📞

Tin thế giới 25/11: Nga đạt bước tiến ở Donetsk, ông Zelensky nói về Crimea, Syria và Iraq thêm ‘nóng’

Minh Vương 20:09 | 25/11/2022
Châu Âu bàn chuyện gửi hệ thống Patriot tới Ba Lan, Mỹ mời Nga dự họp sơ bộ APEC 2023, Thủ tướng Peru từ chức… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
NATO đang thảo luận về khả năng Đức gửi hệ thống phòng không tên lửa Patriot cho Ukraine. (Nguồn: EPA)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga thông báo kiểm soát một phần thị trấn chiến lược ở Donetsk: Ngày 24/11, Trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, ông Vitaly Kiselev cho biết nỗ lực trinh sát của Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) gần Soledar thuộc tỉnh Donetsk đã bị hỏa lực pháo binh của Nga chặn lại.

Cùng ngày, trang mạng quân sự của Nga cho biết quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát một nửa Maryinka, thị trấn chiến lược ở Donetsk. Dự kiến, vào cuối tuần này, quân đội Nga sẽ hoàn thành việc truy quét phần phía Đông thị trấn, trong khi Quân đội Ukraine đang rút quân ồ ạt theo hướng Tây. Tình hình ở Maryinka đang diễn biến vô cùng bất lợi cho VSU do không có cơ hội cung cấp trang thiết bị hiệu quả cho các đơn vị Ukraine và thực hiện luân chuyển quân.

Trang mạng này cho rằng việc mất quyền kiểm soát Maryinka sẽ khiến VSU đối mặt với vấn đề nghiêm trọng, bởi đây là tuyến phòng thủ kiên cố. Đồng thời, sau khi VSU rút quân, một khu vực rộng lớn làm bàn đạp tấn công sẽ được mở ra cho quân đội Nga, nơi mà VSU không có nhiều lực lượng kháng cự. Hơn nữa, việc quân đội Nga chiếm được Maryinka sẽ tạo cơ hội cho một cuộc tấn công vào Ugledar từ hướng Bắc, qua đó tiến tới bao vây một phần lớn lực lượng của VSU. (TTXVN)

* Ukraine sẵn sàng giải quyết vấn đề Crimea bằng biện pháp phi quân sự: Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng vấn đề về số phận của Crimea nằm trong chương trình nghị sự quốc tế: “Tôi hiểu rằng mọi người đang bối rối về tình hình và về việc điều gì sẽ xảy ra với Crimea. Nếu ai đó sẵn sàng đề nghị với chúng tôi cách giải phóng Crimea bằng biện pháp phi quân sự, chắc chắn tôi sẽ ủng hộ điều đó”. Đồng thời, nhà lãnh đạo này lưu ý rằng không “nên lãng phí thời gian” nếu cho rằng quyết định về Crimea đồng nghĩa với việc vùng này “thuộc Nga”. (Financial Times/Sputnik)

* Nóng chuyện chuyển hệ thống phòng không tên lửa Patriot cho Ukraine: Ngày 25/11, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Đức nói: “Chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh của mình về cách xử lý... đề nghị của Ba Lan”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh đây là quyết định của các quốc gia. Ông nêu rõ các thỏa thuận liên quan đến quốc gia sử dụng sau cùng và một số thỏa thuận dàn xếp khác đôi khi sẽ đòi hỏi tham vấn với đồng minh. Quan chức này nhấn mạnh: “NATO sẽ còn đồng hành cùng Ukraine chừng nào có thể. Chúng tôi sẽ không lùi bước”.

Cùng ngày, phát biểu trực tuyến tại Litva, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết chống lại chiến dịch của Nga. Ông nêu rõ: “Không có sự chia rẽ hay phân biệt nào giữa các nước châu Âu và chúng ta cần bảo vệ điều này. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta trong năm nay”. (Reuters)

Mỹ-Nga

* Mỹ mời Nga dự họp sơ bộ APEC 2023: Ngày 24/11, TASS (Nga) dẫn lời quan chức cấp cao của Nga tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) Kirill Barsky cho biết, Mỹ, nước Chủ tịch năm 2023, đã mời Nga dự cuộc họp sơ bộ các quan chức cấp cao tại Hawaii, Mỹ ngày 11/12. Ông nói: “Chúng tôi rất phấn khởi khi Mỹ xác nhận sẽ thực hiện cách tiếp cận có trách nhiệm, bảo đảm sự tham gia của tất cả các phái đoàn từ các nền kinh tế APEC”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow và Washington đang gặp gỡ định kỳ “ở các cấp độ thích hợp” và trao đổi công hàm, song chưa có kế hoạch tiếp xúc cấp tổng thống thời gian tới. (TASS)

Châu Âu

* Hội nghị ngoại trưởng NATO tập trung vào Trung Quốc: Ngày 25/11, phát biểu trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng ở thủ đô Bucharest (Romania), dự kiến diễn ra ngày 29-30/11, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết: “Ngoại trưởng các nước NATO sẽ thảo luận về cách thức tăng cường khả năng phục hồi của chúng tôi và đối phó những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Trung Quốc không phải là đối thủ, nhưng Bắc Kinh đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, gia tăng sự hiện diện từ Bắc Cực đến Tây Balkan, từ không gian vũ trụ đến không gian mạng và tìm cách kiểm soát cơ sở hạ tầng thiết yếu của các đồng minh NATO”. (Sputnik)

Đông Bắc Á

* Tàu Trung Quốc tiến gần Điếu Ngư/Senkaku: Ngày 25/11, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết một tàu hải quân Trung Quốc, được trang bị pháo lớn, cùng ba tàu của Lực lượng tuần duyên Trung Quốc, đã xuất hiện gần lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Cụ thể, 2 tàu Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật Bản lúc 2h35 sáng 25/11. Đến 10h sáng cùng ngày, 2 tàu tiếp theo xuất hiện, trong đó có một tàu trang bị khẩu pháo cỡ nòng 76mm. Sau khi các tàu tuần duyên Nhật Bản yêu cầu các tàu Trung Quốc rời vùng biển trên ngay lập tức, cả 4 tàu đã di chuyển về phía vùng biển lân cận bên ngoài lãnh hải Nhật Bản.

Đây là lần thứ 32 các tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản trong năm nay và là lần đầu tiên kể từ khi các tàu Trung Quốc bị phát hiện gần Senkaku/Điếu Ngư hôm 13/11, bao gồm cả vùng biển lân cận, trong 23 ngày liên tiếp. (Kyodo)

Trung Á

* Armenia-Azerbaijan thêm bất đồng mới, Yerevan mở rộng hợp tác với NATO: Ngày 25/11, Interfax (Nga) dẫn lời Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, cuộc họp giữa ông và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 7/12 tại Brussels (Bỉ) sẽ không diễn ra như dự kiến.

Theo ông Aliyev, ông Pashinyan cho biết sẽ chỉ dự họp nếu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron góp mặt, điều mà Baku phản đối. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Armenia cho rằng Azerbaijan đã phớt lờ đề xuất của Armenia về một thỏa thuận hòa bình.

Trong một tin liên quan, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Armenia Edward Asryan gặp một nhóm cố vấn của chương trình Đối tác vì Hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước đó, nhóm này đã tham dự một hội thảo cùng Bộ Tổng Tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Armenia về xu hướng phát triển hệ thống hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các lực lượng vũ trang hiện đại. (Reuters/TASS)

Châu Mỹ

* Thủ tướng Peru từ chức, Tổng thống sẽ cải tổ nội các: Ngày 24/11, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Peru Pedro Castillo đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Anibal Torres và sẽ tiến hành cải tổ Nội các. Đồng thời, ông kêu gọi Quốc hội thượng tôn pháp luật, quyền lợi người dân, tinh thần dân chủ và cân bằng quyền lực nhà nước.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 7/2021, đây sẽ là lần thứ 5 ông Castillo chỉ định thủ tướng mới. Bản thân ông cũng là Tổng thống thứ 5 của quốc gia Nam Mỹ kể từ năm 2016.

Tuần trước, ông Torres, một đồng minh thân cận của Tổng thống Castillo, đã đề xuất tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hiện do phe đối lập kiểm soát. Tuy nhiên, Quốc hội đã từ chối với lý do chưa đủ điều kiện.

Đáng chú ý, Quốc hội do phe đối lập kiểm soát từng hai lần luận tội Tổng thống Castillo. Tuy nhiên, họ chỉ có thể khiển trách và sa thải một số bộ trưởng, song chưa thể khiến ông từ chức.

Tại Peru, bỏ phiếu bất tín nhiệm là một vấn đề gây tranh cãi bởi nó có thể mang đến hệ quả nghiêm trọng. Theo Hiến pháp Peru, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử mới nếu cơ quan lập pháp này 2 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ. Năm 2019, Tổng thống Peru khi đó, ông Martin Vizcarra đã giải tán cơ quan lập pháp và kêu gọi tổ chức bầu cử mới sau 2 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội Peru đã phải thông qua luật hạn chế tình trạng dẫn tới tiến trình bỏ phiếu tín nhiệm. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công Bắc Syria, Mỹ nói gì?: Ngày 24/11, điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định Ankara sẽ tiếp tục đáp trả các cuộc tấn công từ phía Bắc Syria. Ông cho biết: “Ưu tiên của Ankara là ngăn chặn vĩnh viễn nguy cơ khủng bố từ phía Bắc Syria”.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này vẫn tuân thủ các thỏa thuận trước đây với Nga về đảm bảo an ninh cho khu vực này.

Ông Hulusi Akar cũng bác bỏ các cáo buộc nước này tiến hành cuộc không kích nhằm vào một trạm quan sát của Mỹ ở Syria, đồng thời nhấn mạnh: “Việc nhắm vào các lực lượng liên minh hoặc dân thường không phải là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là các đối tượng khủng bố”.

Về phía Mỹ, tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng Washington được cho là đã đề xuất rút lực lượng người Kurd khỏi miền Bắc Syria để tránh đợt tấn công của Ankara. Theo tác giả bài báo, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Ankara Jeff Flake về vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cũng đã hội đàm về chủ đề này với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler. (Reuters/TTXVN)

* Iran điều quân tiếp viện đến lãnh thổ người Kurd sát Iraq: Ngày 25/11, Tướng Mohammad Pakpour, Tư lệnh lục quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết đã điều quân đến các khu vực người Kurd đang xảy ra biểu tình, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của “những kẻ khủng bố” từ láng giềng Iraq.

Tasnim (Iran) dẫn lời ông Pakpour cho biết: “Các đơn vị vũ trang và các lực lượng đặc biệt của IRGC đang di chuyển về biên giới phía Tây và Tây Bắc Iraq… Bước tiến này nhằm tăng cường sức mạnh cho các đơn vị ở biên giới, đồng thời ngăn sự xâm nhập của những kẻ khủng bố có liên hệ với phe ly khai ở miền Bắc Iraq”.

Trước đó, ngày 24/11, Tehran khẳng định rằng họ buộc phải tự vệ bằng cách tấn công các nhóm phiến quân người Kurd ở Iraq, vốn bị cáo buộc kích động biểu tình liên quan cái chết của cô Mahsa Amini, một người Iran gốc Kurd. Truyền thông Iran cho biết IRGC đã triển khai 2 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào căn cứ của các nhóm vũ trang ở miền Bắc Iraq vài ngày qua. (AFP)