Cuộc gặp 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn Quốc bên lề Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia. (Nguồn: Yonhap) |
Ba tầm nhìn chính
Nhật báo The Korea Herald của Hàn Quốc vừa qua đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng chiến lược ngoại giao đầu tiên của Hàn Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như cho thấy ý định của Seoul trong việc tăng cường liên kết với Washington trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc diễn ra ở Campuchia ngày 11/11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên của nước này vì tự do, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.
Trong đó, ông Yoon Suk Yeol đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, và nói rằng bất kỳ sự thay đổi đơn phương bằng vũ lực nào về hiện trạng đều không được chấp nhận.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới dựa trên 3 tầm nhìn chính là tự do, hòa bình và thịnh vượng và theo 3 nguyên tắc hợp tác chính là bao trùm, tin cậy và có đi có lại”.
Nhận được nhiều sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản trong việc đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, Hàn Quốc cũng đề cập đến nội dung này tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn diễn ra trong ngày 13/11.
Tin liên quan |
Chương trình nghị sự của Tổng thống Hàn Quốc tại Đông Nam Á |
Trong Tuyên bố Phnom Penh về quan hệ đối tác ba bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Yoon Suk-yeol cùng người đồng cấp Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định về quan hệ đối tác ba bên vì một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Giải thích về Tuyên bố Phnom Penh, Nhà Trắng cho biết thêm: “Các nhà lãnh đạo hoan nghênh các cách tiếp cận tương ứng của họ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhất trí đoàn kết để theo đuổi một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm, kiên cường và an toàn. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau của mỗi nước”.
Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng phiên bản chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc cho thấy Seoul đã điều chỉnh đường lối ngoại giao của mình để nghiêng về phía Washington và theo đó xung đột với Bắc Kinh có thể sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Hong Min, Giám đốc bộ phận nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) nhận định: "Ba nước về cơ bản đã nhất trí về việc xây dựng một hệ thống hợp tác trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nội dung (chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc) là giải quyết một cách toàn diện không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh và có thể hiểu cả ở cấp độ bề ngoài và trên thực tế rằng Hàn Quốc đã tham gia vào khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ theo đuổi”.
Theo đó, “Hàn Quốc không nói thẳng rằng chiến lược của họ là nhằm kiềm chế Trung Quốc nhưng các giá trị của chiến lược này lại phù hợp với Mỹ và theo đó một số loại xung đột với Trung Quốc có thể xảy ra trong tương lai”.
Khái niệm chiến lược gắn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với nhau làm mở rộng ranh giới địa lý của khu vực châu Á bao gồm cả Ấn Độ. Được Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phần lớn được cho là có ý định kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Cựu Giám đốc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc Kim Joon Hyung cũng nhận định rằng phiên bản Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc đang gián tiếp khẳng định rằng Hàn Quốc đang đứng về phía Mỹ.
"Giá trị chung" là mục tiêu cốt lõi
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nhằm mục đích kiểm soát Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Sung Han lưu ý: “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là chiến lược khu vực toàn diện đầu tiên của Hàn Quốc và có nghĩa là quan điểm ngoại giao của chúng tôi đã mở rộng để đáp ứng địa vị quốc gia".
Ông nói: “Việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ theo đuổi các giá trị chung đáp ứng lợi ích quốc gia của Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, ông Kim Sung Han nhấn mạnh rằng việc theo đuổi các giá trị chung của Hàn Quốc không có nghĩa là nước này có ý định loại trừ các quốc gia không chia sẻ những giá trị đó.
Ông cho biết thêm: “Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ lên án hay loại trừ các quốc gia không cùng theo đuổi các giá trị chung với chúng ta. Điều đó có nghĩa là Hàn Quốc sẽ công khai hợp tác (với các quốc gia đó) vì các mục tiêu lợi ích chung nhưng thực hiện các biện pháp đáp trả nghiêm khắc chống lại các nỗ lực làm tổn hại đến các giá trị chung và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
| Đông Nam Á là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ Ngày 12/11, tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ lần thứ 10 diễn ra ở Campuchia, ... |
| Trong chính sách của Đức, Việt Nam là một trong số các quốc gia được chọn Việt Nam và Đức đã sẵn sàng ký kết các ý định thư trong các lĩnh vực chính sách như khí hậu, chuyển đổi năng ... |
| Việt Nam-Pakistan: Những người bạn tin cậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ngày 8/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện ... |
| Australia, Ấn Độ 'đồng điệu' quan điểm về một khu vực mà các quốc gia không phải 'chọn bên' Australia khẳng định tầm quan trọng quan hệ đối tác với Ấn Độ, hai nước nhất trí cùng hợp tác vì một khu vực Ấn ... |
| Canada sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và kỳ vọng một điều ở Trung Quốc Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada dự kiến được công bố trong năm nay tập trung vào lĩnh vực biến đổi khí ... |