Covid-19
Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới đã được đăng ký ở Nga
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, vaccine ngừa Covid-19 do Viện nghiên cứu Gamaleya tại Moscow phát triển, đã được Bộ Y tế Nga chấp thuận vào sáng cùng ngày.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, đây là "một bước tiến rất quan trọng đối với thế giới", đồng thời cho biết thêm, con gái ông đã tham gia vào quá trình thử nghiệm, "sau mũi tiêm đầu tiên, con bé sốt 38 độ C, nhưng hôm sau chỉ còn sốt nhẹ trên 37 độ C".
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Liên bang Nga cũng khẳng định, cơ quan này đã cấp giấy phép đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh, tính hiệu quả của vaccine mới cho phép ngừa Covid-19 trong 2 năm.
Bộ Y tế Nga cho biết, vaccine mới có tên gọi Gam-COVID-Vac là loại vaccine vector hai thành phần dựa trên loại adenovirus có nguồn gốc ở người. Vaccine đã trải qua tất cả các thử nghiệm cần thiết về an toàn và hiệu quả trên một số loài động vật (động vật gặm nhấm và linh trưởng), sau đó vaccine đã được thử nghiệm trên 2 nhóm tình nguyện viên (mỗi nhóm 38 người).
Cơ quan Y tế Nga khẳng định, vaccine Gam-COVID-Vac không chứa các thành phần của SARS-CoV-2, đồng thời sơ đồ tiêm hai lần cho phép hình thành khả năng miễn dịch lâu dài. Theo Bộ Y tế Nga, kinh nghiệm sử dụng vaccine vector (với sơ đồ dùng 2 lần) cho thấy khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm.
Về vấn đề thời gian tiêm chủng đại trà, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết, bắt đầu từ tháng 9 tới, các nhân viên y tế của nước này sẽ là đối tượng đầu tiên được chính thức tiêm loại vaccine này. Dự kiến Nga sẽ sản xuất đại trà vaccine Covid-19 và tiêm chủng cho cộng đồng theo hình thức tự nguyện kể từ tháng 1/2021. (Sputnik, RT)
Tình hình Belarus
Biểu tình leo thang ở Minsk hậu bầu cử, EU xem xét lại quan hệ với Belarus
Truyền thông quốc tế dẫn lời nhiều nhân chứng cho hay, ngày 10/8, cảnh sát Belarus đã sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình tại thủ đô Minsk sau khi phe đối lập cáo buộc Tổng thống Alexander Lukashenko gian lận để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 9/8.
Cảnh sát cũng đã sử dụng lựu đạn gây choáng khi hàng nghìn người biểu tình đổ ra đường phố ở thủ đô Minsk. Theo lực lượng cảnh sát, một người biểu tình Belarus đã thiệt mạng tại thủ đô sau khi bom trên tay phát nổ.
Trong khi đó, kênh truyền hình Nga đưa tin, vẫn nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ tại Minsk khi những người ủng hộ phe đối lập tiếp tục biểu tình phản đối. Được biết trung tâm thành phố đã bị phong tỏa, và các vụ bắt giữ đã diễn ra trong vài giờ. Belarus thông báo đã bắt giữ hơn 2.000 người trong các cuộc biểu tình đêm 10/8.
Trong bối cảnh đó, ngày 11/8, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết: "Toàn bộ các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa EU và Belarus hiện đang được xem xét do các sự việc đáng tiếc liên quan cuộc bầu cử tổng thống nước này hôm 9/8".
Theo người phát ngôn này, một tuyên bố chung của 27 nước thành viên EU đang được chuẩn bị. (Reuters)
Vụ nổ ở Beirut
Phát hiện hơn 20 container hóa chất nguy hiểm tại cảng Beirut sau vụ nổ
Các chuyên gia hóa chất của Pháp và Italy làm việc tại hiện trường khu vực cảng Beirut đã xác định được hơn 20 container chứa hóa chất nguy hiểm, trong đó có một container có hiện tượng rò rỉ.
Theo chuyên gia người Pháp giấu tên, đội chuyên gia hóa học và lực lượng phòng cháy chữa cháy tại hiện trường đang tìm cách bảo đảm an toàn cho số container trên. Một số container đã bị thủng sau vụ nổ rung chuyển tại cảng Beirut hồi tuần trước.
Chuyên gia người Pháp không nói rõ hóa chất đựng trong các container này là gì, nhưng cho biết, bên ngoài thùng có đính biểu tượng hóa chất nguy hiểm. Ông cũng thừa nhận còn có chất lỏng dễ cháy trong nhiều container, có cả container chứa pin và nhiều sản phẩm khác làm tăng nguy cơ gây cháy nổ.
Hiện chưa rõ số lượng container nguy hiểm, có khả năng gây cháy ở các khu vực khác thuộc cảng Beirut hay không. Đội chuyên gia của Pháp và Italy chỉ đảm nhận việc tìm kiếm, giám sát ở tại một khu vực nhất định.
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra hôm 4/8 tại cảng Beirut đã làm ít nhất 160 người thiệt mạng, trên 6.000 người bị thương. Chính phủ Lebanon ngày 10/8 đã phải tuyên bố từ chức.
Trước đó, theo các nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon và một tài liệu mà Reuters có được, giới chức an ninh Lebanon đã cảnh báo Tổng thống và Thủ tướng của nước này 2 tuần trước khi xảy ra vụ nổ thảm khốc rằng, 2.750 tấn ammonium nitrate đang lưu kho tại cảng Beirut gây nguy cơ an ninh và có thể phá hủy toàn bộ thủ đô nếu phát nổ. (Reuters)
Đoàn xe quân sự Mỹ bị tấn công gần biên giới Iraq-Kuwait?
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên từ lực lượng an ninh Iraq cho biết, một đoàn xe quân sự của Mỹ đã bị phục kích bằng thiết bị nổ tự chế (IED) trên một tuyến quốc lộ nằm giữa biên giới Iraq-Kuwait vào hôm qua 10/8. Hiện chưa rõ thiệt hại của Quân đội Mỹ trong cuộc tấn công trên.
Nguồn tin trên cũng cho biết, lực lượng dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn đứng sau cuộc tấn công.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Rudaw của Iraq, Ashab al-Kahaf - một nhóm dân quân bán vũ trang mới nổi của Iraq đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công. Nhóm này còn cho đăng tải một đoạn video được cho là ghi lại cảnh đoàn xe quân sự Mỹ bị phục kích vào đêm 10/8.
Về phía Quân đội Iraq, họ cho biết không nhận được bất cứ báo cáo nào cho thấy các đơn vị thuộc quân đội Mỹ bị tấn công gần biên giới Kuwait, đồng thời bác bỏ thông tin này.
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cũng đang xem xét thông tin trên và chưa đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào. (Reuters)
Địa Trung Hải
Thổ Nhĩ Kỳ quyết hoạt động ở khu vực tranh chấp, Athens 'cậy nhờ' EU
Ngày 10/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ sự phản đối của Hy Lạp đối với hoạt động thăm dò của Ankara tại khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải và cho rằng, tuyên bố của Athens không có cơ sở pháp lý.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sự hiện quân sự của nước này ở khu vực không nhằm leo thang căng thẳng mà chỉ để phục vụ mục đích phòng thủ nếu cần thiết, đồng thời khẳng định, Ankara sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi lãnh đạo Hy Lạp "cùng ngồi lại với nhau với tư cách là các quốc gia Địa Trung Hải và tìm ra giải pháp có thể bảo vệ tất cả các quyền lợi của các bên".
Trước đó 3 ngày, Tổng thống Erdogan thừa nhận rằng ông đã quá mệt mỏi khi phải chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán được tổ chức trong tháng qua với Hy Lạp và Đức - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).
Về phía Hy Lạp, Văn phòng Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis ngày 11/8 cho biết, nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức cuộc họp khẩn của các ngoại trưởng về vấn đề này. (Reuters, AFP)
Tình hình Afghanistan
Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm quân số ở Afghanistan xuống dưới 5.000 binh sĩ
Ngày 10/8, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đang cân nhắc cắt giảm quân số tại Afghanistan xuống còn dưới 5.000 binh lính do ghi nhận tiến triển trong tiến trình đàm phán hòa bình nội bộ quốc gia Nam Á này.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, trong vòng 4 tháng tới, Mỹ sẽ tiếp tục rút bớt binh lính tại Afghanistan dựa trên tình hình tại thực địa và trước mắt, dự kiến sẽ cắt giảm quân số xuống dưới mức 5.000 vào cuối tháng 11. Theo thông lệ, hoạt động rút quân như vậy vẫn sẽ dựa trên nhiều điều kiện và được thực hiện sau khi tham vấn Quốc hội Mỹ, cũng như có sự phối hợp trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng các đối tác.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh thêm, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan vẫn tập trung vào khía cạnh năng lực thay vì chú trọng tới số lượng binh sĩ.
Thông báo trên của Lầu Năm Góc là bước đi nhằm làm sáng tỏ hơn các tuyên bố ngày 8/8 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. (AFP)
Slovakia trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga
Ngày 10/3, Bộ Ngoại giao Slovakia thông báo đã trục xuất 3 nhân viên tại Đại sứ quán Nga ở Bratislava.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết: "Theo thông tin từ các cơ quan tình báo Slovakia, những hoạt động của họ (các nhà ngoại giao Nga) đi ngược với Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng hành động của Slovakia khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga. (Reuters)