Armenia và Azerbaijan xảy ra một cuộc xung đột kéo dài 6 tuần ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020. Tình hình biên giới hai nước hiện đang 'nóng' trở lại. (Nguồn: AFP) |
Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Armenia do Thủ tướng Nikol Pashinyan chủ trì, cơ quan báo chí Hội đồng Bộ trưởng nước này cho biết, Yerevan sẽ đề nghị Moscow giúp đỡ do tình hình đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở biên giới với Azerbaijan.
“Trong cuộc họp, Nội các đã thảo luận những biện pháp tiếp theo để đối phó với hành động gây hấn bắt đầu vào lúc nửa đêm của Azerbaijan nhằm vào vùng lãnh thổ có chủ quyền của Armenia. Cộng hòa Armenia đã quyết định chính thức đề nghị Liên bang Nga thực hiện các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và tương trợ lẫn nhau, cũng như kiến nghị lên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, thông báo nêu rõ.
Trước đó, Armenia tuyên bố, quân đội Azerbaijan vào đêm 12/9 rạng sáng 13/9 đã nã pháo vào lãnh thổ nước này. Bộ Quốc phòng Armenia đã ghi nhận tình trạng thương vong.
Về phần mình, Baku cũng cáo buộc quân đội Armenia nổ súng vào các vị trí đóng quân của Azerbaijan ở biên giới, hai bên xảy ra đụng độ. Phía Azerbaijan cũng xác nhận tổn thất về người.
Thủ tướng Pashinyan đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thông Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về tình hình biên giới Armenia-Azerbaijan.
Mâu thuẫn Armenia và Azerbaijan nảy sinh kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô viết, chủ yếu vì vùng Nagorno-Karabakh, khu vực nằm trong Azerbaijan nhưng có phần lớn dân số là người Armenia.
Các cuộc đụng độ vào sáng 13/9 là bước leo thang căng thẳng chính giữa hai quốc gia nói trên.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Azerbaijan tấn công Nagorno-Karabakh sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2020 và yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn khu vực này. Vụ việc khiến Nga, quốc gia bảo lãnh cho thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên, lên án.