📞

Tình yêu từ mạch nguồn truyền thống

15:08 | 19/12/2014
Thầy giáo dạy văn hồi trung học của tôi sinh ra tại Hà Tĩnh, làm việc ở Nghệ An. Thời đó, nhiều lúc, trong các buổi bình giảng truyện Kiều hay một áng cổ văn nào đó, thầy thường tự hào nhắc đến người con trai tên là An Tĩnh đang du học ở Đức.
Ông Lê Doãn Thăng, Đại diện Quỹ công đức từ thiện Lê - Phạm giới thiệu cuốn sách “An Tĩnh cổ lục” tái bản 2014.

Có lẽ, khi đó học sinh của thầy chỉ hiểu đơn thuần cái tên An Tĩnh là sự kết hợp thường tình các địa danh mà các bậc sinh thành vẫn lựa chọn khi đặt tên cho con. Vậy nên, khi cầm trên tay cuốn sách An-Tĩnh cổ lục (Ghi chép lại những chuyện xưa ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh) xuất bản lần đầu tiên từ năm 1936 của nhà giáo người Pháp Hippolyte Le Breton dạy ở Trường Quốc học Vinh thời kỳ đầu thế kỷ 20, tôi ngộ ra rằng mỗi tên đất, tên xứ đều gắn với mạch nguồn truyền thống của cha ông, hiểu được tình quyến cố quê nhà của người thầy dạy văn của tôi. Cạnh đó, niềm tôn kính quá khứ cũng là một thông điệp mà Le Breton nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách, rằng "cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên" hoặc chính các trò của ông nghiệm ra từ các buổi học hay du lãm cho thấy "con đường của sự tiến bộ đi giữa các ngôi mộ".

Đọc qua từng trang trong An -Tĩnh cổ lục, người đọc dễ bị xâm chiếm bởi cái cảm giác ngạc nhiên và cả áy náy về sự hờ hững từng có về miền đất Đàng Trong này. Cũng dễ hiểu khi những địa danh có vẻ quen thuộc như xứ Diễn Châu, núi Hồng Lĩnh, núi Đại Huệ, làng Tiên Điền cho đến những cái tên đầy cổ xưa như đền Chiêu Trưng, làng Thần Đầu, núi Bàu Đột… đều chứa đựng cái hồn, cái cảnh, cái tình người trong đó. Không phải ai khác mà chính một người đến từ Âu châu xa xôi đã đưa ra những lý giải sâu sắc về nguồn gốc của các thung lũng và đầm phá, về vai trò của những dãy núi và các vách đá, về những miền đất cao được khai khẩn, về gốc tích của các tấm bia, những điện thờ… do các quan thượng thư, các thi nhân, các thân hào, binh lính, tù binh,… dựng lên.

Để có được cuốn sách "sáng giá" và giành được nhiều thiện cảm này, Le Breton đã có nhiều chuyến đi nghiên cứu thực địa, say mê quan sát địa hình, mô tả các thung lũng và các dòng chảy, thu thập dữ liệu, thăm thú đền thờ và giải mã những tấm bia. Không những thế, ông còn lắng nghe những già làng đáng kính kể những truyền thuyết và sử thi, tư liệu của những học giả Việt Nam để rồi đem chúng đối chiếu với các nguồn sử biên niên của triều đình và cổ sử Việt Nam. Là tuyệt tác chuyên khảo lịch sử, cuốn sách kết hợp những phương pháp khảo cứu biên soạn đa dạng dựa trên tri thức của nhiều bộ môn, nhiều tài liệu liên quan. Cuốn sách còn có 120 tấm ảnh chụp các di tích danh thắng xứ Nghệ vào những năm 1920 - 1930, được trình bày chiếm gần trọn nửa dung lượng các trang sách, với những chú giải chi tiết đưa đến lượng thông tin đồ sộ cho người đọc.

Điều đặc biệt có thể nhận ra từ nhiều trang sách trong An-Tĩnh cổ lục , Le Breton có ý không đồng tình với nhiều nhà sử học không đặt đúng vai trò quan trọng của Nghệ Tĩnh trong trường kỳ đấu tranh của dân tộc. Ông chỉ ra những con đường hành quân, những vị trí chiến lược và những nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử đất nước. Nhiều lần ông đã khẳng định trực tiếp rằng đất An-Tĩnh chẳng những là đất có nhiều truyền kỳ, mà còn là đất nổi tiếng trong lịch sử, "không có tỉnh nào đã đóng vai trò lớn hơn trong lịch sử của nước Đại Việt (hay Nam Việt), ít nhất là cho đến thế kỷ thứ 15, như đất An-Tĩnh".

Với tâm niệm "vì hiểu nên mới yêu và càng yêu thì càng hiểu hơn", Le Breton, một người bạn của dân xứ Nghệ, chứ không phải là một công chức, học giả thực dân, đã dồn tâm sức của mình vào cuốn sách, không chỉ vì yêu những cây xà chạm trổ tinh vi của các ngôi đền cổ và những dấu vết vinh quang của những thành trì, đô thị xưa. Với Le Breton, cuốn sách còn là sự bổ khuyết cho sự giáo dục của các học trò, rằng "muốn mạnh thì phải tự hiểu mình", hiểu từ nơi chính mình sinh ra. Người thầy giáo Pháp còn có một gợi ý mà có lẽ đến nay vẫn là một điều đáng cho các nhà giáo dục suy ngẫm, rằng nên dùng lịch sử địa phương để dạy lịch sử dân tộc vì chủ nghĩa địa phương là một loại tình cảm, một sợi dây liên lạc tự nhiên giữa số đông những người cảm thấy họ là chủ nhân chung của một cảnh vật, một lâu đài, một miếu mạo, một tổ tiên… "Nếu như học sinh được học kỹ hơn để yêu tỉnh mình nhiều hơn, thì chắc chi họ còn ra Thủ đô để tìm kiếm việc làm".

Với Le Breton, làm cho đứa trẻ tiếp xúc với môi trường trong đó tổ tiên đã từng sống và chính đứa trẻ sẽ phải sống là chuẩn bị cho con người ấy bước vào đời một cách chu đáo.

An Tĩnh cổ lục, nguyên văn tiếng Pháp là "Le vieux An Tinh” lần đầu tiên được xuất bản năm 1936 bằng tiếng Pháp, sau này được Nhà xuất bản Thế giới và Viện Nghiên cứu viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam in thành sách năm 2001. Trong lần tái bản năm 2014, cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu Chương Thâu, Phan Trọng Báu hiệu đính bản dịch của Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú, được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành.

MAI THẢO