📞

Tòa bác bỏ kiến nghị trả tự do cho cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn

11:19 | 06/04/2019
Ông này bị cáo buộc gian lận tài chính, bị bắt giam 3 tháng và được tại ngoại hôm 6/3 vừa qua sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 1 tỷ Yen (tương đương 9 triệu USD).

Ngày 5/4, một tòa án ở Nhật Bản đã chấp thuận đề nghị của các công tố viên về việc giam giữ cựu Chủ tịch hãng sản xuất ôtô Nissan của Nhật Bản, ông Carlos Ghosn, trong thời gian 10 ngày để thẩm vấn, sau khi bác kiến nghị của luật sư cho ông Ghosn đòi trả tự do cho ông này.

Tòa án quận Tokyo cho biết, đã chấp thuận đề nghị của các công tố viên về việc giam giữ ông Ghosn đến ngày 14/4.

Trước đó, sáng 4/4, ông Ghosn đã bị bắt trở lại sau một thời gian được tại ngoại.

Hiện các công tố viên đang điều tra về một cáo buộc mới nhằm vào nhân vật uy tín một thời của ngành sản xuất ôtô thế giới, liên quan tới số tiền 5 triệu USD được gửi từ một chi nhánh của hãng Nissan (một đại lý phân phối ở Oman) tới một công ty do ông Ghosn điều hành. Ông luôn khẳng định mình vô tội.

Theo luật pháp Nhật Bản, các công tố viên có thể yêu cầu tòa án kéo dài thời gian giam giữ thêm 10 ngày nữa, trước khi họ phải đưa ra các cáo buộc chính thức đối với nghi phạm hoặc phải thả nghi phạm ra.

Một màn hình tivi thông tin về vụ Carlos Ghosn tại Tokyo. (Nguồn: time.com)

Ông Carlos Ghosn (mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Lebanon) là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và 2 hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản.

Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút, sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.

Ông bị cáo buộc gian lận tài chính, bị bắt giam 3 tháng và được tại ngoại hôm 6/3 vừa qua sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 1 tỷ yen (tương đương 9 triệu USD).

Hiện ông đã bị bãi nhiệm tất cả các chức chủ tịch trong cả 3 hãng sản xuất xe nói trên.

Giới phân tích nhận định, vụ bê bối đã làm chao đảo ngành sản xuất ôtô, đồng thời phơi bày những rạn nứt trong liên minh 3 thành viên, đặc biệt giữa Nissan và Renault.

(theo Nikkei)