📞

Tình hình Belarus: Giao trứng cho người, hiểm họa khó đoán

Phan Quân 09:00 | 20/08/2020
TGVN. Sự can dự của Nga và Liên minh châu Âu (EU) vào tình hình chính trị nội bộ của Belarus có thể khiến bất ổn tại quốc gia Đông Âu vượt tầm kiểm soát. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Bà Svetlana Tikhanovsky và đương kim Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Nguồn: Telegraph)

Cuộc đối đầu giữa hai nhân vật chính trị hàng đầu đang khiến tình hình Belarus bế tắc.

Một bên là ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya. Không chấp nhận thất trong cuộc bầu cử vừa qua khi tỷ lệ phiếu bầu chỉ vỏn vẹn 10,12%, bà đã kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình vào cuối tuần, ngày 10/8, trước khi sang nước láng giềng Lithuania lánh nạn. Theo bà, nếu các phiếu bầu được kiểm đúng cách, bà đã giành được sự ủng hộ từ 60 – 70%. Tuy nhiên, chừng đó áp lực rõ ràng là chưa đủ để khiến chính trị gia với 26 năm cầm quyền Alexander Lukashenko chùn bước.

Bên còn lại không ai khác ngoài đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko. Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi với 80,1% số phiếu, song ông đã chẳng thể vui mừng được lâu: Các cuộc biểu tình nổ ra với sự tham dự của hơn 100.000 người, quy mô lớn chưa từng thấy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, đã tạo ra áp lực chưa từng có và buộc ông phải tìm cách xoay sở.

Khác nhau là vậy, song cả hai nhân vật đều mong muốn giải quyết vấn đề thông qua sự trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự lựa chọn này có thể để lại nhiều hệ quả khôn lường và dù kẻ chiến thắng là ai, người thất bại luôn là nhân dân Belarus.

Giao trứng cho người

Cụ thể, bà Tikhanovskaya đã tuyên bố thành lập Hội đồng Phối hợp để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao, yêu cầu các chính phủ nước ngoài “giúp đỡ tổ chức đối thoại với các nhà cầm quyền Belarus”. Theo bà, các nhà chức trách phải thả tất cả những người đã bắt giữ, rút lực lượng an ninh khỏi đường phố, điều tra người ra lệnh trấn áp và tổ chức bầu cử một khi ông Lukashenko từ chức.

Tiếng nói của bà đã được Liên minh châu Âu (EU) lắng nghe. Ngày 14/8, các bộ trưởng EU đã nhất trí đưa ra danh sách những đối tượng ở Belarus phải chịu các vòng trừng phạt mới. Ngày 17/8, Đức ủng hộ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt dành cho các dối tượng chỉ huy chiến dịch trấn áp người biểu tình.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp mặt trực tuyến về Belarus sáng ngày 19/8 (giờ GMT). Cuộc họp sẽ xem xét khả năng thiết lập quỹ giúp đỡ người bị trấn áp, tài trợ dự án tăng cường đa nguyên truyền thông, cải cách lực lượng cảnh sát, mở rộng trao đổi sinh viên và tạo điều kiện để người lao động Belarus tiếp cận với thị trường lao động khối.

Song những kịch bàn này chỉ xày ra một khi ông Lukashenko từ bỏ quyền lực, điều hiện tại khó có thể xảy ra khi ông đang nhận được sự hỗ trợ của Nga. Dù bất đồng Nga – Belarus còn đó và tình hình chính trị tại quốc gia Đông Âu tiếp tục bất ổn, song Moscow vẫn lựa chọn ủng hộ người đứng đầu Minsk. Chỉ trong vòng 4 ngày, hai nguyên thủ quốc gia đã điện đàm tới 3 lần.

Quan trọng hơn, trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó, ông Putin khẳng định Nga không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Belarus. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ thảo luận với Nga về Belarus khi thích hợp, cho rằng các cuộc biểu tình tại đây phần lớn diễn ra ôn hòa.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Nguồn: TASS)

Hiểm nguy rình rập

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham dự tích cực của các thế lực bên ngoài vào tình hình nội bộ của Belarus có thể để lại hậu quả khôn lường.

Đầu tiên, quốc gia này có thể trở thành “chiến trường” nơi Nga và EU, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối đầu. Sau cuộc điện đàm, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhất trí rằng Belarus cần phải thể hiện sự tôn trọng đầy đủ đối với các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận và biểu tình hòa bình. Đồng thời, NATO cần duy trì cảnh giác và phòng thủ nghiêm ngặt, sẵn sàng đối mặt và ngăn chặn mọi hành động chống phá.

Ngay sau đó, phát biểu ngày 18/8, Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định đã điều các đơn vị vũ trang tới biên giới phía Tây nhằm đáp lại tuyên bố của nước ngoài về tình hình nội bộ Belarus. Ngày 16/8, điện đàm với người đồng cấp Belarus, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga “sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết”, thậm chí thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) từ thời Liên Xô, dù điều này chỉ xảy ra trong trường hợp có “các mối đe dọa quân sự từ bên ngoài”.

Thứ hai, dù ông Lukashenko hay bà Tikhanovskaya ca khúc khải hoàn, niềm vui sẽ không kéo dài và Belarus sẽ sớm đối mặt nguy cơ bị chia rẽ. Trong trường hợp bà Tikhanovskaya chiến thắng, thách thức đến từ phe ủng hộ ông Lukashenko và Nga sẽ khiến người không có kinh nghiệm chính trị như bà gặp khó. Ngược lại, dù có sống sót sau cơn bão, quyền lực của ông Lukashenko sẽ suy yếu nghiêm trọng, trong khi phải vượt lực cản từ phe đối lập, phương Tây, tránh “lực hút” từ Nga.

Buồn thay, trong tất cả các kịch bản này, người thất bại vẫn luôn là người dân Belarus. Tuyên bố các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được thông qua tại Nghị quyết 2625 (XXX) năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định các dân tộc đều có quyền tự do quyết định chế độ chính trị mà không có sự can thiệp từ bên ngoài và các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy việc hiện thực hóa quyền này. Tương lai của Belarus cần và phải được định đoạt bởi người Belarus; các thế lực bên ngoài, dù là Nga, Mỹ hay EU cần tôn trọng và thúc đẩy quyền, nguyện vọng đó.