📞

"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương": Vượt lên tầm một di sản

15:07 | 13/12/2012
Chia sẻ với PV Báo TG&VN về giây phút đầy xúc động khi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Phạm Cao Phong, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, vinh danh này đã vượt qua khỏi phạm vi một tín ngưỡng thông thường...
Ông Phạm Cao Phong (bìa trái) tại cuộc họp lần thứ 7 UB liên chính phủ về bảo vệ di sản VH phi vật thể diễn ra ở Paris ngày 6/12.

Xin cho biết cảm xúc của riêng ông tại cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris ngày 6/12 vừa qua?

Có lẽ, không phải chờ đến cuộc họp quan trọng này mà từ khi nhận được sự ủng hộ cao của Nhóm tư vấn của Ủy ban Liên chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), chúng tôi đã thấy mừng rồi. Tuy nhiên, giờ nhớ lại giây phút ấy tôi vẫn hết sức xúc động. Tại cuộc họp này, các hồ sơ trình duyệt được xếp thứ tự theo vần ABC tên nước nên hồ sơ của Việt Nam là hồ sơ cuối cùng được xem xét. Chúng tôi rất hồi hộp chờ đợi và cả đoàn Việt Nam đã vỡ òa cảm xúc khi chứng kiến giây phút ông Chủ tịch của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 gõ búa công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Càng thiêng liêng hơn nữa vì "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là sức mạnh đoàn kết cộng đồng cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng quê hương đất nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc của mỗi người Việt Nam, dù đang sinh sống ở trong nước hay là người Việt đang sống, học tập, làm việc tại nước ngoài.

Quá trình chuẩn bị và đệ trình hồ sơ, chúng ta gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được xây dựng từ năm 2010, năm 2011 Việt Nam đệ trình và năm 2012 chúng ta đã nhận được văn bản đóng góp ý kiến của Ban Thư ký Công ước 2003. Về thuận lợi, đầu tiên là chúng ta đã lắng nghe các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ. Thứ hai, sau khi hồ sơ được sửa xong, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Thọ đã tiến hành chương trình tiếp xúc vận động, giải thích về hồ sơ với các nước có liên quan để họ hiểu rõ về hồ sơ và giá trị của hồ sơ. Tuy nhiên, quy trình nào cũng gặp thử thách bởi vì các hồ sơ phải thông qua Nhóm tư vấn độc lập xem xét, sau đó mới trình lên Ủy ban liên chính phủ bao gồm 24 nước thành viên và nếu được được thông qua thì hồ sơ mới được công nhận.

Theo ông, giá trị to lớn nào mang lại thành công cho di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam?

UNESCO đã công nhận di sản của chúng ta dựa trên 5 tiêu chí được đáp ứng hoàn toàn. Thứ nhất, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc, gắn kết cộng đồng. Thứ hai, việc ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại góp phần vào việc nâng tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng về văn hóa vừa tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa. Thứ ba, một loạt giải pháp bảo vệ bao gồm cả nghiên cứu, giáo dục, quảng bá đã được hỗ trợ bằng ngân sách của Nhà nước và địa phương nhằm đảm bảo tôn trọng tính thiêng liêng của nghi lễ và những quy định chặt chẽ trong tập quán của việc thờ cúng. Thứ tư, đại diện của các làng xã, các thành viên Ban quản lý lễ hội đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị hồ sơ và họ đã bày tỏ sự ủng hộ tự nguyện. Thứ năm, tín ngưỡng này nằm trong danh mục kiểm kê khoa học của Viện Văn hóa nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam từ năm 2010 trên cơ sơ tham khảo ý kiến cộng đồng.

Chúng ta cũng thấy rõ tính nhân văn của việc thờ cúng tổ tiên - một biện pháp để đoàn kết, gắn bó các dân tộc với nhau. "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã vượt qua khỏi phạm vi của một tín ngưỡng thông thường để đóng góp vào đoàn kết của dân tộc, nâng cao lòng tự hào dân tộc và đóng góp vào Văn hóa hòa bình. Những năm qua UNESCO đã rất chú trọng nêu cao vấn đề Văn hóa hòa bình, trong đó có các phương cách để duy trì hòa bình giữa các nước, giữa các cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, từ thành công này, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm quý cho việc chuẩn bị những hồ sơ tiếp theo. Đó là việc lựa chọn đúng đối tượng nghiên cứu và hồ sơ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của UNESCO. Một công việc quan trọng khác là phải có sự giải thích và vận động quốc tế để cho mọi người hiểu và ủng hộ.

Với tư cách Ban thư ký của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO đã có sự phối hợp ra sao trong việc thực hiện?

Dưới sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, chúng tôi đã triển khai nhiều công việc đóng góp cho việc chỉnh sửa hồ sơ, tranh thủ ý kiến đóng góp cụ thể, chi tiết của Ban thư ký và chuyển tải được đúng tinh thần góp ý của các chuyên gia nước ngoài. Hơn nữa, chúng tôi cũng sát cánh cùng với Phú Thọ để công tác vận động được tốt nhất, góp phần tạo nên sự thành công của hồ sơ lần này.

Di sản đã được công nhận, nhưng vấn đề bảo tồn và phát huy lại được người ta quan tâm nhiều hơn, ông có thể chia sẻ suy nghĩ về điều này?

Ngay trong hồ sơ đệ trình,chúng ta đã có những cam kết về vấn đề bảo tồn di sản. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu, còn sau đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa ra kế hoạch hết sức cụ thể để bảo tồn di sản, trong đó có việc bảo tồn không gian thực hành của tín ngưỡng. Đây là việc chúng ta phải đầu tư chu đáo cả về nguồn lực con người và vật chất. Đồng thời, việc chúng ta phát huy tốt di sản sẽ đóng góp hết sức thiết thực cho việc phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ sát cánh cùng với tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Xin cảm ơn ông!

PHẠM THUẬN (thực hiện)