Bàn ghế được người môi giới bất động sản đặt ở khu vực Thống Nhất, phường Tân An để tiện giao dịch. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Sốt đất hiện nay có bong bóng?
Trả lời báo chí, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng có nhiều yếu tố để tình trạng sốt đất hiện tại khó chuyển thành bong bóng.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dưới 20%. Thứ hai, lãi suất cho vay hiện kiểm soát rất tốt ở mức 9% - 11%/năm, lãi suất tiền gửi khoảng 5% - 6%/năm. Thứ ba, nguồn cung trên thị trường thực sự đang khan hiếm, nhưng điều đó không có nghĩa người mua sẽ có hành vi tương tự cách đây 10 năm.
TS. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh, "Giả sử tốc độ tăng trưởng của chúng ta vẫn như bây giờ, các điều kiện về tín dụng, room tín dụng, lãi suất không đổi..., tôi nghĩ trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, không có chuyện bong bóng".
Nhìn xa hơn, trong năm 2022, TS. Khương cho rằng với các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội, việc thiếu nguồn cung mới trong bối cảnh dân số đô thị đạt ngưỡng 10 triệu người, cung không đáp ứng đủ cầu là có thật. Và chuyện tăng giá bất động sản không mang ý nghĩa giá trị "bong bóng" đẩy lên, mà bởi không có hàng bán.
Ở góc độ đầu tư, trong lịch sử, ở các thời kỳ chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính..., các kênh và các quỹ đầu tư sẽ chuyển sang các loại hình trú ẩn khác như vàng và bất động sản. Đối với Việt Nam, lãi suất ngân hàng đang ở mức 5% - 6%/năm. Vàng không phải ai mua cũng đem về nhà được.
Với một người dành dụm được 1 tỷ đồng sau 10 năm tốt nghiệp đại học chẳng hạn, thì giữa việc mua miếng đất hay gửi ngân hàng lấy lãi 5 - 6%/năm, họ chọn kênh đầu tư sôi động là việc dễ hiểu.
Tiền ở đâu để đổ vào bất động sản?
Trong bối cảnh "sốt" đất từ Bắc vào Nam, tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản đã vượt tín dụng chung của nền kinh tế. Một số ngân hàng đang có tỷ trọng cho vay bất động sản khá cao.
Mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản còn "nóng" hơn cả thị trường chứng khoán dù chỉ số VN-Index đang chinh phục lại mốc lịch sử quan trọng 1.200 điểm. Hòa Bình, Hòa Lạc, Đông Anh, Đà Nẵng… trở thành những địa điểm được nhắc tới nhiều khi giá đất tăng cục bộ, có nơi tăng 3-4 lần chỉ sau vài tháng.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tiền ở đâu chảy vào bất động sản góp phần "thổi giá" nhà đất? Nhiều người cho rằng nhiều nhà đầu tư chốt lời trên thị trường chứng khoán chuyển sang đất. Và một phần nữa, theo truyền thống, tiền có thể "chảy" ra từ hệ thống ngân hàng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra trong chiều 31/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã công bố số liệu của dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản trong 3 tháng đầu năm.
Cụ thể, đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 2,04%). Tuy nhiên, ông Tú nhận định mức tăng 2,13% cũng không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ ở một vài đơn vị.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 5 năm, dư nợ cho vay bất động sản có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn thị trường.
Trong giai đoạn 2016-2020, cho vay bất động sản được "kìm cương" khá tốt. Dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn thấp hơn tín dụng chung của nền kinh tế. Trong khi tăng trưởng tín dụng chung năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020 đạt 18,25%, 18,28%, 13,89%, 13,65% và 12,13% thì tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản lần lượt là 12,05%, 12%, 10%, 8,8% và 9,97%.
Lại thêm đại dự án ở Bình Dương xây dựng không phép
Ngày 31/3, Dự án khu đô thị An Phú Long Garden (Bình Dương) do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hoàng Gia Phú làm chủ đầu tư trên diện tích hàng chục ha bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xử phạt, đề nghị ngưng thi công vì xây dựng không phép.
Động thái này được thực hiện ngay sau khi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương kiểm tra và phát hiện tại dự án này tiến hành xây dựng khi chưa được cấp phép. Với hành vi vi phạm trên, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xử phạt chủ đầu tư số tiền 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu dừng thi công, khắc phục hậu quả trong vòng 60 ngày.
Trước đó, dự án Khu nhà ở nông thôn xã An Long dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng đã quây tôn, treo bảng quảng cáo với tên dự án khu đô thị sinh thái An Phú Long Garden do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hoàng Gia Phú làm chủ đầu tư. Dự án do Công ty Hoàng Cát Group là đơn vị phát triển dự án.
Phối cảnh khu đô thị Vinhomes Đại An Hưng Yên. (Nguồn: VH) |
Vinhomes được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị hơn 32.000 tỷ tại Hưng Yên
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Đại An do Vinhomes làm chủ đầu tư, diện tích gần 294 ha. Khu đô thị có địa chỉ tại xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khu đô thị này vào khoảng 32.661 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 6 năm kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư và thời hạn hoạt động dự án trong 50 năm.
Đây là dự án đại đô thị thứ hai được Vingroup triển khai đầu tư xây dựng ở khu vực này sau siêu dự án Vinhomes Ocean Park thuộc địa phận huyện Gia Lâm.
Theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt trước đó, mục tiêu dự án nhằm xây dựng thành khu đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại đa dạng về sản phẩm nhà ở, thương mại, dịch vụ; xây dựng môi trường sống, làm việc lý tưởng cho người dân, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội và là động lực phát triển cho đô thị Văn Giang, Văn Lâm…
Khu đô thị Đại An là dự án thứ 2 của Vinhomes được Thủ tướng chấp thuận đầu tư từ đầu năm đến nay. Trước đó, khu đô thị sinh thái Dream City cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư, diện tích khoảng 458 ha, tại các xã Long Hưng, Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.
Quảng Bình siết quản lý bất động sản
Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh này nhanh chóng thực hiện các giải pháp để quản lý tình hình bất động sản, không để xảy ra tình trạng "cò" gây sốt giá đất và bong bóng bất động sản.
Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Bình nhận định trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có sự phát triển chưa thực sự bền vững, cò n tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giá đất thiếu ổn định, xảy ra hiện tượng đầu cơ, mua đi bán lại, tăng giá đột biến… gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đời sống, sinh hoạt của người dân; gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và những người có nhu cầu chính đáng về đất ở.
Để tăng cường công tác quản lý đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh triển khai thực hiện tốt một số nội dung, không để xảy ra tình trạng sốt giá, đầu cơ và bong bóng BĐS trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Bình cần tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…; tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng…; các dự án đầu tư sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài chính liên quan đến thị trường bất động sản phải xử lý kịp thời, nghiêm minh.