📞

Tin thế giới 15/11: Thượng đỉnh G20 khai mạc, Nga ra sắc lệnh mới, đảng Cộng hòa sắp kiểm soát Hạ viện Mỹ

Minh Vương 20:33 | 15/11/2022
Hàng loạt cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G20, Hungary lập thêm Bộ Năng lượng, Iran chỉ trích EU…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khai mạc ngày 15/11 tại Bali, Indonesia. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

G20

* Trung Quốc phản đối "vũ khí hóa" lương thực và năng lượng: Ngày 15/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, ngày 15/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này đã triển khai Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20 trên mọi phương diện và đã đình chỉ số tiền thanh toán nợ lớn nhất trong G20. Hiện Bắc Kinh đang phối hợp với phần còn lại G20 về xử lý nợ theo Khuôn khổ chung về xử lý nợ ngoài DSSI, giúp các nước đang phát triển vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: “Chúng ta phải kiên quyết phản đối việc chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề lương thực và năng lượng”. Đồng thời, nhà lãnh đạo này cũng một lần nữa khẳng định lập trường phản đối các trừng phạt của phương Tây. (Reuters)

* Trung Quốc phản đối loại Nga khỏi G20: Ngày 15/11, phát biểu trước cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ vai trò xứng đáng của Nga trong G20 và các nền tảng quốc tế khác, đồng thời tin rằng không ai được phép tước quyền hợp pháp của Nga tham gia các định dạng đa phương”

Ông cũng cho biết sẽ thảo luận với người đồng cấp Nga về “hợp tác để duy trì sự ổn định của quan hệ song phương, cũng như một số các vấn đề cùng quan tâm”. (Sputnik)

* Australia muốn có quan hệ với Trung Quốc “trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”: Ngày 15/11, phát biểu tại hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh mong muốn đối thoại mang tính xây dựng. Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Hai nước tồn tại những khác biệt và Australia sẽ không giải quyết những bất đồng này xét từ phương diện lợi ích hay giá trị của đất nước chúng tôi, nhưng mối quan hệ song phương là vấn đề quan trọng. Cả hai bên đã nỗ lực để ổn định mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.

Về phần mình, phát biểu trong cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước từ năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng mối quan hệ nồng ấm trước đây là “đáng trân trọng”, nhấn mạnh song phương “cần cải thiện, duy trì và phát triển quan hệ song phương phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước”. (AFP/Reuters)

* Hàn Quốc đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trên thế giới: Ngày 15/11, gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong thiết lập tự do, hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Ông hy vọng hai nước sẽ phối hợp cùng nhau, không chỉ vì mục tiêu hòa bình và ổn định trong khu vực mà còn giải quyết các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu và năng lượng. Theo nhà lãnh đạo này, duy trì liên lạc và hợp tác nằm trong lợi ích của cả hai. Hàn Quốc sẽ nỗ lực vì một mối quan hệ vững chắc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc. CCTV (Trung Quốc) dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay, Bắc Kinh sẽ tăng cường hợp tác với Seoul trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất công nghệ cao, dữ liệu lớn (big data), và kinh tế xanh. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh cần phải đảm bảo “chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, ổn định và thông suốt”. Đồng thời, ông cũng phản đối hành vi “chính trị hóa hợp tác kinh tế” cũng như “mở rộng an ninh”. (Reuters/Yonhap)

* Thủ tướng Anh: Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế”: Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu rõ: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc rõ ràng là một mối đe dọa mang tính hệ thống... với các giá trị, lợi ích của chúng ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đại diện cho mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế của chúng ta”. Nhà lãnh đạo này tin rằng các nước phương Tây “phần lớn nhất trí” với “thách thức mang tính hệ thống” từ Trung Quốc, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ vùng lãnh thổ Đài Loan.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cũng cho rằng cần đối thoại với Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay xung đột Nga-Ukraine. Trước đó một ngày, chính ông Rishi Sunak đã bày tỏ hy vọng sẽ có thể hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. (Sputnik)

* Anh kêu gọi Saudi Arabia bình ổn thị trường dầu mỏ: Ngày 15/11, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã hội đàm Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo: “Trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine, Thủ tướng Sunak hy vọng Anh và Saudi Arabia tiếp tục hợp tác để ổn định thị trường năng lượng”.

Ngoài ra, ông Rishi Sunak đã đề cập với Thái tử Mohammed bin Salman về “tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến bộ trong hoạt động cải cách xã hội, bao gồm cả quyền và tự do của phụ nữ” ở Saudi Arabia này. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về “hoạt động gây bất ổn” của Iran, đối thủ của Saudi Arabia trong khu vực. (AFP)

* Nga: Phương Tây đang “chính trị hóa” tuyên bố chung G20: Ngày 15/11, phát biểu họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Lavrov cho hay phía Nga đã đưa ra đề xuất chấm dứt hành động “chính trị hóa” các vấn đề năng lượng, cũng như khởi động đối thoại tự do giữa các nhà cung cấp năng lượng và người tiêu dùng. Theo nhà ngoại giao Nga, Moscow cũng kêu gọi G20 giúp xóa bỏ mọi trở ngại mang tính phân biệt đối xử trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Trước đó, theo Financial Times (Anh), dự thảo tuyên bố chung G20 cho thấy “hầu hết” các nước thành viên đã chỉ trích Moscow trong xung đột Nga-Ukraine, nhấn mạnh xung đột đang làm trầm trọng thêm bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. (Reuters/Sputnik)

* Ấn Độ: Liên hợp quốc “không thành công” trong giải quyết an ninh năng lượng và lương thực: Ngày 15/11, phát biểu tại phiên họp về an ninh lương thực và năng lượng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh: “Chúng ta cần thừa nhận rằng các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc đã không thành công trong giải quyết các vấn đề trên. Chúng ta cũng đều thất bại khi không thể công tác cải tổ các tổ chức đa phương”. Do vậy, theo ông Modi, ngày nay thế giới cần đặt kỳ vọng lớn hơn vào G20 và sự can dự của nhóm này trong các vấn đề toàn cầu sẽ ngày càng quan trọng.

Dự kiến, Ấn Độ sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên G20 từ ngày 1/12/2022. (Sputnik)

* Nhật Bản muốn hợp tác với Pháp về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 15/11, hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Pháp hướng tới thiết lập một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong cuộc gặp, hai bên cũng thảo luận nhiều vấn đề nóng khác, từ xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc, biến đổi khí hậu và năng lượng. (Reuters)

Mỹ-Nga

* Lãnh đạo tình báo Nga, Mỹ gặp ở Ankara, bàn về vấn đề hạt nhân: Newsweek (Mỹ) ngày 15/11 dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho hay các cuộc thảo luận tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin cùng ngày đã “tập trung vào giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân giữa hai nước, chứ không phải cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine”.

Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết ông Burns cũng nêu ra trường hợp công dân Mỹ bị Nga bắt giữ vô cớ”. (TASS)

Châu Âu

* Hungary cải tổ Nội các, thành lập một bộ mới: Ngày 14/11, Hungary đã thông báo cải tổ Nội các và công bố việc thành lập Bộ Năng lượng mới, sau khi Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Laszlo Palkovics từ chức. Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết Budapest đã quyết định thành lập Bộ Năng lượng để giải quyết khủng hoảng năng lượng hiện nay và chuyển giao trách nhiệm của ông Palkovics tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ, cho các bộ trưởng khác.

Dự kiến, ông Csaba Lantos, 60 tuổi, nhà kinh tế từng là Phó Giám đốc điều hành ngân hàng OTP Bank (ngân hàng thương mại lớn nhất Hungary và một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài chính độc lập lớn nhất ở Trung và Đông Âu) sẽ trở thành Bộ trưởng Năng lượng. (TTXVN)

Nga cho phép công dân nước ngoài phục vụ trong quân đội: Ngày 14/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh xác định thủ tục tiếp nhận công dân nước ngoài phục vụ trong quân đội Nga. Văn kiện này đã được công bố trên cổng công báo chính thức ngày 14/11.

Như vậy, sắc lệnh này sẽ sửa đổi quy định về nghĩa năm 1999. Giờ đây, công dân nước ngoài có thể phục vụ trong quân đội theo hợp đồng, trừ trường hợp đang bị điều tra, bị kết án hoặc có tiền án chưa được xóa, hay đã bị phạt hành chính vì sử dụng ma túy trước khi mãn hạn.

Ngoài ra, người Nga có hai quốc tịch sẽ được gọi nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo sắc lệnh mới, nghĩa vụ quân sự bắt buộc được thực hiện bởi “những người lính, thủy thủ, hạ sĩ quan, chuẩn úy là công dân, kể cả người có quốc tịch nước ngoai, có giấy phép cư trú hoặc giấy tờ khác xác nhận quyền thường trú của công dân trên lãnh thổ nước ngoài”.

Cuối tháng 9, Duma Quốc gia Nga đã thông qua sửa đổi luật “Quyền công dân Nga”, đơn giản hóa việc nhập quốc tịch cho người nước ngoài đã ký hợp đồng phục vụ trong quân đội Nga. Các công nhân nước ngoài ký hợp đồng được phép nộp đơn xin quốc tịch mà không cần giấy phép cư trú.

Sau khi luật thông qua, chính quyền Kyrgyzstan và Uzbekistan đã cảnh báo các công dân của nước mình về trách nhiệm hình sự nếu họ tham gia chiến đấu tại Ukraine. Ở cả hai nước trên, những người vi phạm phải đối mặt với án tù tới 10 năm. (TTXVN)

Đông Nam Á

* Mỹ chi hơn 66 triệu USD cho các căn cứ quân sự Philippines: Ngày 15/11, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014, Mỹ đã đồng ý chi 66,5 triệu USD để xây dựng các cơ sở huấn luyện và nhà kho tại ba căn cứ quân sự của quốc gia này trong năm tới.

Thông báo này cũng nêu rõ: “Bộ Quốc phòng cũng cam kết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện EDCA bằng cách hoàn thành các dự án nâng cấp và sửa chữa cơ sở hạ tầng, phát triển các dự án cơ sở hạ tầng mới tại các địa điểm EDCA hiện nay”. (Reuters)

Châu Mỹ

* Đảng Cộng hòa sắp kiểm soát Hạ viện Mỹ: Ngày 14/11, kết quả mới nhất do AP (Mỹ) công bố cho thấy hai ứng cử viên đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng tại hai khu vực bầu cử ở Los Angeles, bang California. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Michelle Steel đã vượt qua ứng cử viên Jay Chen của đảng Dân chủ tại Đông Nam Angeles, nơi nhiều người Mỹ gốc Á sinh sống. Ở phía Đông thành phố, với 80% số phiếu đã kiểm, ứng cử viên Ken Calvert của đảng Cộng hòa cũng đã chiến thắng trước ứng cử viên Will Rollins đảng Dân chủ.

Hiện đảng Cộng hòa đã giành 217 ghế, trong khi đảng Dân chủ giành được 205 ghế tại Hạ viện. Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần thêm 1 ghế nữa để vượt ngưỡng quá bán và kiểm soát Hạ viện. Khi đó, hạ nghị sỹ Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí bà Nancy Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện.

Song tại Thượng viện, đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ duy trì quyền kiểm soát. Chiến thắng của Thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto ở bang chiến địa Nevada đồng nghĩa rằng đảng Dân chủ, với ít nhất 49 ghế, sẽ kiểm soát Thượng viện, bởi Phó Tổng thống Kamala Harris có thể bỏ lá phiếu quyết định trong trường hợp tỷ lệ phiếu là 50-50.

Trước đó, ngày 13/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ông hài lòng với kết quả bầu cử tại Thượng viện và cho biết đảng Dân chủ đang tập trung vào bầu cử bổ sung sắp tới tại bang Georgia với mục tiêu gia tăng cách biệt số ghế với đảng Cộng hòa.

Hiện Georgia là bang duy nhất chưa có kết quả bầu cử Thượng viện. Cuộc bỏ phiếu lần thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 6/12 giữa Thượng nghị sĩ Dân chủ Raphael Warnock và đối thủ Cộng hòa Herschel Walker, do cả hai không đạt đủ 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng ở vòng đầu. Trong trường hợp ứng cử viên Walker chiến thắng, bà Kamala Harris vẫn là người sẽ giữ lá phiếu mang tính quyết định tại Thượng viện. (TTXVN)

Trung Đông-Châu Phi

* Iran phản đối các lệnh trừng phạt mới của EU: Ngày 15/11, IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nasser Kanaani nêu rõ Iran phản đối các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo sẽ “đáp trả một cách hiệu quả và mạnh mẽ đối với các hành động thiếu tính xây dựng”. Theo ông Kanaani, “cách tiếp cận sai lầm của EU đã hạn chế phạm vi quan hệ ngoại giao của khối.”

Trước đó một ngày, EU đã áp đặt trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản và hạn chế đi lại, với 29 cá nhân và 3 tổ chức của Iran. Trong danh sách trừng phạt có các thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi, kênh truyền hình Press TV (Iran). Hiện danh sách trừng phạt của EU với Iran đã lên tới 126 người và 11 tổ chức. (IRNA/PressTV)