📞

Tin thế giới ngày 8/1: Nga sơ tán cư dân ở Belgorod, Trung Quốc tiết lộ vụ gián điệp liên quan tới Anh, Mỹ phóng tàu đổ bộ Mặt trăng sau 50 năm

Nhất Phong 20:06 | 08/01/2024
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Hoa Đông, Hàn Quốc phóng thêm 2 vệ tinh do thám quân sự, Mexico hủy, hoãn 200 chuyến bay sau sự cố, Ấn Độ triệu Cao ủy Maldives… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Mỹ phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng sau hơn 50 năm. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á- Thái Bình Dương

*Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Hoa Đông: Ngày 8/1, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật tại một số khu vực ở biển Hoa Đông từ 10h (9h theo giờ Hà Nội) đến 15h từ ngày 8-9/1.

Thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc nêu rõ không tàu thuyền nào được phép đi vào khu vực tập trận đã xác định. Trước đó, vào ngày 13/6/2023, Trung Quốc cũng đã triển khai các cuộc tập trận quân sự tương tự ở Biển Hoa Đông sau khi tàu chiến Mỹ và các đồng minh (Nhật Bản, Canada và Pháp) tiến hành cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận dọc bờ Biển Hoa Đông nhưng những cuộc tập trận gần Đài Loan (Trung Quốc) thường thu hút nhiều sự chú ý nhất. (Reuters)

*Hàn Quốc kêu gọi tăng cường ứng phó với UAV Triều Tiên: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik ngày 8/1 đã kêu gọi quân đội nước này tăng cường thế trận phòng thủ và khả năng chiến đấu trước các “mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng” do máy bay không người lái (UAV) gây ra.

Bộ Chỉ huy tác chiến UAV của Hàn Quốc được thành lập hồi tháng 9/2023 nhằm tăng cường các biện pháp đối phó và tăng cường năng lực chống UAV của nước này.

Bình Nhưỡng đã trình làng UAV giám sát và tấn công trong sự kiện triển lãm vũ khí và duyệt binh hồi tháng 7/2023, đồng thời tuyên bố sẽ chế tạo UAV mới tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII cuối năm 2023. (Yonhap)

*Ấn Độ triệu Cao ủy Maldives tại New Delhi để phản đối: Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 8/1 đã triệu Cao ủy Maldives Ibrahim Shaheeb để bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những bình luận mang tính xúc phạm của một số quan chức trong đảng cầm quyền ở đảo quốc này nhằm vào Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Những lo ngại trên cũng đã được Cao ủy Ấn Độ tại Male chuyển tới Bộ Ngoại giao Maldives hôm 7/1.

Động thái này diễn ra 1 ngày sau khi chính phủ Maldives đình chỉ chức vụ 3 thứ trưởng vì đã đăng tải lên mạng xã hội những bình luận xúc phạm Thủ tướng Ấn Độ. Trong tuyên bố, chính phủ Maldives cho rằng đây là những ý kiến cá nhân, không phản ánh quan điểm của chính quyền Male.

Những diễn biến trên cho thấy quan hệ giữa Ấn Độ-Maldives càng ngày càng xấu đi sau khi chính phủ do Tổng thống Mohamed Muizzu đứng đầu lên nắm quyền. (The India Times)

*Đánh bom xe cảnh sát ở Pakistan, nhiều người thương vong: Cảnh sát Pakistan cho biết ngày 8/1, ít nhất 5 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ nổ gần một xe cảnh sát ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Anwar ul Haq, quan chức quận Bajaur cho hay: "Một xe tải cảnh sát chở khoảng 25 cảnh sát làm nhiệm vụ chống bệnh bại liệt đã bị tấn công bởi IED (thiết bị nổ cải tiến)", khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương.

Vụ tấn công xảy ra ở Mamund thuộc quận Bajaur, giáp biên giới với Afghanistan, trong khu vực mà lực lượng dân quân đang gia tăng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul vào năm 2021. (THX)

*Tàu sân bay Mỹ thực hiện sứ mệnh hàng hải ở Biển Đông: Nhóm tấn công tàu sân bay 1 (CSG-1) của Mỹ, do Chuẩn đô đốc Carlos Sardiello chỉ huy, hiện đang thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải ở Biển Đông. Nhóm này bao gồm tàu sân bay CVN 70, Phi đội bay 2, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Princeton và Đội khu trục hạm số 1, nhấn mạnh sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực và tầm quan trọng của việc sử dụng an toàn và hợp pháp các lực lượng hàng hải chung.

Biển Đông là một khu vực quan trọng, tạo thuận lợi cho thương mại trị giá gần 4 nghìn tỷ USD và là nơi có ngư trường phong phú. Do đó, các hoạt động của CSG-1 có ý nghĩa to lớn đối với an ninh và thương mại khu vực và quốc tế. (Straits Times)

*Indonesia đề xuất một thỏa thuận tạm thời ở Biển Đông: Ba ứng cử viên tổng thống Indonesia đã tranh luận về chủ đề Biển Đông, vai trò của khối ASEAN trong việc giữ hòa bình trên biển và các vấn đề khác về quốc phòng, chính sách đối ngoại và đạo đức trong cuộc tranh luận lần thứ ba vào ngày 7/1.

Về căng thẳng ở Biển Đông, cựu Thống đốc Trung Java, ông Ganjar Pranowo cho biết cần phải thúc đẩy một thỏa thuận tạm thời giữa các bên liên quan để tránh xung đột leo thang. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải thúc đẩy điều này và coi đây là sáng kiến của mình, để có thể ngăn chặn những hậu quả mà chúng ta không mong muốn".

Trong khi đó, tại cuộc tranh luận mới nhất, ứng cử viên, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, nhấn mạnh căng thẳng ở Biển Đông cho thấy tầm quan trọng của Indonesia, dù không trực tiếp tham gia, phải có một hệ thống phòng thủ quốc gia vững mạnh.

Đây là cuộc tranh luận thứ ba trong số năm cuộc tranh luận dự kiến cho cuộc bầu cử tổng thống Indonesia vào ngày 14/2, trong đó có hơn 204 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu. (AFP)

*Hàn Quốc phóng thêm 2 vệ tinh do thám quân sự: Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc ngày 8/1 thông báo nước này có kế hoạch phóng thêm hai vệ tinh do thám quân sự trong năm 2024 nhằm theo dõi hiệu quả hơn Triều Tiên - động thái có thể làm nóng cuộc chạy đua không gian vũ trụ liên Triều.

Theo DAPA, hai vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) dự kiến sẽ được phóng trên tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở Florida lần lượt vào tháng 4 và tháng 11. Thông báo của Hàn Quốc được đưa ra vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng thêm 3 vệ tinh do thám trong năm nay. (Youhap)

*Trung Quốc tiết lộ vụ gián điệp liên quan tới Anh: Trung Quốc cho biết các cơ quan an ninh nước này đã phát hiện một vụ gián điệp, trong đó Cơ quan tình báo Anh (MI6), sử dụng một người nước ngoài ở Trung Quốc để thu thập bí mật và thông tin.

Bộ An ninh Trung Quốc ngày 8/1 tiết lộ trên tài khoản mạng xã hội WeChat rằng một người nước ngoài, chỉ được xác định họ Huang, phụ trách một cơ quan tư vấn ở nước ngoài và vào năm 2015, MI6 đã thiết lập “mối quan hệ hợp tác tình báo” với người này. Sau đó, M16 đã chỉ thị cho Huang vào Trung Quốc nhiều lần và hướng dẫn anh ta sử dụng danh tính công khai của mình làm vỏ bọc để thu thập thông tin tình báo liên quan đến Trung Quốc cho hoạt động gián điệp của Anh.

Trong khi đó, chính phủ Anh cáo buộc gián điệp Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào các quan chức của họ ở những vị trí nhạy cảm trong chính trị, quốc phòng và kinh doanh như một phần của hoạt động gián điệp ngày càng tinh vi nhằm tiếp cận các bí mật. (Reuters)

Châu Âu

*Nga diễn tập bắn súng ở Biển Đen: Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/1 thông báo các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen đã thực hiện diễn tập bắn súng ngày đêm trong nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đen. Bộ trên cho hay: "Một biệt đội tàu chiến của Hạm đội Biển Đen đã hoàn thành cuộc tập trận với việc bắn vũ khí hữu cơ cả ngày lẫn đêm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đen và bảo vệ các tàu dân sự trên các tuyến đường vận chuyển thương mại chuyên sâu trước các mối đe dọa từ Ukraine".

Các thủy thủ đoàn của đội tàu tuần tra đã thực hành ứng phó khi phát hiện máy bay không người lái của đối phương ở giai đoạn đầu của cuộc tập trận. Hành động tiêu diệt xuồng không người lái được thực hành ở giai đoạn 2. (TASS)

*Ukraine không có “kế hoạch B” nếu EU trì hoãn hỗ trợ: Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thừa nhận nước này không có kế hoạch dự phòng trong trường hợp Liên minh châu Âu(EU) không hỗ trợ tài chính kịp thời cho Kiev. Ông Kuleba cũng cho biết Ukraine sẽ khai thác tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ tái thiết sau xung đột.

Theo Ngoại trưởng Kuleba, “Theo ước tính của chúng tôi, tổng số tài sản (của Nga) bị phong tỏa đáp ứng được hơn 80% nhu cầu phục hồi của chúng tôi”.

EU đang nỗ lực đạt được thỏa thuận về khoản hỗ trợ quân sự trị giá 21,9 tỷ USD dành cho Ukraine và dự định đưa thêm 50 tỷ Euro vào ngân sách khối để cung cấp hỗ trợ tài chính vĩ mô cho Kiev trong 4 năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên, chủ yếu là từ Hungary. (Sputniknews)

*Nga sơ tán hàng trăm cư dân ở thành phố Belgorod: Thị trưởng thành phố Belgorod của Nga, ông Vyacheslav Gladkov cho biết ngày 8/1, chính quyền Nga đã sơ tán khoảng 300 cư dân thành phố giáp giới Ukraine do các cuộc không kích của Kiev.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ngacho biết các hệ thống phòng không đã đánh chặn tên lửa S-200 của Ukraine trên khu vực Belgorod. Bộ này ra thông cáo cho hay: "Một nỗ lực tấn công của Kiev nhằm vào các cơ sở trên lãnh thổ Liên bang Nga bằng cách sử dụng tên lửa phòng không S-200 được tái trang bị để tấn công mục tiêu mặt đất đã bị ngăn chặn vào ngày 8/1”. (TASS)

Trung Đông – châu Phi

*WHO hủy kế hoạch vận chuyển thuốc tới Gaza: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận các nhân viên của cơ quan này đã buộc phải hủy bỏ chuyến đi đầu tiên tới Bệnh viện Al-Awda ở miền Bắc Gaza do những vấn đề an ninh.

Tuyên bố của WHO trên mạng xã hội X có đoạn: “WHO đã hủy bỏ nhiệm vụ được lên kế hoạch tới Bệnh viện Al-Awda và kho thuốc trung tâm ở miền Bắc Gaza lần thứ 4 kể từ ngày 26/12/2023 vì chúng tôi không nhận được những đảm bảo hạ nhiệt xung đột và an toàn. Theo kế hoạch, nhiệm vụ này nhằm mục đích chuyển gấp nguồn cung y tế thiết yếu để duy trì các hoạt động của 5 bệnh viện ở miền Bắc, trong đó có Bệnh viện Al-Awda”. (TASS)

*Hàng trăm người thương vong trong cuộc tấn công mới nhất vào Gaza: Ngày 8/1, Bộ Y tế Dải Gaza cho biết 73 người Palestine thiệt mạng và 99 người bị thương trong các cuộc oanh kích của Israel vào Dải Gaza trong vòng 24 giờ qua.

Trong khi đó cùng ngày, theo quân đội Israel thông báo, họ đã ném bom một kho vũ khí và phát hiện một đường hầm tại một khu vực trung tâm do Hamas quản lý. (Reuters)

*Israel điều tra tại sao Hamas lại có “vũ khí của Trung Quốc”: Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 7/1 công bố đã phát hiện các tay súng Hamas ở Dải Gaza sử dụng súng trường tấn công và súng phóng lựu do Trung Quốc sản xuất.

Báo cáo điều tra do IDF công bố ngày 7/1 cho biết họ đã phát hiện một kho vũ khí của Hamas, bao gồm các hộp đạn cho súng M16, kính ngắm cho súng bắn tỉa và các đài phát sóng, thiết bị nghe lén… Những vũ khí và thiết bị này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà điều tra của Israel cũng cho rằng, phát hiện này không có nghĩa là Trung Quốc đã cung cấp vũ khí cho phong trào Hamas. Thực tế, Trung Quốc có quan hệ quốc phòng với nhiều quốc gia và đặt một số nhà máy sản xuất vũ khí ở nước ngoài. Nhà chức trách Israel cũng đang cố gắng tìm hiểu tại sao số vũ khí của Trung Quốc lại rơi vào tay Hamas. (Hindustan Times)

Châu Mỹ

*Mỹ phóng tàu đổ bộ Mặt trăng sau hơn 50 năm: Ngày 8/1, Mỹ đã phóng tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh đáp xuống bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm. Hoạt động lần này do một doanh nghiệp tư nhân đảm nhận.

Theo đó, một tên lửa hoàn toàn mới Vulcan Centaur do United Launch Alliance chế tạo đã được phóng đi từ Trạm Vũ trụ ở mũi Canaveral vào khoảng 2h18 sáng theo giờ Mỹ (14h18 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Tên lửa mang theo tàu đổ bộ Peregrine của công ty tư nhân Astrobotic Technology vào vũ trụ và dự kiến tàu đổ bộ này sẽ đáp xuống Mặt trăngvào giữa tháng 2 tới.

Lần gần đây nhất Mỹ thực hiện sứ mệnh đáp xuống Mặt trăng là vào tháng 12/1972, trong đó các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt trong sứ mệnh tàu Apollo 17 trở thành người thứ 11 và 12 đi bộ trên Mặt trăng. Hiện NASA đặt kỳ vọng vào chương trình Artemis đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng trong vòng vài năm tới, trước mắt là sứ mệnh phóng tàu vũ trụ chở 4 phi hành gia bay quanh Mặt trăng vào cuối năm nay. (AFP)

*Mexico hoãn, hủy 200 chuyến bay sau sự cố máy bay Boeing bị bung cánh: Hãng hàng không lớn nhất Mexico Aeroméxico cho biết trong ngày 7/1 đã có 62 chuyến bay của hãng này bị hủy cùng 90 chuyến bay khác bị chậm giờ cất cánh, sau khi Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ban hành lệnh đình chỉ bay đối với tất cả các máy bay Boeing 737 MAX 9 do một máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) bị bung cửa sổ và phải hạ cánh khẩn cấp.

Trong khi đó, theo chuyên trang theo dõi các chuyến bay FlightAware, trong ngày 7/1, Mexico ghi nhận tổng cộng 160 chuyến bay bị chậm giờ và 64 chuyến bay bị hủy, đa số đều liên quan đến Boeing 737 MAX 9. Trước đó, hàng loạt hãng hàng không trên thế giới đã đình chỉ hoạt động của Boeing 737 MAX 9 để kiểm tra theo yêu cầu của FAA, trong đó có Alaska Airlines, United Airlines cùng của Mỹ và Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)