Lính cứu hỏa dập tắt các đám cháy sau các hoạt động đốt phá của người tuần hành tại Paris, Pháp. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga không từ bỏ mục tiêu tại Ukraine: Ngày 29/6, phát biểu trên kênh Channel One (Nga), Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết: “Trong vài ngày qua, Tổng thống Vladimir Putin đã nói nhiều về tình hình hiện tại. Ông nhấn mạnh rằng trong khi vượt qua cuộc binh biến, chúng ta đã không nhượng bộ một chút nào liên quan tới các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và không mất bất kỳ vị trí nào trên thực địa... Không thể từ bỏ chúng - mục tiêu đã được đặt ra”.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, hiện nước này không thể thay đổi cách tiếp cận của mình đối với các hoạt động quân sự hiện nay ở Ukraine. Bởi lẽ, ông cho rằng phương Tây vẫn cố tình tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh xứ bạch dương, vận chuyển vũ khí sát thương tới thực địa và “việc phá hủy mọi thứ của Nga ở Ukraine vẫn tiếp tục là mục tiêu đã nêu của họ”. (TASS)
* Nga hối thúc các nước không tham gia “hội nghị hòa bình” cho Ukraine: Ngày 28/6, đề cập đến vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm, những người thực sự nỗ lực vì hòa bình và hơn thế nữa, bày tỏ mong muốn và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột, không tham gia hội nghị này. Đó là hành động khiêu khích”.
Theo quan chức ngoại giao này, “hòa bình phụ thuộc vào việc ngừng đổ máu và do đó, phải ngừng cung cấp vũ khí”. Bà Zakharova nhấn mạnh: “Nếu không có việc này, sẽ không có một hội nghị bàn tròn, hội nghị hay hội nghị chuyên đề nào đạt được bất cứ điều gì”. Quan chức ngoại giao Nga cũng nhắc lại việc Kiev đã vi phạm Hiệp định Minsk được các nhà lãnh đạo phương Tây ký kết như thế nào.
Theo bà, mong muốn của phương Tây là mời càng nhiều người đến hội nghị này càng tốt, trên hết là từ các quốc gia Nam bán cầu, chỉ nhằm một mục tiêu là “thu hút họ vào nhóm những người ủng hộ cam kết có chủ đích của phương Tây liên quan đến các vụ việc trong và xung quanh Ukraine”. (TASS)
* EU nêu “các cam kết an ninh trong tương lai” với Ukraine: Ngày 29/6, Financial Times (Anh) dẫn dự thảo văn bản của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đang chuẩn bị đề xuất “các cam kết bảo đảm an ninh trong tương lai” với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Brussels. Theo đó, dự thảo cho biết EU và các quốc gia thành viên sẵn sàng “cùng với các đối tác cam kết bảo đảm an ninh trong tương lai cho Ukraine, việc sẽ giúp Ukraine tự vệ trong dài hạn, ngăn chặn các hành động tấn công và chống lại các nỗ lực gây bất ổn”.
Tuy nhiên, hiện dự thảo do Pháp xây dựng đã vấp phải sự phản đối từ các quốc gia như Ireland, Malta và Áo, vốn nêu chi tiết hơn về “cam kết” này. Một số khác chỉ trích ý tưởng đưa ra các hứa hẹn như vậy đã không được xác định rõ ràng. (Financial Times/Sputnik)
* Đan Mạch: EU không hạ tiêu chuẩn vì Ukraine: Trả lời phỏng vấn Financial Times ngày 29/6, Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định Chính phủ của ông ủng hộ trao tư cách thành viên EU cho Ukraine, Moldova, Gruzia và các nước khu vực Tây Balkan.
Tuy nhiên, ông cho rằng “hoàn cảnh địa chính trị” không biện minh cho việc né tránh các cải cách về quản trị. Theo Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch, EU có nguy cơ “nhập khẩu bất ổn” nếu nới lỏng các tiêu chuẩn về dân chủ và chống tham nhũng để đẩy nhanh việc kết nạp Ukraine và các nước ứng cử viên khác. (Reuters)
Mỹ-Trung
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ muốn nối lại liên lạc với Trung Quốc: Trong bài phỏng vấn đăng ngày 28/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hy vọng sớm tới thăm Trung Quốc để “nối lại liên lạc”, bất chấp khác biệt giữa hai nước. Quan chức xứ cờ hoa nêu rõ: “Có một nhóm lãnh đạo mới và chúng ta cần làm quen với nhau”. Bà không đưa ra thời điểm cụ thể cho chuyến thăm Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin bà Yellen sẽ tới Trung Quốc vào đầu tháng Bảy.
Thừa nhận rằng hai nước có những bất đồng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình. Bà nêu rõ: “Mỹ đang và sẽ tiếp tục hành động nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của minh. Chúng tôi sẽ làm điều đó ngay cả khi nó gây ra một số tổn thất kinh tế”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, cạnh tranh kinh tế sẽ có lợi cho cả hai nước: “Cạnh tranh lành mạnh mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động Mỹ cũng như Trung Quốc. Đây là điều vừa khả thi vừa là mong muốn”. (AFP)
Đông Nam Á
* Thượng viện Campuchia thông qua dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi: Sáng ngày 29/6, tại phiên họp toàn thể dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum, cơ quan lập pháp này đã thông qua toàn văn dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi. Thông cáo báo chí của Ban Tổng thư ký Thượng viện Campuchia cho biết sau phần giải trình, bảo vệ dự thảo luật của Bộ trưởng Tư pháp Koeut Rith, tất cả 59 thượng nghị sĩ tham dự phiên họp toàn thể sáng 29/6 đều biểu quyết tán thành dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi.
Nội dung sửa đổi lần này tập trung vào quy định những người không đi bỏ phiếu sẽ không có quyền ứng cử trong các kỳ bầu cử tiếp theo. Ngoài ra, luật cũng bổ sung quy định phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt đối với những người cản trở cử tri đi bỏ phiếu, cũng như các hoạt động làm ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử.
Sau khi được Quốc hội và Thượng viện thông qua, dự thảo sẽ được chuyển lên Hội đồng Hiến pháp Campuchia (CCC). Dự kiến, CCC sẽ nhóm họp về vấn đề này sáng 30/6, có sự tham dự, giải trình của đại diện Chính phủ. Nếu CCC nhất trí thông qua, dự thảo sẽ được đệ trình để Quốc vương ký sắc lệnh ban hành luật.
Campuchia tổ chức tổng tuyển cử định kỳ 5 năm/lần, với lần bầu cử gần nhất diễn ra ngày 29/7/2018. (TTXVN)
* Bầu cử Thái Lan: MFP có thể “hy sinh” ghế nội các: Ngày 29/6, trang Thai PBS World (Thái Lan) dẫn nguồn tin từ đảng Tiến bước (MFP) cho biểt đảng này có thể “hy sinh” một số ghế nội các để bảo đảm giành vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Theo các nguồn tin này, về mặt lý thuyết, MFP là đảng có số lượng nghị sĩ cao nhất trong Hạ viện nên có quyền giữ vị trí lãnh đạo Hạ viện. Tuy nhiên, trên thực tế, đã nảy sinh cuộc tranh giành vị trí giữa đảng này và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) trong quá trình hai bên đang phối hợp để thành lập liên minh hậu bầu cử. Thậm chí, bất đồng đã khiến hai chính đảng hủy bỏ cuộc họp dự kiến trước đó vào ngày 28/6, trong bối cảnh có tin đồn rằng Pheu Thai đang đàm phán một thỏa thuận “ở hậu trường” với một số đảng trong chính phủ liên minh sắp mãn nhiệm.
Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị tin rằng Pheu Thai có thể đang sử dụng vị trí Chủ tịch Hạ viện như một con bài thương lượng để có thêm ghế trong nội các.
Trước đó, một nguồn tin MFP đã tiết lộ ứng cử viên của đảng này cho vị trí Chủ tịch Hạ viện là ông Padipat Suntiphada, 42 tuổi, nghị sĩ đại diện cho Phitsanuloke và từng là Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về chính trị, truyền thông và sự tham gia của công chúng. Phát biểu ngày 28/6, ông Padipat tin tưởng rằng vẫn còn thời gian để MFP và Pheu Thai đạt thỏa thuận về vị trí Chủ tịch Hạ viện. (Thai PBS World)
Nam Thái Bình Dương
* New Zealand: Quan hệ với Trung Quốc “vô cùng quan trọng": Ngày 29/8, trả lời Tân Hoa Xã (Trung Quốc) tại một sự kiện truyền thông ở Bắc Kinh, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho biết: “Đây là mối quan hệ cực kỳ quan trọng đối với New Zealand. Quan hệ của hai nước có thể được xác định bởi lĩnh vực hai bên có thỏa thuận và những lợi ích chung. Các lĩnh vực này rất đa dạng”.
Ông lưu ý rằng để khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, ưu tiên hàng đầu của Wellington là thiết lập lại hoạt động kinh tế với Bắc Kinh. Dù Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, nhưng đất nước Nam Thái Bình Dương muốn các liên kết thương mại hơn nữa.
Thủ tướng Chris Hipkins cũng nhấn mạnh hợp tác giáo dục song phương đang “tiến triển tốt”. Wellington mong muốn thúc đẩy hợp tác giáo dục với Bắc Kinh, bởi điều này sẽ “có lợi cho cả hai quốc gia”. Nhà lãnh đạo này cũng tin tưởng rằng New Zealand sẽ trở thành một điểm đến du lịch ưa thích đối với các du khách Trung Quốc. (Tân Hoa xã)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc hoan nghênh thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản: Ngày 29/6, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Do-woon nói: “Việc nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn Quốc-Nhật Bản là tiến bộ có ý nghĩa, cho thấy mối quan hệ song phương, vốn đã nhanh chóng hồi phục trong an ninh và công nghiệp sau hội nghị thượng đỉnh tháng Ba, cũng đang dần khôi phục về tài chính”.
Trước đó tại Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung Ho và người đồng cấp Nhật Bản Suzuki Shunichi đã ký Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 10 tỷ USD giữa hai nước. Như vậy, hai bên đã chính thức, khôi phục thỏa thuận từng bị chấm dứt năm 2015, thời điểm quan hệ song phương còn căng thẳng. (Yonhap)
* Mỹ lên kế hoạch triển khai tàu ngầm vũ trang hạt nhân tới Hàn Quốc: Ngày 29/6, phát biểu trong diễn đàn thường niên do Yonhap (Hàn Quốc) và Bộ Thống nhất Hàn Quốc tổ chức ở Seoul, Phó Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), Trung tướng Scott L. Pleus nói: “Trong tương lai gần, bạn có thể mong đợi sự thể hiện khác về cam kết của Mỹ trong mở rộng khả năng răn đe bằng chuyến thăm cảng của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang tên lửa đạn đạo”. Song ông không nêu rõ thời gian tàu này tới Hàn Quốc.
Phó Tư lệnh USFK cũng nhấn mạnh liên minh giữa lực lượng Mỹ và Hàn Quốc vẫn “quan trọng hơn bao giờ hết” trước các mối đe dọa mới, bao gồm những vụ phóng tên lửa “chưa từng có” của Triều Tiên hai năm qua. (Yonhap)
Trung Á
* Ngoại trưởng Pháp thăm Mông Cổ: Ngày 29/6, viết trên Twitter, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nêu rõ: “Tôi đã đến Mông Cổ, nền dân chủ có diện tích lớn gấp 3 lần nước Pháp, nằm giữa Trung Quốc và Nga”. Theo bà, Paris và Ulanbataar chia sẻ “mối quan hệ đối tác giúp củng cố chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược của hai nước chúng ta”.
Trong khi đó, nhận định “Mông Cổ có nhiều tài nguyên không được xác định hết hay khai thác đầy đủ”, một quan chức Pháp tháp tùng đoàn đã đề cập tới “dự án lớn nhằm khai thác các mỏ urani” của công ty hạt nhân Orano (Pháp), hiện chưa được Mông Cổ phê duyệt. Dự kiến, bà Colonna sẽ gặp Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh và người đồng cấp nước chủ nhà trong ngày 30/6. (AFP)
Châu Âu
* Pháp bắt giữ 150 người trong đêm bạo lực: Ngày 29/6, viết trên Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ 150 người trong đêm bạo lực thứ hai sau vụ cảnh sát khiến một thiếu niên thiệt mạng.
Quan chức trên nêu rõ: “Một đêm bạo lực không thể dung thứ được khi các biểu tượng của nền cộng hòa, các tòa thị chính, trường học và đồn cảnh sát bị đốt cháy hoặc tấn công. Thật xấu hổ cho những ai không kêu gọi bình tĩnh”. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã triệu tập cuộc họp với một số bộ trưởng để thảo luận về tình trạng an ninh hiện nay ở nước này. (AFP)
* Chiến lược an ninh mới của Czech đề cập Nga và Trung Quốc: Ngày 28/6, Chính phủ Czech đã thông qua Chiến lược An ninh mới. Theo văn kiện này, thời kỳ hòa bình và ổn định ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Chiến lược an ninh mới yêu cầu Prague cần “phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho nguy cơ có thể trở thành một phần của một cuộc xung đột vũ trang”.
Liên quan đến Nga và Trung Quốc, văn bản chiến lược này cũng khẳng định: “Nga cố ý phá hoại ổn định chính trị, kinh tế và xã hội của Czech… gây ra mối đe dọa cơ bản đối với an ninh của chúng ta... Trung Quốc làm nảy sinh mối hoài nghi trong trật tự quốc tế, gây tác động bất lợi đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương….”
Czech đã tiến hành đánh giá lại quan hệ với Nga và Trung Quốc khi chính phủ của Thủ tướng Petr Fiala nhậm chức hồi đầu năm 2021. Trước đó, chính phủ tiền nhiệm và cựu Tổng thống Milos Zeman được cho là đã theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với cả Moscow và Bắc Kinh. Trong Chiến lược an ninh được công bố năm 2015, Czech đã không nêu tên Nga hoặc Trung Quốc. (Reuters/TTXVN)
* Ba Lan trình kế hoạch về an ninh biên giới trước EU: Ngày 29/6, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông sẽ trình bày kế hoạch tăng cường biên giới của EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cùng ngày. Nhà lãnh đạo này cho rằng cơ quan biên giới Frontex nên được cải tổ và cần có nhiều quỹ hơn để giúp các quốc gia thành viên đang đối mặt với các vấn đề di cư.
Trước đó trong cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski cho biết nước này hy vọng EU sẽ tài trợ để Warsaw có biện pháp củng cố biên giới phía Đông trước sự hiện diện của các lực lượng Wagner tại Belarus. (Reuters)
* Ủy ban Hạ viện Hungary hoãn bỏ phiếu về việc Thụy Điển gia nhập NATO: Ngày 29/6, nghị sỹ Agnes Vadai của đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DK) cho biết Ủy ban này đã từ chối đề xuất lên lịch biểu quyết về phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển tuần tới.
Ông cho biết trong cuộc họp kín trước đó, nghị sĩ đảng cầm quyền Fidesz và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Ủy ban cũng không ủng hộ đề xuất này. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Cảnh sát Iran, Nga tăng cường hợp tác an ninh: Ngày 28/6, Tư lệnh Cảnh sát Iran Ahmadreza Radan và Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga Viktor Zolotov đã ký Bản ghi nhớ (MoU) dài hạn về tăng cường hợp tác an ninh và thực thi pháp luật song phương. Hiện ông Radan đang thăm Nga theo lời mời của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga. Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài hai ngày, bắt đầu từ hôm 27/6, Tư lệnh Cảnh sát Iran đã hội đàm với Đại tướng Zolotov và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Platonovich Patrushev.
Theo ông Radan, phía Iran dự kiến sẽ tìm hiểu tiềm năng và năng lực của cảnh sát Nga trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức. (Mehr News)
* Sudan: Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế giúp trao trả tù binh: Ngày 29/6, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) thông báo họ đã tạo điều kiện thuận lợi để thả 125 binh sĩ Quân đội Sudan bị Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bắt giữ. ICRC cũng cho biết thêm rằng việc phóng thích diễn ra hôm 28/6 theo yêu cầu của các bên.
Trưởng phái đoàn của ICRC tại Sudan, ông Jean-Christophe Sandoz nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò trung gian trung lập để trả tự do cho những ai bị giam giữ từ tất cả các bên tham gia xung đột, bất cứ khi nào được yêu cầu”. (TTXVN)