Xung đột Armenia-Azerbaijan
Armenia và Azerbaijan đồng loạt cảm ơn Nga
Tổng thống Armenia Armen Sarkisian cho rằng, Nga là quốc gia duy nhất không chỉ có thể làm trung gian trong việc dàn xếp vấn đề Nagorno-Karabakh, mà còn hỗ trợ chấm dứt xung đột giữa các bên giao tranh.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Dozhd, Tổng thống Sarkisian nói: "Ngừng bắn là một điều phức tạp. Về vấn đề này, tất cả chúng ta phải cảm ơn Nga. Nga có quan hệ tốt với Armenia, và quan hệ chặt chẽ với Azerbaijan, vì vậy Nga là quốc gia không chỉ có thể đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, mà còn có thể là nước duy nhất đóng vai trò trung gian để ngăn chặn các hành động quân sự".
Tuyên bố của ông Sarkisian được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong cuộc phỏng vấn gần đây với đài RBK nói rằng, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã "cứu Armenia" khi Azerbaijan có ý định phản kháng.
"Vì ông Pashinyan (Thủ tướng Armenia) đã ra tối hậu thư cho chúng tôi, xúc phạm tình cảm của người dân Azerbaijan, ông ấy đáng bị trừng phạt vì điều đó. Và chúng tôi đã hành động. Ông ấy nên cảm ơn Tổng thống Putin vì một lần nữa, Nga đã đến cứu Armenia", ông Aliyev nói, cho biết thêm rằng phía Azerbaijan đã nhiều lần tham vấn Moscow. (TASS)
Armenia và Azerbaijan lại cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn
Ngày 13/10, Azerbaijan đã cáo buộc Armenia “vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn nhân đạo” đạt được hôm 10/10 vừa qua. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan, ông Vagif Dargiahly, cho biết Armenia đã nã pháo vào các thành phố Goranboy, Aghdam và Terter thuộc lãnh thổ Azerbaijan. Quan chức trên đồng thời khẳng định các lực lượng Azerbaijan không vi phạm lệnh ngừng bắn.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan đã bác bỏ các cáo buộc trên. Bà cho biết Azerbaijan đã nối lại các hoạt động quân sự, thực hiện các vụ nã pháo từ nhiều hướng.
Trong một diễn biến liên quan, cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi tiến hành đàm phán 4 bên giữa nước này, Nga, Azerbaijan và Armenia để giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Lời kêu gọi trên được ông Ibrahim Kalin - quan chức đứng đầu bộ phận truyền thông của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Ông Kalin cũng cho rằng nếu Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) không thể tìm ra được giải pháp cho vấn đề này suốt hơn 30 năm, đã đến lúc tìm kiếm một cơ chế mới.
(TASS/Sputnik)
Bầu cử Mỹ 2020
Tổng thống Trump bị ứng cử viên Biden dẫn trước 17 điểm
Theo cuộc thăm dò dư luận do Opinium Research và Guardian thực hiện được công bố hôm 13/10, khoảng 57% người tham gia nói họ dự định bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Chỉ 40% ý kiến cho biết sẽ ủng hộ tổng thống đương nhiệm.
Cũng theo kết quả thăm dò, ông Joe Biden đạt được tỷ lệ ủng hộ cao trong các vấn đề như chăm sóc sức khỏe, quan hệ chủng tộc, việc làm hay thậm chí là kinh tế. Đây đều từng là thế mạnh tranh cử của Tổng thống Trump. Trong khi đó, danh tiếng của ông Trump đang bị ảnh hưởng sau loạt bài của New York Times liên quan đến vấn đề nộp thuế của ông. (Guardian)
New START
Nga không chấp nhận điều kiện gia hạn New START
Ngày 13/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng đề nghị của Mỹ yêu cầu Nga không được mở rộng kho vũ khí hạt nhân như một phần của thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa hai nước là “không thể chấp nhận được” đối với Moscow.
Trước đó, tại một sự kiện do Quỹ Heritage tổ chức, nhà đàm phán Mỹ Marshall Billingslea cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi sẵn sàng gia hạn Hiệp ước New START thêm một khoảng thời gian với điều kiện là họ đồng ý hạn chế, tức là giữ nguyên, kho vũ khí hạt nhân của họ".
Hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Sergei Rybakov nói, quan điểm này của Mỹ là "không thể chấp nhận được". Ông cho biết Nga không phản đối đóng băng kho vũ khí, nhưng muốn giải quyết thông nhấn các vấn đề về ổn định chiến lược.
Ông Ryabkov cũng nhấn mạnh sẽ không có thỏa thuận về kiểm soát vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. "Nếu họ muốn báo cáo với cấp trên rằng đã đạt được thỏa thuận với Nga trước cuộc bầu cử, họ sẽ không đạt được điều đó", ông nói. (AFP)
Vụ đầu độc Navalny
Nga dọa ngừng đối thoại với EU
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 13/10 cho biết, Moscow tuyên bố sẽ ngừng đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này tiếp tục áp lệnh trừng phạt liên quan đến vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny.
"Những người chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của các nước phương Tây không hiểu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có thể phải tạm dừng đối thoại với họ trong một thời gian. Đặc biệt khi bà Ursula von der Leyen (Chủ tịch Ủy ban châu Âu) còn cho rằng việc hợp tác địa chính trị với Nga đã không còn hiệu quả nữa" - ông Lavrov nói.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra một ngày sau khi các ngoại trưởng EU đạt được thỏa thuận nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt lên Moscow liên quan vụ đầu độc nhân vật đối lập Navalny.
EU cáo buộc Nga vi phạm Công ước Vũ khí Hóa học sau khi ông Navalny được cho là đã bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok. (Sputnik)
Biểu tình ở Kyrgyzstan
Bỏ phiếu lại, Quốc hội Kyrgyzstan vẫn giữ quyết định về tân thủ tướng
Ngày 14/10, Quốc hội Kyrgyzstan đã chỉ định nhà chính trị theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa Sadyr Zhaparov vào vị trí Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu lại. Đây là một bước tiến trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Á, một đồng minh thân thiết của Nga.
Quốc hội Kyrgyzstan bỏ phiếu lại để bầu Thủ tướng sau khi Tổng thống Sooronbay Jeenbekov phủ quyết các quyết định trước đó. Ngày 13/10, Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan, Tổng thống Jeenbekov đã gặp ông Zhaparov và khẳng định sẽ không thông qua quyết định của Quốc hội phê chuẩn chính khách này làm thủ tướng tạm quyền.
Tổng thống Jeenbekov đã viện dẫn những nghi vấn liên quan đến các quy định được áp dụng trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn ông Zhaparov. Nhà lãnh đạo Kyrgyzstan nhấn mạnh: “Để duy trì và củng cố sự ổn định của đất nước, mọi quyết định của chúng ta phải hợp pháp và không gây nghi ngờ.” (Reuters)
Vấn đề Biển Đông
Philippines điều dân quân đi điều tra ở Biển Đông
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Rappler hôm 13/10, Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo cho biết, nước này đang chuẩn bị điều 2 đại đội thuộc Đơn vị Địa lý Lực lượng Vũ trang Công dân (CAFGU) tới Biển Đông. Mỗi đại đội này có khoảng 120 nhân sự.
“Mục đích của việc triển khai là nhằm đối phó với Trung Quốc, với lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh trên Biển Đông”, ông Bacordo lý giải.
Theo Rappler, thời điểm Philippines triển khai lực lượng dân quân chưa được ấn định và lực lượng này sẽ tham gia hoạt động huấn luyện của hải quân trước.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, lực lượng dân quân biển cũng sẽ làm nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát để thu thập thông tin hữu ích cho quân đội Philippines.
Ông Bacordo thừa nhận con số 240 dân quân biển là khá nhỏ, nhưng nhấn mạnh con số này có thể sẽ được mở rộng trong tương lai nếu lực lượng vũ trang Philippines nhận thấy lực lượng này hoạt động hiệu quả. (Rappler)
Bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc khoe khí tài, đủ sức ‘đánh bại’ tên lửa Triều Tiên
Ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quốc gia này đủ sức vô hiệu hóa các hệ thống tên lửa Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh trong bối cảnh Triều Tiên hồi tuần trước ra mắt nhiều loại khí tài quân sự mới.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Đại tá Moon Hong-sik nói rằng: “Trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công ồ ạt bằng nhiều loại tên lửa khác nhau, chúng tôi có thể ngay lập tức đáp trả và vô hiệu hóa chúng không chỉ với các hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa, mà còn cả nhiều hệ thống tấn công chiến lược khác”.
Khi được hỏi về khả năng của những hệ thống chống pháo binh và phòng thủ tên lửa Hàn Quốc trong trường hợp đối mặt với các loại tên lửa tầm ngắn, ông Moon nói rằng quân đội sẽ sử dụng tổ hợp phòng không Patriot cùng hệ thống tên lửa đất đối không M-SAM II sắp được triển khai để đánh chặn những quả tên lửa của Triều Tiên. (Yonhap)
Triều Tiên có trường đại học quân sự mang tên lãnh đạo Kim Jong-un?
Khi đưa tin về cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/10 vừa qua, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết các sinh viên trường "Đại học Quốc phòng Kim Jong-un" đã diễu hành qua lễ đài. Theo KCNA, trường đại học này "đã đào tạo một số nhân tài trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ".
Đây được cho là lần đầu tiên Triều Tiên thành lập một trường đại học mang tên nhà lãnh đạo đương nhiệm, mặc dù đã có các trường học mang tên cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với khoa học và công nghệ, ngành hỗ trợ phát triển tên lửa và các hệ thống vũ khí khác.
KCNA không cung cấp thông tin chi tiết về trường đại học mang tên ông Kim Jong-un, song các chuyên gia cho rằng trường này có thể được thành lập từ việc sáp nhập một trường cao đẳng quốc phòng ở thành phố Kanggye, thuộc tỉnh Jagang phía Bắc Triều Tiên, và một trường cao đẳng ở ngoại ô Bình Nhưỡng nổi tiếng về đào tạo chiến tranh mạng. (KCNA/Yonhap)