Người biểu tình phản đối chính phủ ở thủ đô Seoul, ngày 4/12. (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Triều Tiên-Nga bắt đầu có hiệu lực: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KNCA) đưa tin, ngày 4/12, tại Moscow đã diễn ra lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga được lãnh đạo hai nước ký tại Bình Nhưỡng ngày 19/6/2024.
Theo Điều 22 của hiệp ước, hiệp ước có hiệu lực từ ngày 4/12/2024, thời điểm trao đổi văn kiện phê chuẩn. Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt đẹp và hợp tác giữa Triều Tiên và Nga được ký kết ngày 9/2/2000 đã hết hiệu lực.
KCNA khẳng định, quan hệ Triều Tiên-Nga vững mạnh dựa trên hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện sẽ là công cụ an ninh mạnh mẽ thúc đẩy phúc lợi của nhân dân hai nước, giảm căng thẳng khu vực và bảo đảm ổn định chiến lược quốc tế. (KCNA)
*Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cảnh báo về an ninh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 5/12 đã ban hành cảnh báo du lịch, khuyến cáo công dân Trung Quốc nên thận trọng do tình hình mất an ninh gia tăng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Thông cáo của Đại sứ quán nhấn mạnh: "Gần đây đã xuất hiện các vấn đề an ninh tại một số khu vực ở Philippines. Thỉnh thoảng xảy ra các vụ cướp bóc và hành hung".
Đại sứ quán khuyến nghị công dân Trung Quốc đang ở Philippines và những người dự định tới nước này cần cảnh giác, bảo quản an toàn giấy tờ tùy thân và tài sản có giá trị, tránh tới các sòng bạc và những nơi "cung cấp dịch vụ tình dục".(Sputniknews)
*Đảng đối lập Hàn Quốc chốt ngày luận tội Tổng thống: Ngày 5/12, tờ Chosun Ilbo đưa tin đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc có kế hoạch bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vào lúc 19h tối 7/12 (giờ địa phương).
Trước đó, đảng đối lập đã chính thức đệ trình một dự luật luận tội Tổng thống Yoon trước Quốc hội nước này, sau nỗ lực không thành công của tổng thống trong việc áp đặt thiết quân luật. (Yonhap)
*Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc tìm cách tiếp cận tàu cá gần Senkaku: Ngày 5/12, Nhật Bản cho biết đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới Trung Quốc sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông và tìm cách tiếp cận một tàu cá Nhật Bản đang hoạt động tại đây.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, và mô tả việc các tàu này xâm phạm vùng biển Nhật Bản là "không thể chấp nhận được".
Theo ông Hayashi, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản vào sáng sớm 5/12, khiến Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản phải triển khai các tàu để đảm bảo an toàn cho tàu cá Nhật Bản. (Kyodo)
*Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc về vụ việc ở Biển Đông: Bộ Ngoại giao Philippines ngày 5/12 cho biết đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối Trung Quốc liên quan vụ việc trên biển xảy ra ngày 4/12 tại một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc và Philippines ngày 4/12 đã cáo buộc lẫn nhau về vụ đụng độ ở Biển Đông gần Bãi cạn Scarborough, mâu thuẫn mới nhất trong tranh chấp kéo dài thời gian qua và ngày càng leo thang.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Philippines, đây là công hàm phản đối thứ 60 mà Manila gửi tới Bắc Kinh trong năm nay, và là công hàm thứ 193 kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức năm 2022. (Reuters)
*Cảnh sát Hàn Quốc điều tra Tổng thống về cáo buộc "nổi loạn": Giám đốc Cơ quan Điều tra Quốc gia Hàn Quốc Woo Jong-soo ngày 5/12 thông báo cảnh sát nước này đã bắt đầu điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeolvề quyết định ban bố thiết quân luật sau khi phe đối lập đệ đơn khiếu nại chống lại ông.
Tờ Chosun Ilbo dẫn lời ông Woo: "Chúng tôi sẽ thận trọng tiến hành điều tra dựa trên luật pháp và quy trình". Ông Woo cho biết thêm tình huống này là "chưa từng có tiền lệ", do đó cuộc điều tra đã được giao cho bộ phận phụ trách an ninh.
Ngày 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật, viện dẫn nhu cầu đấu tranh chống lại "các phần tử thân Triều Tiên", tuy nhiên lệnh này đã được dỡ bỏ sau khoảng 6 giờ. Ngày 4/12, phe đối lập đã khởi xướng tiến trình luận tội, cho rằng ông Yoon đã vi phạm hiến pháp vì không có lý do chính đáng để ban bố thiết quân luật. (TASS)
*Trung Quốc ủng hộ dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia: RFI Khmer ngày 4/12 dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia. Khẳng định của ông Hun Sen được đưa ra sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày, từ ngày 2-4/12.
Theo RFI, Dự án kênh đào Funan Techo cuối cùng đã được nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình xác nhận ủng hộ tại cuộc gặp với ông Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, ngày 3/12.
Ông Hun Sen nhấn mạnh trên trang Facebook cá nhân thông điệp cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã ủng hộ dự án kênh đào Funan Techo. Ông Hun Sen cho rằng, dự án này giúp Campuchia độc lập trong lĩnh vực vận tải đường thủy và mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác. (RFI Khmer)
*Nepal và Trung Quốc ký thỏa thuận khung BRI: Nepal và Trung Quốc đã chính thức ký kết thỏa thuận khung hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)vào ngày 4/12. Đây là một động thái được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội triển khai các dự án quan trọng giữa hai quốc gia, diễn ra trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli.
Thỏa thuận này đánh dấu bước tiến quan trọng sau khi hai bên ký kết thỏa thuận BRI vào năm 2017, tuy nhiên, chưa có dự án nào được triển khai cho đến nay.
Theo thông tin từ các quan chức, thỏa thuận khung này mở đường cho việc xây dựng Mạng lưới kết nối đa chiều xuyên dãy Himalaya và các dự án hạ tầng khác, giúp Nepal từ một quốc gia không giáp biển trở thành một trung tâm kết nối giao thương quốc tế. (THX)
Châu Âu
*Ukraine áp đặt trừng phạt với nhiều quan chức cấp cao Georgia: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 5/12 tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với cựu Thủ tướng Georgia Bidzina Ivanishvili và một số thành viên chính phủ nước này.
Ông Zelensky áp đặt trừng phạt đối với 19 cá nhân, bao gồm người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia và Bộ trưởng Nội vụ. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: "Đây là các biện pháp trừng phạt đối với bộ phận trong chính phủ Georgia đang giao nộp nước này cho (Tổng thống Nga Vladimir) Putin".
Tình hình căng thẳng tại Georgia đã dẫn đến các vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát kể từ khi đảng cầm quyền tuyên bố đình chỉ đàm phán liên quan đến việc nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô với dân số khoảng 3,7 triệu người này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). (Sputniknews)
*Quốc hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng: Tối 4/12 (giờ địa phương), các nghị sĩ Quốc hội Pháp đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Michel Barnierphải từ chức và chính phủ của ông sụp đổ. Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả NFP và đảng cực hữu RN, đã bỏ phiếu ủng hộ, vượt qua mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực.
Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier giờ đây cần phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận.
Thủ tướng Barnier đã trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962. (THX)
*Nga cảnh báo Nhật Bản về vũ khí cung cấp cho Ukraine: Đại sứ quán Nga tại Nhật Bản cho rằng tên lửa dành cho hệ thống phòng không Patriot mà Nhật Bản chuyển giao cho Mỹ có thể được chuyển đến khu vực xung đột Ukraine.
Cơ quan ngoại giao Nga cho rằng, số vũ khí của Nhật Bản nêu trên nhằm bù lại số vũ khí Mỹ bị giảm do chuyển giao cho Kiev, song có thể cuối cùng lại sẽ đến Ukraine. Đại diện ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow sẽ coi đây là hành động thù địch và ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Nhật.
Bắt đầu từ năm nay, Nhật Bản có thể bán vũ khí và linh kiện được sản xuất theo giấy phép của họ cho các nước. Với Mỹ, điều kiện của hợp đồng là cấm cung cấp tên lửa cho Kiev mà không có sự cho phép của Tokyo. (TASS)
*Hà Lan rót thêm 23 triệu USD tăng cường phòng thủ cho Ukraine: Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết nước này đã quyết định cấp thêm 22 triệu euro (23,1 triệu USD) cho các dự án tăng cường phòng không và an ninh mạng của Ukraine.
Cuối tháng 11, Hà Lan đã chuyển giao ba bệ phóng phòng không Patriot cho Ukraine và cấp 88 triệu euro để mua hệ thống phòng không di động cho Kiev. Đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans tuyên bố nước này sẽ cấp 400 triệu euro để mua thiết bị bay không người lái cho Ukraine. Tổng số tiền viện trợ quân sự mà Hà Lan cung cấp cho Ukraine đã lên tới 3,76 tỷ euro. (Sputnik)
*Mỹ và EU cung cấp 50 tỷ USD cho Ukraine từ tài sản Nga: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại một cuộc họp báo ngày 4/12 cho biết nước này và Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chuyển 50 tỷ USD từ các tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine trong những tuần tới. Những khoản tiền này cần trở thành nguồn tài chính quan trọng cho nền kinh tế và quốc phòng Ukraine vào năm 2025.
Ông Blinken nói: "Chúng tôi đang làm việc để đảm bảo rằng 50 tỷ USD phong tỏa của Nga sẽ nhanh chóng được sử dụng để hỗ trợ Ukraine. Số tiền này sẽ đến từ chúng tôi và các đồng minh châu Âu của chúng tôi trong những tuần tới".
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng các đối tác quốc tế của Ukraine tiếp tục nỗ lực nhằm cung cấp cho nước này tất cả các nguồn lực cần thiết cho cuộc đối đầu với Nga. Theo ông, nguồn tài trợ sẽ không chỉ được sử dụng để ổn định kinh tế mà còn để mua các khí tài quân sự quan trọng cho Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU). (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Iran khẳng định hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga: Trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Khánh đang có chuyến thăm Iran, Tổng thống nước chủ nhà Masoud Pezeshkian ngày 4/12 khẳng định Tehran sẽ mở rộng hợp tác với Bắc Kinh và Moscow để đối đầu với áp lực địa chính trị từ phương Tây.
Theo thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Iran, ông Pezeshkian khẳng định sẵn sàng mở rộng quan hệ với Trung Quốc và Nga để chống lại "chủ nghĩa đơn phương" từ Mỹ”. Đồng thời, ông Pezeshkian cam kết thực hiện thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trung Quốc kéo dài 25 năm, được ký vào tháng 3/2021.
Đây là chuyến thăm chính thức thứ hai của ông Trương Quốc Khánh đến quốc gia Trung Đông này trong năm nay. (Al Jazeera)
*Iran và Ai Cập thảo luận về tình hình Syria: Bộ Ngoại giao Iran ngày 5/12 thông báo Ngoại trưởng Abbas Araghchi và người đồng cấp Ai Cập Badr Abdelatty đã có cuộc điện đàm để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Syria trong bối cảnh xung đột quân sự giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy gia tăng ở nước này.
Quan hệ Iran - Ai Cập đã bị cắt đứt vào năm 1980 khi Ai Cập cấp quy chế tị nạn cho Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi, người đã chạy trốn khỏi nước này trong cuộc Cách mạng Hồi giáo.
Trước đó, hai bên đã xảy ra bất đồng sau khi Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel vào cuối những năm 1970. Mối quan hệ giữa Tehran và Cairo đã ấm lên vào năm 2010 nhưng quan hệ chính thức chưa bao giờ được khôi phục. (Arab News)
*Syria: Giao tranh ác liệt xung quanh thành phố Hama: Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, giao tranh ác liệt tiếp tục nổ ra ngày 5/12 giữa lực lượng chính phủ Syria và phiến quân Hồi giáo quanh thành phố Hama - miền Trung Syria. Đến tối 4/12, SOHR cho hay các tay súng nổi dậy đã "bao vây thành phố Hama từ ba hướng".
Hama có vị trí chiến lược quan trọng với quân đội, đóng vai trò vùng đệm bảo vệ thủ đô Damascus. Các cuộc đụng độ diễn ra sau khi quân nổi dậy do các nhóm Hồi giáo dẫn đầu tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng, chỉ trong vài ngày đã chiếm được lãnh thổ quan trọng, bao gồm cả thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo, từ tay chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. (AFP)
*Ngoại trưởng Nga lần đầu thăm EU kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát: Ngày 5/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Malta dự Hội nghị Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới một nước Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022.
Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ tham dự hội nghị này. Tuy nhiên, ông Blinken sẽ không gặp ông Lavrov.
Được thành lập năm 1975 để giảm căng thẳng Đông-Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, OSCE hiện có 57 thành viên. Tuy nhiên, tổ chức này hiện đang gặp nhiều khó khăn do Nga phủ quyết các quyết định quan trọng. Các vị trí Tổng Thư ký và 3 quan chức cấp cao khác đang bỏ trống từ tháng 9 do thiếu đồng thuận về người kế nhiệm. (AFP)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Venezuela: Phe đối lập tố cảnh sát bao vây Đại sứ quán Argentina: Ngày 4/12, phe đối lập Venezuela tố cáo cảnh sát nước này đã bao vây Đại sứ quán Argentina ở Caracas, nơi hiện có 6 thành viên của phe này đang tá túc từ tháng 3.
Thủ lĩnh phe đối lập María Corina Machado và cựu ứng cử viên Tổng thống Edmundo González tố cáo sáng sớm 4/12 (giờ địa phương), hơn 20 cảnh sát đã bao vây khu vực lân cận Đại sứ quán Argentina và chỉ trích Chính phủ Venezuela “đã biến cơ quan ngoại giao thành nhà tù, trước sự chứng kiến của thế giới, vi phạm mọi thỏa thuận quốc tế”.
Bà Machado và ông Edmundo González “khẩn cấp” yêu cầu Chính phủ Argentina và Brazil can thiệp và dành “tất cả nỗ lực” để tìm giáp pháp an toàn cho 6 người đã được Argentina cấp quy chế tị nạn chính trị nhưng Chính phủ Venezuela không cho phép rời khỏi đất nước. Trên tài khoản mạng xã hội X, bà Machado cũng cho biết Đại sứ quán Argentina đã bị cắt điện hơn 10 ngày. (AFP)
*Hamas đe dọa sẽ "vô hiệu hóa" các con tin: Theo báo Times of Israel ngày 4/12, phong trào Hamas cho biết có thông tin về việc Israel có ý định thực hiện một chiến dịch giải cứu con tin tương tự như chiến dịch đã tiến hành tại trại Nuseirat ở Gaza vào tháng 6/2024; đe dọa sẽ "vô hiệu hóa" các con tin nếu chiến dịch diễn ra.
Trong thông báo nội bộ, Hamas chỉ đạo các thành viên của phong trào này hành động mạnh tay với các con tin mà không lo ngại về hậu quả; đồng thời khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm về số phận của các con tin nếu phát động tấn công Hamas. (Al Jazeera)
*Israel bác bỏ thông tin cử phái đoàn đàm phán tới Ai Cập: Ngày 4/12, các quan chức an ninh Israel thông báo họ không biết về bất kỳ phái đoàn nào của nước này có lịch trình tới Ai Cập vào ngày 5/12.
Trước đó, hãng thông tấn Qatar al-Araby al-Jadeed đưa tin phái đoàn Israel do Giám đốc Cơ quan An ninh Shin Bet Ronen Bar sẽ tới Cairo vào ngày 5/12 để đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn con tin. Trong phái đoàn có một đặc phái viên của Thủ tướng Netanyahu. (Reuters)
*Phiến quân Syria kiểm soát tuyến huyết mạch và trạm radar của Nga: Tại Syria, các nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và Mặt trận Giải phóng quốc gia (NLF) đã chiếm được 2 điểm dân cư có tầm quan trọng chiến lược - Al-Mubaraqat và Sheikh Helal, nằm ở miền Trung nước này.
Trong diễn biến liên quan, nhóm khủng bố HTS ngày 4/12 thông báo đã đoạt được trạm radar hiện đại 48YA6-K1 "Podlet-K1", được sử dụng để điều khiển các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300PMU-2.
Trạm radar 48Ya6-K1, là một phần của tổ hợp S-300 và S-400 công nghệ cao, được thiết kế để cung cấp khả năng bảo vệ không phận tin cậy, kể cả các mối đe dọa chiến lược và chiến thuật từ trên không, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia lưu ý rằng trạm radar này không chỉ là yếu tố quan trọng đối với Nga mà cả với các đồng minh của nước này trong khuôn khổ mở rộng vùng kiểm soát không phận. (Al Jazeera)