Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13-14/11. (Nguồn: EPA-EFE) |
Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz (từ ngày 13-14/11), truyền thông Đức đưa đậm thông tin về chuyến thăm, khẳng định đây là cơ hội rất tốt để hai nước thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược.
Bài viết đăng trên trang web của Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) cho biết trọng tâm của chuyến thăm là nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược được hai nước ký kết từ năm 2011.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ hội đàm với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính và hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. Các ý định thư làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực chính sách như khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh, quốc phòng, đã sẵn sàng cho việc ký kết.
Theo KASS, chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Đức đến Đông Nam Á cũng nhằm nhấn mạnh cách tiếp cận "đa dạng hóa thông minh" của Berlin.
Tại châu Á, việc Thủ tướng Scholz đến thăm Việt Nam chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc đã minh chứng cho vị thế và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực hoặc song phương, là địa điểm đầu tư hấp dẫn được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.
Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz cùng với đoàn doanh nghiệp Đức có thể tạo thêm nhiều động lực quan trọng cho việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên. Việt Nam cũng được coi là đối tác quan trọng của Đức trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, tăng cường các dự án bảo vệ môi trường và khí hậu.
Việc Thủ tướng Scholz đến thăm Việt Nam chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc đã minh chứng cho vị thế và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam. |
Trong khi đó, bài viết trên báo Neues Deutschland nhận định Việt Nam hiện là một địa điểm đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Đức.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức đánh giá rất cao "những nỗ lực to lớn của chính phủ Việt Nam" trong việc hội nhập đất nước với cộng đồng kinh tế toàn cầu. Công cuộc Đổi mới mà Việt Nam triển khai từ năm 1986 đã khởi đầu cho sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Theo báo trên, ngay từ năm 2007, các doanh nghiệp Đức đã nhìn thấy "một quốc gia đang phát triển trên con đường trở thành một quốc gia công nghiệp".
Với mức tăng trưởng khoảng 7%, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực và trên thế giới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư mới và Việt Nam là quốc gia được ưu tiên lựa chọn.
Một cuộc tranh luận mở đã và đang diễn ra ở Đức về việc nên lựa chọn các quốc gia nào để hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai và Việt Nam là một trong số các quốc gia được chọn. |
Về vị trí của Việt Nam trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của chính phủ Đức hiện nay, Tiến sĩ Daniel Müller - Giám đốc khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) cho biết, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện tại trên thế giới, một cuộc tranh luận mở đã và đang diễn ra ở Đức về việc nên lựa chọn các quốc gia nào để hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai và Việt Nam là một trong số các quốc gia được chọn.
Điều này một mặt là do hai nước Đức và Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp; đều có sự quan tâm cao độ đến thị trường mở và nền kinh tế toàn cầu tự do, dựa trên luật lệ. Tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN cũng giúp Việt Nam trở thành đối tác rất cần thiết đối với Đức.
Ngoài ra, việc hợp tác tốt với Việt Nam có thể thúc đẩy ổn định và hòa bình trong toàn khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, trong đó nhiều cơ hội hợp tác và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết. Thị trường Việt Nam có thể đóng góp quan trọng vào mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp Đức ở châu Á.
Vì những lý do này, theo Tiến sĩ Daniel Müller, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã quyết định tới thăm Việt Nam trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia.
| Chuyên gia Đức: Việt Nam đã làm rất tốt và vượt ra khỏi tình hình kinh tế ảm đạm của toàn cầu Là thị trường rất hấp dẫn, nhiều cơ hội hợp tác và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết, Việt Nam có thể ... |
| Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz sắp thăm chính thức Việt Nam Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Đức và Áo: Thông điệp phát triển thịnh vượng và bền vững Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hoà Áo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã góp phần củng ... |
| Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức Ngày 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã tiếp Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Cộng đồng người Việt Nam tại Đức hãy là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước Nhân dịp thăm chính thức CHLB Đức, ngày 27/9, tại Berlin, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi gặp gỡ, thăm hỏi ... |