Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ngày 9/2. (Nguồn: EP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine: Nga tăng cường tấn công ở miền Đông: Ngày 9/2, phát biểu trên đài truyền hình Ukraine, thống đốc khu vực Luhansk của Ukraine, ông Serhiy Haidai cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công và pháo kích từ quân Nga. Và theo hướng Kreminna, họ đang cố gắng tạo dựng thành công của mình bằng cách chọc thủng tuyến phòng ngự”. Ông cho hay hiện Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) vẫn giữ vững các vị trí gần Kreminna, nơi Nga đã chiếm giữ trong nhiều tháng, song sẽ cần thêm vũ khí và đạn dược để tiếp tục cầm cự.
Ông cũng lưu ý rằng một khi phòng tuyến của Ukraine gần Kreminna phá vỡ, lực lượng Nga sẽ tiến gần hơn tới thành phố Kramatorsk quan trọng. (Reuters)
* Nga cảnh báo hậu quả về việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine: Ngày 9/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo: “Đây không khác gì sự tham gia ngày càng tăng của Anh, Đức và Pháp trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ranh giới giữa sự tham gia gián tiếp và trực tiếp đang dần biến mất. Những hành động như vậy... có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng, kéo dài xung đột và làm cho cuộc xung đột ngày càng đau khổ hơn đối với Ukraine”.
Đồng thời, quan chức Nga này lưu ý rằng nếu phương Tây đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cung cấp máy bay chiến đấu, Nga sẽ không nản lòng và sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine cho đến khi Moscow đạt được các mục tiêu đề ra. (Reuters)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc nêu lý do từ chối điện đàm với Mỹ về sự cố khinh khí cầu: Ngày 9/2, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho biết nước này đã từ chối cuộc điện đàm được Mỹ đề xuất vì Washington không tạo ra “bầu không khí thích hợp” cho cuộc trao đổi. Ông cũng cho hay việc Mỹ nhất quyết bắn hạ khinh khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế và tạo tiền lệ xấu.
Trước đó, ngày 7/2, Lầu Năm Góc cho biết ngay sau khi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đề nghị điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị từ chối. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc chỉ trích Triều Tiên tổ chức duyệt binh: Ngày 9/2, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo Suk đã chỉ trích cuộc duyệt binh mới đây của Triều Tiên và nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên lập tức ngừng phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân bất hợp pháp cùng các mối đe dọa hạt nhân liều lĩnh, nhanh chóng quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa”.
Trước đó, truyền thông Triều Tiên đưa tin trong cuộc duyệt binh vào tối 8/2 ở Bình Nhưỡng, nước này đã cho thế giới thấy khả năng sản xuất tên lửa với sự xuất hiện của số lượng chưa từng có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đồng thời hé lộ thông tin về một loại vũ khí mới sử dụng nhiên liệu rắn. (Reuters)
Châu Âu
* Nga không chấp nhận kết quả điều tra vụ máy bay MH17: Ngày 9/2, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Nga không thể chấp nhận kết quả điều tra về MH17 mà nước này không tham gia”.
Trước đó, ngày 8/2, văn phòng công tố Hà Lan cho rằng lãnh đạo Nga có liên quan đến quyết định chuyển giao hệ thống phòng không Buk cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng. Theo cơ quan này, bằng chứng là các cuộc điện đàm được ghi lại hồi tháng 6/2014, trong đó quan chức Nga khẳng định cần có vũ khí hạng nặng hơn để đối đầu Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) ở Đông Ukraine.
Trước đó, ngày 17/11/2022, tòa án ở The Hague (Hà Lan) đã đưa ra phán quyết về vụ tai nạn máy bay Boeing chuyến MH17 ở Donbass năm 2014. Tòa kết luận rằng máy bay này đã bị hệ thống phòng không Buk bắn hạ từ một cánh đồng gần Pervomaisky thuộc quyền kiểm soát của DPR và vụ phóng không phải là ngẫu nhiên. Đồng thời, hai công dân Nga Igor Strelkov và Sergey Dubinsky, cũng như công dân Ukraine Leonid Kharchenko bị kết tội bắn hạ máy bay MH17 làm toàn bộ 298 người thiệt mạng, đã phải lĩnh án chung thân vắng mặt. (TTXVN)
* Tổng thống Ukraine phát biểu tại Nghị viện châu Âu: Ngày 9/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) ở Brussels (Bỉ). Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh Kiev đang cùng châu Âu “tự vệ trước thế lực chống châu Âu lớn nhất của thế giới hiện đại”. Ông Zelensky bày tỏ hy vọng rằng đất nước của ông sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau khi giành chiến thắng trước Nga.
Trước đó, EP đã chào đón ông Zelensky có chuyến thăm đầu tiên tới Brussels kể từ tháng 2/2022. Chủ tịch EP Roberta Metsola nói: “Ukraine là châu Âu và tương lai quốc gia của Ngài là ở trong EU. Ukraine cần phải chiến thắng. Các nước thành viên EU phải nhanh chóng xem xét bước tiếp theo là cung cấp các hệ thống tầm xa và máy bay phản lực mà Ukraine cần để bảo vệ nền tự do của minh”. (AFP/Reuters)
* Công ty năng lượng Czech kiện Gazprom: Ngày 9/2, công ty năng lượng CEZ (Czech) thông báo đã chính thức khởi động thủ tục kiện Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) vì giảm nguồn cung cấp khí đốt trong năm 2022, đồng thời đòi khoản bồi thường thiệt hại trị giá 1 tỷ CZK (hơn 45 triệu USD). Người phát ngôn của CEZ cho biết toà trọng tài tại Geneva thụ lý vụ việc và một hội đồng trọng tài gồm 3 thành viên - sẽ đưa ra phán quyết. Còn theo hãng tin CTK (Czech), Nga đã ngừng hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), đường ống cung cấp khí đốt của Nga qua biển Baltic tới Đức.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của CEZ, ông Daniel Benes tin rằng Nga đã bắt đầu cuộc chiến năng lượng chống lại châu Âu khoảng một năm trước cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, cuối tháng Một vừa qua, Thủ tướng Czech Petr Fiala tuyên bố Prague đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Moscow từ mức 97% xuống còn 4%. Nước này thay thế khí đốt từ Nga bằng cách nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ nước ngoài.
Hiện Czech đang muốn hạn chế hoàn toan sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đồng thời cũng muốn thay thế nhập khẩu dầu mỏ của Nga bằng các nguồn khác. (TTXVN)
Châu Mỹ
* Mỹ, Anh và Australia tập trận không quân thường niên: Ngày 8/2, lực lượng Mỹ, Anh và Australia đã thực hiện tập trận không quân có tên gọi “Cờ đỏ” (Red Flag) kéo dài 3 tuần ở trong và ngoài khu vực sa mạc Nevada, như một phần trong nỗ lực nhằm mô phỏng các hoạt động tác chiến cao cấp. Anh đã triển khai máy bay tiếp liệu KC-2 Voyager, chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon tham gia tập trận; trong khi Australia điều máy bay EA-18G Growler.
Đại tá Không quân Mỹ Jared Hutchinson, chỉ huy Phi đội huấn luyện chiến đấu thứ 414 điều hành cuộc tập trận Red Flag, cho biết các cuộc tập trận thường niên không gắn với bất kỳ sự kiện nào gần đây. Trọng tâm cuộc tập trận là giải quyết vấn đề khoảng cách rộng lớn mà Mỹ, Anh và Australia sẽ phải đối mặt khi hoạt động tại Thái Bình Dương, cũng như cải thiện khả năng phối hợp tác chiến của lực lượng không quân ba nước.
Chuẩn tướng John Lyle, chỉ huy lực lượng cơ động không quân thuộc Không quân Hoàng gia Anh, cho hay nhiệm vụ sẽ là mô phỏng triển khai lực lượng không quân vào “khu vực bị xâm lược”. Ông Lyle nói thêm: “Do đó, vai trò của chúng tôi sẽ là hỗ trợ lực lượng đi vào khu vực bị chiếm đóng và tấn công các tài sản quan trọng, qua đó làm suy giảm năng lực của kẻ thù”. Tuy nhiên ông Lyle không nêu rõ khu vực bị xâm chiếm mô phỏng là ở đâu. (Reuters)
* Chủ tịch Cuba sắp thăm Mexico: Ngày 9/2, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel sẽ thăm nước này vào ngày 11/2 tới và sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Andrés Manuel López Obrador tại thành phố Campeche, bên bờ Vịnh Mexico. Theo ông Ebrard, chuyến thăm cấp cao kéo dài hai ngày của Chủ tịch Cuba sẽ bao gồm nhiều hoạt động, chủ yếu tập trung vào hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế và sức khỏe.
Đáng chú ý, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đảo quốc Caribbean chuẩn bị gửi 500 bác sĩ tới Mexico để hỗ trợ nước này đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế và chuyên gia về tim mạch, nhi khoa, phẫu thuật tổng quát và chỉnh hình, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Đây sẽ là lần thứ tư Chủ tịch Díaz-Canel đến thăm Mexico trong nhiệm kỳ của Tổng thống López Obrador. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* EU kêu gọi không chính trị hóa viện trợ cho Syria: Ngày 9/2, phát biểu về tình hình viện trợ Syria, quốc gia đang bị Mỹ và châu Âu cấm vận, sau trận động đất kinh hoàng tại nước này và Thổ Nhĩ Kỳ, Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh: “Không được chính trị hóa công tác ứng phó tình trạng khẩn cấp”. Theo ông, hàng viện trợ cần được cung cấp đến cả các vùng do Damascus kiểm soát lẫn khu vực do phiến quân nắm giữ. Ông còn nói: “Chúng ta cần làm mọi thứ để đảm bảo rằng không có trở ngại nào đối với hoạt động hỗ trợ cứu người cần thiết ở Syria”.
Cùng ngày, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã viết thư cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ tình đoàn kết và khẳng định sẽ cung cấp thêm viện trợ khẩn cấp cho Ankara sau trận động đất. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi sẵn sàng đẩy mạnh hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tính đến 18h ngày 9/2 (theo giờ Việt Nam), nguồn tin y tế và thống kê của nhà chức trách số người thiệt mạng trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên 17.176 người. Trong đó, số nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ là 14.014 người và tại Syria là 3.162 người. (AFP)