TIN LIÊN QUAN | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 17/3 | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 16/3 |
Quân đội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khử trùng tại Hà Nội. |
Kiểm soát đại dịch: Một lĩnh vực hợp tác quốc phòng mới trong ASEAN?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tại Đông Nam Á, phần lớn các quốc gia trong khu vực đã xác nhận có những ca nhiễm virus corona. Tuy nhiên, với tình hình lây lan khó lường của dịch Covid-19, điều đó có nghĩa các nước còn lại trong ASEAN có thể sớm muộn cũng ghi nhận những ca nhiễm mới và bất cứ quốc gia ASEAN nào cũng có thể bùng phát nhanh chóng như một số nơi khác.
Trong khi nhiệm vụ giảm dịch bệnh phần lớn nằm trên vai của các cơ quan y tế, tuy nhiên các ngành quốc phòng tại ASEAN hiện cũng có một phần trách nhiệm trong việc kiểm soát dịch Covid-19 ở lãnh thổ quốc gia của mình, đặc biệt khi dịch bệnh leo thang và áp đảo các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Đó cũng là một phần lý do vì sao, ngày 19/2 vừa qua, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 đã nêu vấn đề dịch Covid-19 tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và kêu gọi sự hợp tác từ người đứng đầu Bộ Quốc phòng các nước ASEAN.
Quân đội không chỉ có sẵn y bác sĩ và thiết bị y tế, mà còn được trang bị khả năng phòng thủ hóa học, sinh học và phóng xạ, có nghĩa là họ có thể hỗ trợ ngành y tế trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Và đương nhiên, hỗ trợ có nghĩa là một khi ngành y tế bị quá tải, thì sự giúp sức của quân đội là hết sức quan trọng.
Sự khẩn cấp do đại dịch gây ra có nghĩa là quân đội của các nước ASEAN nên sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự leo thang nào của đại dịch trong biên giới của họ, hoặc hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để phát triển ứng phó khu vực. Trong tương lai, điều này có thể đặt nền tảng cho sự hợp tác quốc phòng ASEAN về kiểm soát đại dịch.
(The Diplomat)
WHO: Các nước Đông Nam Á cần mạnh tay hành động để ngăn chặn dịch Covid-19
Ngày 17/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia phân theo khu vực Đông-Nam Á của WHO (bao gồm Bangladesh, Bhutan, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Maldives, Myanmar, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, Timor Leste) thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc khu vực Đông-Nam Á của WHO nhấn mạnh: “Tình hình đang diễn biến nhanh chóng. Chúng ta phải tăng cường ngay lập tức mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang lây nhiễm cho nhiều người hơn”.
Theo WHO, 8/11 quốc gia khu vực Đông-Nam Á của WHO - bao gồm Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Bangladesh, Nepal và Bhutan - đã xác nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Bà Poonam cho biết đã phát hiện nhiều ổ dịch trong khu vực. Dù là dấu hiệu cảnh báo nhằm giám sát hiệu quả, song điều này cho thấy sự cần thiết phải có nỗ lực mạnh mẽ và nhanh chóng hơn của toàn xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Việt Nam được WHO xếp vào nhóm nước thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương, gồm 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
(AP)
Đông Nam Á mang đến những cơ hội hấp dẫn cho ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. |
Thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á thiếu đồng nhất
Các nền kinh tế năng động của Đông Nam Á mang đến những cơ hội hấp dẫn cho ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. ASEAN là quê hương của một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines. Những quốc gia này được hưởng lợi nhiều hơn từ việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng và dân số trẻ, am hiểu công nghệ.
Trong một báo cáo gần đây, Google và Temasek dự báo thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á sẽ tăng gần gấp đôi giá trị lên 102 tỷ USD vào năm 2025 từ 23 tỷ USD vào năm 2018.
Với suy nghĩ này, các công ty thương mại điện tử lớn nhất châu Á, cũng như Amazon, đều đang cạnh tranh quyết liệt giành thị phần tại các nền kinh tế lớn của ASEAN. Lazada thuộc sở hữu của Alibaba và Shopee có trụ sở tại Singapore là một trong những công ty thương mại điện tử mạnh nhất trong khu vực, nhưng họ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh, bao gồm Zalora và Carousell của Singapore, Tokopedia của Indonesia và Bukalapak, OLX Indonesia, Amazon và JD.com của Trung Quốc.
Việc thiếu một hệ sinh thái thống nhất kết hợp mua sắm trực tuyến và ví điện tử khiến thị trường bị chia cắt. Không một nước nào ở Đông Nam Á có được hệ sinh thái như mối quan hệ đối tác của eBay với Paypal hoặc Alibaba với Alipay.
Toàn bộ khu vực ASEAN đang hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng mỗi quốc gia có những ưu đãi khác nhau. Tỷ lệ thâm nhập thẻ tín dụng rất cao ở Singapore và Malaysia, trong khi ví kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia, nhưng tỷ lệ thâm nhập nói chung vẫn còn thấp.
Về lâu dài, việc hợp nhất thị trường thương mại điện tử ở các quốc gia Đông Nam Á có thể mang đến cơ hội xây dựng hệ sinh thái toàn diện hơn liên kết các nền tảng mua sắm trực tuyến với ví điện tử. Ví dụ, nếu Lazada trở thành nền tảng thương mại điện tử thống trị ở Philippines và ví tiền GCash được Alibaba hậu thuẫn là lựa chọn thanh toán đi kèm ưa thích, thì Alibaba thực sự sẽ trở thành công ty thương mại điện tử hàng đầu tại quốc gia đó.
(The Paypers)
Đông Nam Á cần đặt niềm tin vào AI
Theo một cuộc thăm dò trực tuyến của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) được thực hiện giữa các chuyên gia kinh doanh từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy gần 70% số doanh nghiệp được hỏi đồng ý rằng có những rào cản đáng kể trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của các doanh nghiệp, trong đó có sự thiếu tin tưởng của công chúng vào các công nghệ AI.
Cuộc thăm dò cho thấy có 3 lý do chính cho việc thiếu niềm tin này. 28% doanh nghiệp được hỏi trích dẫn mối lo ngại của công chúng về sự thiếu minh bạch trong cách AI xử lý dữ liệu riêng tư, 24% trích dẫn các vấn đề sai lệch công khai và 22,6% nêu ra khó khăn liên quan đến việc giải thích công nghệ AI phức tạp cho công chúng.
Theo ông Gavin Seewooruttun, Trưởng nhóm tư vấn phân tích và AI của EY châu Á-Thái Bình Dương, đây là xu hướng chung của các cuộc khảo sát khác trên toàn thế giới, chứ không riêng tại Đông Nam Á. Việc duy trì tính minh bạch có thể gây khó khăn cho các tổ chức khi họ cố gắng tìm hiểu các yêu cầu tập thể về dữ liệu và báo cáo một cách có ý nghĩa về những điều này.
Tuy nhiên, việc đặt niềm tin vào AI sẽ có tác động rất lớn đến ASEAN và phần còn lại của châu Á-Thái Bình Dương. Theo ước tính toàn cầu của Gartner từ năm 2019, các công nghệ AI có thể đóng góp thêm 2,9 nghìn tỷ USD vào chuỗi giá trị doanh nghiệp toàn thế giới vào năm 2021. Với việc châu Á chiếm 65% tổng số bằng sáng chế AI trên thế giới (theo số liệu năm 2018), các nền kinh tế châu Á sẽ đạt được đáng kể từ AI trong tương lai gần.
(ASEAN Today)
| Covid-19 ở Đông Nam Á: Malaysia ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên, Philippines tuyên bố 'thảm họa quốc gia' TGVN. Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á, khi Malaysia ghi nhận 2 ca tử ... |
| Việt Nam đang tham vấn các nước ASEAN và đối tác về khả năng chưa tổ chức Hội nghị Cấp cao vào tháng 4/2020 TGVN. Ngày 17/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi phóng viên về việc tổ chức Hội nghị ... |
| ASEAN-Nga nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực TGVN. Ngày 13/3 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta, Ủy ban hợp tác chung ASEAN-Nga (ARJCC) đã tổ chức cuộc ... |