📞

Tình hình Nga-Ukraine: Kiev đến châu Âu tìm 'thần dược chữa bách bệnh', Moscow 'sốt sắng' dựa vào Tehran

Vy Anh 16:55 | 17/05/2023
Cả Nga và Ukraine đều đang cho thấy đã cạn kiệt vũ khí, điều đó được thể hiện qua những nỗ lực tìm kiếm nguồn cung của Tổng thống Zelensky trong chuyến công du châu Âu và những thỏa thuận UAV giữa Moscow-Tehran.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp quân đội Ukraine đang được huấn luyện chỉ huy xe tăng Challenger 2 tại một cơ sở quân sự ở Lulworth, Dorset (Anh). (Nguồn: Andrew Matthews/PA)

Chuyến đi "chất lượng"

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến thăm bất ngờ đến Anh, Pháp, Đức và các đồng minh châu Âu để tìm kiếm viện trợ thêm vũ khí trong cuộc xung đột với Nga. Trong khi đó, Moscow được cho là cũng đang rơi vào tình trạng thiếu vũ khí và đang phải tìm nguồn cung từ Iran.

Tổng thống Zelensky trong chuyến thăm Anh ngày 15/5 đã nhận được cam kết cung cấp thêm hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV), nhưng không thuyết phục được London cung cấp máy bay chiến đấu khi Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa Xuân được dự đoán từ lâu, nhằm giành lại lãnh thổ mà Nga chiếm giữ.

Văn phòng của Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 15/5 tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine thêm hàng trăm tên lửa phòng không và các UAV tấn công tầm xa với tầm hoạt động hơn 200 km, bổ sung cho các tên lửa tầm xa Storm Shadow.

Phương Tây cho đến nay vẫn chưa cung cấp máy bay phản lực tiên tiến để giúp Ukraine làm chủ bầu trời trong cuộc xung đột với Nga, mặc dù Thủ tướng Sunak cho biết, Anh sẵn sàng mở một trường dạy bay để đào tạo phi công của Kiev.

Trước khi đến Anh, tại Pháp và Đức, Tổng thống Zelensky đã nhận được các gói viện trợ quân sự khổng lồ mới. Pháp cho biết sẽ cung cấp thêm hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép, trong khi Đức cho biết họ đang chuẩn bị gói quân sự mới, lớn nhất từ trước đến nay, trị giá 3 tỷ USD dành cho Ukraine.

Động thái mới từ Moscow

Phản ứng trước động thái mới của Anh, Nga cho biết vũ khí mới được Anh cam kết cung cấp cho Ukraine sẽ chỉ gây ra “sự hủy diệt hơn nữa”.

Nhà Trắng ngày 15/5 cho biết Nga đang tìm mua thêm UAV tấn công tiên tiến hơn và “có khả năng sát thương cao hơn” từ Iran sau khi đã sử dụng gần hết 400 chiếc UAV được Tehran chuyển giao trước đó.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết, “Iran tiếp tục cung cấp cho Nga các UAV tấn công. Từ tháng 8/2022, Iran đã cung cấp cho Nga hơn 400 UAV chủ yếu thuộc loại ‘Shahed’. Nga đã sử dụng hầu hết các UAV này để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng bên trong Ukraine. Bằng cách cung cấp cho Nga những UAV này, Iran đã trực tiếp tạo điều kiện cho xung đột của Nga ở Ukraine”.

Trong nhiều tháng gần đây có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy hợp tác quân sự Moscow-Tehran có thể diễn ra theo cả 2 hướng. Iran đang tìm cách mua thêm thiết bị quân sự từ Nga, gồm máy bay trực thăng tấn công, radar và máy bay huấn luyện chiến đấu YAK-130.

Tháng trước, Iran tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga. Trước đó, Nhà Trắng cũng cho biết, Nga và Iran đang xem xét khởi động dây chuyền lắp ráp UAV ở Nga để sử dụng ở Ukraine.

Các nhận định mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden sẽ tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, nơi Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo của một số nền kinh tế lớn nhất thế giới thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt đối với Moscow.

Yếu tố thay đổi cục diện?

Ngày 11/5, Anh xác nhận nước này “đã hoặc đang chuyển” cho Ukraine các tên lửa Storm Shadow. Đây là loại tên lửa hành trình tàng hình không đối đất, phóng từ máy bay, do công ty Matra của Pháp và British Aerospace của Anh hợp tác phát triển, có giá khoảng 2 triệu bảng Anh.

Các máy bay có thể trang bị Storm Shadow gồm Tornado, Mirage 2000, Rafale, Eurofighter Typhoon và Saab Gripen, được coi là giải pháp thay thế hợp lý cho F-16. Tại Pháp, loại tên lửa này cũng được hiệu chỉnh để phóng từ tàu chiến và tàu ngầm Barracuda.

Báo The Drive cho biết, Storm Shadow có tầm bắn 560 km và 250 km đối với phiên bản xuất khẩu. Với phiên bản 250 km, Ukraine về lý thuyết có thể “nối dài cánh tay” đến các khu vực như Voronezh và Rostov-on-Don mà không cần rời khỏi không phận Ukraine. Và với phiên bản 560 km, Kiev có thể tấn công đến tận Moscow và Volgograd. Thời gian bay khoảng 40 phút.

Storm Shadow sẽ mở rộng khả năng hoạt động của quân đội Ukraine.

Yuriy Sak, Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết: “Chúng tôi cần những tên lửa này để giảm khả năng tấn công của đối thủ bằng cách phá hủy kho đạn dược, sở chỉ huy và chuỗi cung ứng của họ”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thừa nhận Storm Shadow thua kém đáng kể so với tên lửa Kinzhal và thậm chí Kalibr của Nga. Ngoài ra còn có vấn đề với thiết bị mang phóng tên lửa. Có thể đây là lý do khiến London giải thích cho sự chậm trễ trong việc chuyển giao.

Cũng theo tờ The Drive, MiG-29 và Su-25 là các máy bay phổ biến nhất ở Ukraine nhưng khó có khả năng mang Storm Shadow.

Mỗi quả tên lửa này nặng khoảng 1.300 kg, trong khi tải trọng chiến đấu của MiG-29 là hơn 2.000 kg một chút, còn của Su-25 “Gracha” là gần 4.400 kg, nhưng có giá treo tên lửa tối đa chỉ 500 kg. Các ứng viên phù hợp hơn là Su-27 và Su-24, nhưng Ukraine chỉ có 26 và 12 chiếc loại này và chưa rõ con số còn hoạt động.

Trước thực tế trên, Storm Shadow không thể là “thần dược chữa bách bệnh” và làm thay đổi hoàn toàn tình hình xung đột.

Anh là một trong những nguồn cảm hứng chính về viện trợ quân sự cho Kiev. Nếu quy ra tiền, viện trợ của Anh là 6,6 tỷ Euro không thể so sánh với 43,2 tỷ Euro từ Mỹ, nhưng vẫn nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác.

Nhưng quan trọng nhất là London đã trở thành đầu tàu về vũ khí cung cấp cho Ukraine. Anh là một trong những nước đầu tiên gửi hệ thống chống tăng tới Kiev vào năm ngoái. Xe tăng Challenger 2 cũng được công bố lần đầu vào tháng 1, qua đó thúc giục Đức và Mỹ cung cấp Abrams và Leopard của họ cho Ukraine.

(theo AP, AFP)