại hóa là mạch đập chính trong sự phát triển Bản tin A
Kể từ khi triển khai, nền tảng tin A điện tử đã thay đổi hoàn toàn phương thức và quy trình xây dựng, phát hành tin A. Thời lượng, nội dung tin bài, thay vì phụ thuộc vào công tác in ấn đã được xử lý trên hệ thống quản trị nội dung (CMS) và cập nhật thường xuyên, liên tục trong ngày, đảm bảo tính thời sự, đa chiều. Nền tảng số cũng giúp giảm 80% chi phí in ấn, bưu điện, nâng cao hiệu quả công tác và giúp người đọc nắm bắt thông tin nhanh hơn, cập nhật hơn. Đặc biệt, với việc số hóa các tin, đến nay, Bộ Ngoại giao đã có cơ sở dữ liệu các tin đã đăng trên tin A có thể dễ dàng tra cứu và lưu trữ, hỗ trợ đắc lực công tác nghiên cứu của Bộ.
Trong 10 tháng triển khai tin A điện tử, 92/94 Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 5 đơn vị trong Bộ (Ủy ban Biên giới Quốc gia, Vụ Châu Mỹ, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Châu Âu, Vụ Trung Đông - châu Phi) đã gửi hơn 11.000 tin bài, trung bình mỗi ngày có 50-60 tin.
Trong một cuộc khảo sát gần đây đến các đơn vị cơ quan, tổ chức được cung cấp tin A, 93,9% ý kiến trả lời rằng nền tảng số Tin A có “tính thời sự, hấp dẫn và tính tham khảo”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng đánh giá, nền tảng số Tin A có nội dung phong phú, tiên tiến.
Ngày 10/10/2022, nhân hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, phiên bản nâng cấp Ứng dụng đọc tin A điện tử trên điện thoại thông minh bắt đầu đi vào hoạt động.
Phiên bản mới có tốc độ truy cập nhanh, thao tác đơn giản và mượt mà (người dùng có thể vuốt tay sang trái/phải màn hình để chuyển sang tin mới hoặc về tin trước đó); Bổ sung tính năng cho phép vừa nghe bản tin Audio vừa đọc tin; Công cụ tìm kiếm được cải tiến, có thể tìm bằng từ khóa trong khung thời gian tùy chọn; Cuối mỗi tin đều có gợi ý những tin liên quan người đọc có thể quan tâm. Chức năng “In bản tin” cho phép người dùng có thể chọn trích xuất ra PDF tất cả các tin trong ngày hoặc chọn một số tin quan tâm để in.
Mọi thành công của đổi mới sẽ dừng lại thành một dấu ấn lịch sử nếu giá trị của thành công đó không tiếp tục được phát huy, quá trình hiện đại hóa không tiếp diễn. Do đó, trong tương lai, hệ thống nền tảng số tin A vẫn sẽ tiếp tục được phát triển hơn theo hướng ngày càng áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, với chất lượng nội dung ngày càng cao, góp phần vào công tác thông tin, nghiên cứu nói riêng cũng như công tác đối ngoại nói chung của đất nước. Sự phát triển đó cũng sẽ là một trong những điểm sáng góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền ngoại giao hiện đại, chuyên nghiệp.
[1]Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Ngọc Sơn cho biết, trong thời gian công tác tại Phòng Tin tức Hàng ngày (vào năm 1977), một trong những nhiệm vụ hàng ngày của Phòng là đọc ghi âm tin A gửi ngay trong ngày cho các đồng chí Lãnh đạo cấp cao nhất. Ngoài ra, cán bộ Phòng còn được cử tháp tùng và làm tin phục vụ Lãnh đạo cấp cao đi công tác.
[2]Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân đã chỉ ra rằng đa phần báo chí, nếu muốn tiếp cận người dung đều phải tiếp cận qua nền tảng digital (website, mobile, postcard, các thiết bị đeo trên người như đồng hồ, quần áo, kinh…); môi trường thay đổi, nền tảng thay đổi hành vi người dung thay đổi nên báo chí buộc phải thay đổi, https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-dot-pha-tu-tu-duy.html
| Tăng tốc chuyển đổi số vì lợi ích người dân, doanh nghiệp Năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ ... |
| Bắc Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số bắt đầu từ công dân số Ngày 6/9, trong khuôn khổ Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực ... |
| Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 253/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên ... |
| Nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ Ngoại giao trẻ bản lĩnh, chuyên nghiệp và hiện đại Ngày 11/8 tại Nhà làm việc số 2 Lê Quang Đạo, được sự đồng ý của Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ và Đoàn Khối ... |
| Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ để Việt Nam phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng Sáng 22/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân ... |