📞

Tính dân tộc của truyện dân gian

07:30 | 11/06/2017
Năm 2007, ở Thư viện Quốc gia có tổ chức lễ ra mắt tập Truyện kể dân gian Na Uy tiếng Việt với sự hiện diện của Đại sứ Na Uy. Điều này rất có ý nghĩa vào thời điểm ta “hội nhập”, đồng thời cho thấy các bạn Na Uy trân trọng và đánh giá cao truyện dân gian của mình biết bao!  

Vì đa số người dự là trẻ em nên chỉ coi tập sách là giải trí cho thiếu nhi, không có trao đổi về ý nghĩa của truyện dân gian đối với dân tộc, lịch sử và văn học Na Uy. Thực ra, với bất cứ dân tộc nào, nhất là đối với các dân tộc cần tự khẳng định mình, đấu tranh cho độc lập, các truyện cổ tích, truyện dân gian, có vai trò hết sức quan trọng, cũng như văn hóa dân gian nói chung.

Văn hóa dân gian (Folklore) ở các nước độc lập đã lâu như ở châu Âu, rơi vào lĩnh vực du lịch hay nghiên cứu, không còn tác động sâu sắc như ở các nước thế giới thứ ba. Từ sau Thế chiến II, phong trào phi thực dân hóa lan tràn khắp thế giới thúc đẩy sự phát triển của công cuộc nghiên cứu văn hóa dân gian. Sự đóng góp của các nhà nghiên cứu bản địa (thuộc địa cũ) rất phong phú và “cái nhìn dân tộc” của họ đẩy lui những quan niệm châu Âu (Eurocentrism) của các nhà nghiên cứu phương Tây trước đó. Ở châu Phi và châu Á, các nhà trí thức trở về với văn học truyền khẩu. Ở Việt Nam, chỉ từ Cách mạng 1945 mới xuất hiện việc nghiên cứu có hệ thống (và do chính quyền chủ trương) văn hóa, văn học dân gian trong đó có truyện cổ tích và và dân gian. Điều này cũng dễ hiểu vì nó đáp ứng nhu cầu khẳng định lại bản sắc dân tộc phần nào bị lu mờ do 80 năm Pháp đô hộ ta. Văn hóa dân gian có sức mạnh bền bỉ vì nó phản ánh tư duy tình cảm của làng xã cổ truyền, nơi đại đa số nhân dân tồn tại và gìn giữ phần lớn các công trình và tác phẩm nghệ thuật của dân tộc. Nó là tấm gương phản ánh bản sắc dân tộc.

Thực ra khoa Folklore ra đời do nhiều nguyên nhân: nhu cầu “thoát ly” khỏi hiện tại, hoài cổ, thèm cái xa lạ (exotic), tò mò khoa học, nghiên cứu văn học nghệ thuật, thậm chí có cả chính sách thực dân thường gắn với truyền bá đạo Kitô. Nhưng chắc chắn một yếu tố quan trọng là việc đánh giá lại di sản văn hóa dân tộc thường đi cùng với sự giác ngộ về quyền dân tộc tự quyết. Ví dụ như ở các nước vùng Balkan và Ireland, sự phục hồi văn hóa dân gian và ngôn ngữ là một động cơ thúc đẩy những thay đổi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Cũng do động lực ấy mà môn Folklore học đã xuất hiện, đi tiên phong là hai học giả - nhà văn Đức vào đầu thế kỷ XIX. Hai ông trong trào lưu lãng mạn Đức trở về nguồn, sưu tầm và đề cao truyện dân gian và dân ca để thức tỉnh ý thức dân tộc Đức bị suy giảm do sự tan vỡ của khối cộng đồng Đức cổ xưa và do sự chiếm  đóng của Pháp thời hoàng đế Napoleon I.

Tập Truyện cổ Grimm (1812) trong trào lưu lãng mạn đã thức tỉnh ý thức dân tộc ở Đức mà cũng làm gương cho nhiều nhà văn thuộc nhiều dân tộc khác ở Trung và Bắc Âu, trong đó có Na Uy. Sau thời Trung cổ huy hoàng, vương quốc Na Uy tan rã và trở thành đất của Đan Mạch trong bốn thế kỷ, bản sắc dân tộc bị phai mờ. Đến năm 1814, một tướng của Napoleone I trở thành vua của Thụy Điển và cả Na Uy. Trong sự gán ghép ấy, Na Uy tương đối có quyền tự chủ, nhưng mãi đến năm 1905 mới thực sự được độc lập. Vào đầu những năm 1840, ở Na Uy (thuộc Đan Mạch) có hai tầng lớp xã hội khác hẳn nhau về vị trí, chính trị, ngôn ngữ và văn hóa. Tầng lớp nông dân và tầng lớp thượng lưu (quan chức và sĩ quan).

Một nhóm nhà ngôn ngữ học và văn hóa có tinh thần dân tộc muốn khôi phục lại kho tàng văn hóa dân gian của ông cha. Những truyện dân gian vẫn tồn tại do truyền khẩu trong nhân dân. Giới thượng lưu và đa số người có học cho đó chỉ là những truyện tầm phào, không đáng coi là văn chương. Truyện cổ Grimm đã đóng góp vai trò đánh bại nhận thức ấy. Và ở Na Uy, Asbjoersen Ersen và Moe đã bỏ công đi sưu tầm và viết lại bộ Truyện kể dân gian Na Uy (1845) được Jacob Grimm đánh giá cao. Tiếng Na Uy thành thị thấm nhuần phong ngữ Đan Mạch. Làm thế nào chuyển tải vào văn học những câu chuyện kể bằng các thổ ngữ Na Uy? Hai tác giả không ngần ngại sử dụng ngôn từ nông dân, vốn bị coi là quê mùa, và họ đã thành công.

Đất nước Na Uy ở tít tận Bắc Âu giá lạnh, có nhiều nơi cô liêu, có những vịnh biển hẹp (fjord), những thác nước gầm, những cánh rừng âm u, núi cao chót vót, tạo nên khung cảnh cho những truyện huyền thoại và ly kỳ mà người nông dân gìn giữ qua nhiều thế hệ. Các truyện vừa huyền ảo, vừa hiện thực, đôi khi đượm màu hài hước, kể về các lực lượng thiên nhiên, động vật, cuộc sống nông dân. Thường thì thần thoại Bắc Âu chung cho các dân tộc Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Băng Đảo, chung cho các dân tộc người German cùng gốc ngôn ngữ Ấn – Âu. Đó là chú bé cời than bên bếp lửa (nhỏ yếu mà quyết tâm, can trường, giữ ngọn lửa sống) nhất là các Troll (yêu ma thô kệch hình gấu, ở rừng núi và cả miền xuôi, đại diện cho thiên nhiên, bàn tay, bàn chân chỉ có bốn ngón, người lông lá, gieo tai họa nhưng có khi tốt bụng, to xác mà ngu đần). Troll là hiện thân của núi rừng Na Uy, ở nơi sâu thẳm tiềm thức dân tộc, vừa dễ sợ, vừa có phần dễ thương.