ThS. Đinh Văn Mãi cho rằng, nên cẩn trọng khi triển khai AI trong giáo dục. (Ảnh: NVCC) |
AI định hình tương lai của giáo dục
Góc nhìn của ông về sự tác động của AI (trí tuệ nhân tạo) đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai?
Trí tuệ nhân tạo AI tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực và giáo dục cũng không ngoại lệ. Trong thời đại 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của AI đang định hình tương lai của giáo dục của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của UNESCO (AI and education: Guidance for policy-makers, 2021), quy mô thị trường cho trí tuệ nhân tạo trong giáo dục có giá trị 1,1 tỷ USD năm 2020, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 6 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng 445% chỉ trong 4 năm.
Trước sự bùng nổ của công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng những hướng dẫn nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu và sử dụng AI một cách an toàn và hiệu quả. Các công cụ trí tuệ nhân tạo phù hợp để áp dụng cho công tác đào tạo như Gemini, ChatGPT, Gamma, Magic School, Canva… đang tạo ra những sự khác biệt trong giáo dục.
AI giúp người dạy quản lý công việc giảng dạy và đào tạo một cách hiệu quả và sáng tạo, đồng thời nâng cao trải nghiệm và kết quả của người học bao gồm cả người khuyết tật.
Vì vậy, Liên hợp quốc cũng theo đuổi mục tiêu “AI cho tất cả” nhằm thực hiện mục tiêu số 4 (giáo dục có chất lượng) trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) để tạo nên cơ hội học tập bình đẳng, giáo dục công bằng, hướng tới học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Theo ông, xu hướng phát triển của AI trong giáo dục trong tương lai gần sẽ ra sao?
Trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển mạnh mẽ và cập nhật thường xuyên các tính năng để đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Với các thuật toán tiên tiến và thông tin chuyên sâu dựa trên dữ liệu, AI đã biến đổi và cách mạng hóa các phương pháp giảng dạy truyền thống, trao quyền cho người học và các nhà giáo dục.
Xu hướng AI thúc đẩy ngành giáo dục bằng cách cải thiện mức độ tương tác của người học thông qua các khóa học tùy chỉnh, bài giảng trực tuyến, lớp học kết hợp trò chơi để nâng cao kỹ năng, hay app hỗ trợ học tập.
Ứng dụng AI trong giáo dục để sản xuất nội dung thông minh đang giúp cho việc tìm kiếm, lưu trữ, tra cứu tài liệu học tập của người học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó, nâng cao trải nghiệm học tập và cá nhân hóa nội dung học tập phù hợp với nhu cầu cũng như phát triển năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu thị trường tuyển dụng. Các công cụ giúp đỡ người dạy bằng cách đảm nhận nhiệm vụ mất nhiều thời gian, chấm điểm, duy trì báo cáo, nâng cao khả năng nhận thức và tiếp thu trong trường học ảo và lớp học AI.
Người dạy sẽ phát huy tối đa năng lực chuyên môn và sáng tạo ra trải nghiệm học tập phong phú, thúc đẩy phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm. AI được sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, kết nối học thuật hay quản lý hành chính, thúc đẩy các sáng kiến sử dụng AI trong các hoạt động phụng sự cộng đồng, nhất là hỗ trợ phát triển giáo dục, cải thiện chất lượng sống cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Trong tương lai, nhiều ứng dụng AI sẽ ra đời tạo nên sự đa dạng cho người dạy cũng như người học dẫn đến sự cạnh tranh giữa các ứng dụng. Triển khai AI trong giáo dục là cần thiết tuy nhiên nên thực hiện cẩn trọng và đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Để đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, vai trò của con người, nhất là người dạy rất quan trọng. (Ảnh minh họa: Internet) |
Việc ứng dụng AI trong giáo dục đặt ra những vấn đề đạo đức nào?
Ứng dụng AI trong giáo dục đặt ra nhiều vấn đề đạo đức đáng lo ngại, gây nhiều tranh cãi liên quan vấn đề vi phạm bản quyền, rò rỉ thông tin cá nhân, đạo văn khi sử dụng AI, đe dọa đến công việc của người dạy, cũng như tốn kém chi phí của người dạy để cập nhật tính năng nâng cao của phiên bản mới, tạo nên sự lạm dụng và phụ thuộc vào công nghệ của người học lẫn người dạy.
Để đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, vai trò của con người, nhất là người dạy rất quan trọng. Trước hết, người dạy cần học cách sử dụng AI và ứng dụng hiệu quả vào giảng dạy để tạo hình ảnh tốt cho người học.
Thứ Hai, người dạy tự tin vào năng lực chuyên môn, tin tưởng vào khả năng tổ chức các hoạt động giảng dạy, ra quyết định của bản thân. Thứ Ba, người dạy cộng tác cùng AI trong các tính huống đồng giảng dạy bên cạnh đó thúc đẩy tương tác trực tiếp với người học với vai trò là người cố vấn, người đồng hành để hướng dẫn, kết nối với người học. Từ đó, người dạy truyền cảm hứng học tập, thấu cảm với người học, thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy phản biện của người học. Đây là điều AI không thể sao chép được.
Thứ Tư, người dạy cần thiết lập quy tắc và ranh giới cụ thể cho lớp học, đặt ra một quy tắc nghiêm ngặt về việc cấm sử dụng Internet trong bất kỳ hoạt động trực tiếp nào trong lớp và cho phép người học tự do suy nghĩ và sáng tạo bằng cách sử dụng kiến thức thu được từ các bài học trước. Tóm lại, AI không thể thay thế vai trò của người dạy, nó là công cụ hỗ trợ người dạy, người học trong quá trình học tập mà thôi.
Việt Nam có thể học hỏi những bài học kinh nghiệm gì từ các quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng AI vào giáo dục?
Tại Việt Nam, nhiều đơn vị đào tạo đã tiên phong tổ chức đa dạng các buổi sinh hoạt học thuật, tọa đàm chia sẻ về ứng dụng AI trong giáo dục. Nhiều chương trình tập huấn hay dự án hướng dẫn cho giáo viên, giảng viên sử dụng các ứng dụng này được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức kết hợp khác nhau. Những nghiên cứu về ứng dụng, tác động của Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục được tiến hành và trình bày tại các diễn đàn khoa học trong nước cũng như quốc tế.
Không ít bài viết, video, group cộng đồng học hỏi kinh nghiệm của các nhà giáo dục, nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số về áp dụng AI trong giáo dục được chia sẻ rất mạnh mẽ. Một số trường mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy với hình thức lồng ghép AI vào dạy học, thí điểm ứng dụng công nghệ trong thiết kế giảng dạy một số môn học. Điều đó cho thấy, mức độ quan tâm rất cao và nhạy bén ứng dụng hiệu quả AI vào giáo dục tại Việt Nam, bắt kịp với xu thế của toàn cầu.
Trước sự phát triển này, Việt Nam cần học hỏi các nước trên thế giới để đưa ra các hướng dẫn sử dụng AI trong giáo dục rõ ràng và cụ thể nhằm thúc đẩy một môi trường học tập an toàn và trung thực. Điển hình, cuối tháng 10/2022, Ủy ban Châu Âu EC đã công bố một bộ hướng dẫn đạo đức cho các giáo viên về việc sử dụng AI và dữ liệu trong giáo dục. Đây là hướng dẫn dành cho giáo viên tiểu học và trung học và có thể được sử dụng bởi các nhà giáo có ít hoặc không có kinh nghiệm về giáo dục kỹ thuật số.
Bộ Giáo dục Mỹ và Văn phòng Công nghệ Giáo dục cũng đã công bố hướng dẫn Trí tuệ nhân tạo và Tương lai của Dạy và Học, đưa ra các khuyến nghị cả từ thực tế và dựa trên chính sách. Theo đó, các cơ sở giáo dục không nên coi AI là sự thay thế cho giáo viên, giảng viên mà nên khai thác nó như một sự bổ sung và các công cụ có sẵn cho họ.
Tại Anh, Bộ Giáo dục Anh đã ra một tuyên bố về AI tạo sinh trong giáo dục. Thông điệp chính của nó là dù AI có thể giúp giảm bớt khối lượng công việc và cho phép nhà giáo tập trung phát triển chuyên môn, nhưng các cơ sở giáo dục cần thực hiện các bước để bảo vệ dữ liệu, người dạy và người học khỏi mặt trái của các công nghệ mới.
Nhật Bản đã trở thành quốc gia gần đây nhất công bố hướng dẫn mới về việc sử dụng AI trong trường phổ thông và trường đại học. Hướng dẫn này do Bộ Giáo dục ban hành theo đó, người học phải hiểu đầy đủ các đặc điểm của AI trước khi sử dụng. Và việc biến báo các báo cáo, bài luận hoặc các văn bản khác do AI tạo ra thành của mình được coi là hành vi không phù hợp. Ngoài ra, các quy định về liêm chính học thuật liên quan đến AI cũng cần được xem xét và cập nhật cho phù hợp với thực tiễn.
Không quá phụ thuộc vào AI
Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục để thúc đẩy ứng dụng AI trong giáo dục tại nước ta?
Với vai trò của một giảng viên, tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ triển khai đánh giá cụ thể và cân nhắc kỹ lưỡng, thảo luận với các bên liên quan để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của việc áp dụng AI trong giảng dạy và đánh giá học sinh, sinh viên.
Từ đó, thiết lập quy định rõ ràng và hợp lý, cung cấp hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách đúng đắn, áp dụng các biện pháp kiểm tra và giám sát phù hợp để phát hiện việc sử dụng không đúng cách. Mặt khác, cần nghiên cứu về quy trình giáo dục và nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên để có thể ứng dụng hiệu quả AI trong giáo dục.
Giáo viên sẽ cùng đồng hành học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực hành sử dụng các ứng dụng AI phù hợp cho từng đối tượng người học ở những cấp học khác nhau. Từ đó, gia tăng sự tự tin về kỹ năng số, mạnh dạn cải tiến từng tiết dạy, từng buổi học trong điều kiện phù hợp ở mỗi đơn vị.
Theo ông, học sinh, sinh viên cần trang bị các kỹ năng gì để có thể tự tin sống và làm việc trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào AI?
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự hội nhập nhanh giữa các quốc gia, học sinh – sinh viên cần có kỹ năng thích ứng trước nhiều sự thay đổi của thế giới. Các em cần tìm hiểu 16 kỹ năng mà người trẻ cần có trong thế kỷ 21 được nghiên cứu và đề xuất bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thông qua nghiên cứu New Vision for Education: Unlocking the Potential of Technology.
Với bộ kỹ năng trải đều từ học vấn nền tảng cho đến các năng lực và phẩm chất, các em có thể tự tin ứng dụng các kiến thức học thuật, vận dụng các kỹ năng mềm vào thực tế đời sống và công việc sau này, đồng thời mở rộng thế giới quan và có cái nhìn tích cực về cuộc sống, để từ đó thích ứng nhanh và thành công trong sự nghiệp và đời sống cá nhân.
Để không phụ thuộc vào công nghệ, các bạn trẻ nên nắm rõ các khái niệm cơ bản của AI, những hạn chế và tiềm năng của nó, cùng các quy định pháp lý liên quan để sử dụng AI an toàn, hiệu quả. Các em nên trang bị các kiến thức về công nghệ thông tin cơ bản; phát triển kỹ năng số để phục vụ học tập, làm việc; nâng cao “vaccine số” để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong thế giới kỹ thuật số.
Xin cảm ơn ông!
| Yêu cầu bậc tiểu học không quá 35 em/lớp Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp, đồng thời có ... |
| Thời gian dự kiến công bố điểm chuẩn đại học 2024 của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 17/8, ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến công bố vào ... |
| Tư tưởng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực ... |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và 'di sản niềm tin' Một trong những dấu ấn sâu đậm nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là thái độ kiên quyết chống tham nhũng, ... |