Đã có một số bài viết trên một số báo (Tiền Phong, Lao động…) nêu các ý kiến về việc cần giữ lại tòa nhà Pháp cổ, trước đây có tên là “Ấu trĩ viên” cho Cung thiếu nhi vì nó gắn liền với một nơi vui chơi, đào tạo năng khiếu của thiếu niên, nhi đồng Hà Nội qua nhiều thế hệ. Những ý kiến đó đều đúng nhưng chưa đầy đủ về ý nghĩa quan trọng của tòa nhà đó với vai trò là một di tích lịch sử cách mạng của thành phố Hà Nội, đặc biệt là gắn với Hồ Chủ tịch và lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam.
Ấu trĩ viên. |
Theo quyết định của Hội nghị Postdam, Đức, giữa các nước đồng minh chiến thắng chủ nghĩa phát xít Hít-le (cuối tháng 7 đầu tháng 8/1945), quân đội Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) vào giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra phía Bắc Việt Nam, quân đội Anh vào giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào phía Nam Việt Nam. Núp bóng quân đội Anh, quân đội Pháp cũng đổ bộ vào Sài Gòn và nổ súng bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược lại nửa phía Nam nước ta từ ngày 23/9/1945.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đứng trước tình thế vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Nam Việt Nam, vừa phải đối phó với 18 vạn quân Tưởng Giới Thạch, công khai ra mặt ủng hộ các thế lực phản động chống cộng điên cuồng là Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) và Việt Nam Cách mạng đảng (Việt cách).
Bằng sách lược chính trị khôn khéo, Đảng Cộng sản Đông Dương, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước phân hóa, cô lập các lực lượng phản động thân Tưởng và giới chỉ huy quân đội Tưởng ở miền Bắc Việt Nam (lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, dành 70 ghế trong Quốc hội Việt Nam không qua bầu cử cho hai đảng phản động Việt quốc và Việt cách…).
Ở phía Nam, sau khi vấp phải sự chống trả kiên cường, mạnh mẽ của nhân dân và quân đội Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, quân đội Pháp phải tạm dừng mở rộng chiến tranh, chờ quân tiếp viện và tìm cách đưa quân ra Bắc Việt Nam mà không vấp phải sự đánh trả của quân dân Việt Nam. Đặc biệt khi đó phía Pháp cũng rất lo ngại phải đụng độ với lực lượng đông đảo của quân Tưởng đang có mặt ở miền Bắc theo quy định của Hiệp định Postdam 1945.
Từ cuối 1945 và đầu 1946, Hồ Chủ tịch và Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Đông Dương Jean Sainteny đã bắt đầu các cuộc trao đổi về quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp. Ngày 28/2/1946, đại diện Chính phủ Pháp và chính phủ Tưởng Giới Thạch ký Thỏa thuận Trùng Khánh, theo đó chính phủ Tưởng đồng ý cho quân đội Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng giải giáp quân đội phát xít Nhật bại trận để đổi lấy việc phía Pháp có những nhân nhượng quan trọng về các tô giới của Pháp ở Trung Quốc và về kinh tế ở Bắc Việt Nam.
Đứng trước tình hình hai kẻ thù của cách mạng Việt Nam đã thỏa thuận trên lưng nhân dân ta, Hồ Chủ tịch và Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã có quyết định rất sáng suốt và tài tình là đồng ý ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 giữa Việt Nam - Pháp, biến thỏa thuận của 2 bên Pháp, Tưởng thành thỏa thuận 3 bên Việt Nam, Pháp, Tưởng, cho phép 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam (và sẽ phải rút ra toàn bộ sau 5 năm) thay thế 18 vạn quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật.
Lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. |
Theo Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, nước Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do (chưa đòi độc lập hoàn toàn ngay), nằm trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp, có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Vấn đề thống nhất Việt Nam sẽ được giải quyết thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Hai bên sẽ sớm tiếp tục đàm phán chính thức về tương lai quan hệ hai nước.
Việc Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký kết đã tránh cho Chính phủ và nhân dân ta nguy cơ lớn phải một lúc đương đầu với hai thế lực xâm lược, chống cộng, nhanh chóng gạt 18 vạn quân Tưởng và bè lũ tay sai Việt quốc, Việt cách ra khỏi Việt Nam, tranh thủ thời gian quý báu củng cố, xây dựng lực lượng cách mạng cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, giảm bớt sức ép quân sự của quân Pháp đối với lực lượng kháng chiến ta ở miền Nam, và làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong nội bộ giới chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.
Ảnh chụp sau khi Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký kết |
Hiệp định sơ bộ Việt Nam – Pháp được Hồ Chủ tịch và Jean Sainteny đại diện chính phủ Pháp ký chính thức ngày 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội (chính là tòa biệt thự cổ kiểu Pháp nằm trong khuôn viên Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội hiện nay). Tòa nhà này cùng với Nhà 12 Ngô Quyền (Bắc Bộ Phủ), nơi Bác Hồ và Chính phủ ta làm việc ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công và cũng là trụ sở đầu tiên của Bộ Ngoại giao tạo nên một quần thể di tích cách mạng, di tích ngoại giao Việt Nam rất đáng được giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo xứng đáng.