📞

Toàn cảnh cuộc họp báo chung Việt Nam – Hoa Kỳ

16:53 | 23/05/2016
Chiều 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo chung giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Cuộc hội đàm bổ ích, nhiều kết quả

Mở đầu cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chào mừng Tổng thống Obama và đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam.

Chủ tịch nước cho biết, hai bên đã có cuộc hội đàm bổ ích về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Cụ thể, hai bên đã trao đổi việc thực hiện tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tháng 7/2013 và tuyên bố về tầm nhìn khu vực Việt Nam – Hoa Kỳ tháng 7/2015 của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chào mừng Tổng thống Obama và đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam. (Ảnh: Minh Châu)

“Chúng tôi nhất trí đánh giá quan hệ hai nước thời gian qua đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Hai bên cam kết thực hiện các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung nhất trí tăng cường quan hệ đối tác toàn diện theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn. Hai bên nhất trí lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước. Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã đạt được một số kết quả và thỏa thuận quan trọng về kinh tế, thương mại, y tế, nhân đạo, giáo dục đào tạo, thực thi pháp luật, tư pháp, giao lưu nhân dân...

Hai bên nhất trí sẽ ưu tiên cao hơn việc giải quyết hậu quả chiến tranh và cam kết tiếp tục hợp tác tích cực trong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hai nước kết thúc thành công dự án tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng. Chủ tịch nước bày tỏ đánh giá cao quyết định của Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi về phương hướng của quan hệ hai nước thời gian tới và các biện pháp nhằm đưa hợp tác đi vào chiều sâu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và ưu tiên trong hợp tác phát triển, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên khẳng định nỗ lực sớm thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Minh Châu)

Về các vấn đề khu vực và thế giới, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Đặc biệt, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

“Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi nước mà còn góp phần tăng cường quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”, Chủ tịch nước bày tỏ.

Cảm ơn thiện chí và những đóng góp quan trọng của cá nhân Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, bạn bè và nhân dân Hoa Kỳ cho quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ song phương, Chủ tịch nước hy vọng rằng Tổng thống Hoa Kỳ Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam thành công với nhiều kỷ niệm tốt đẹp về đất nước, con người, văn hóa và lòng mến khách của nhân dân Việt Nam.

Mang lời chào hữu nghị của Hoa Kỳ tới Việt Nam

Tổng thống Obama cho biết, trải qua hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ - Việt Nam đã có được một mối quan hệ ở tầm cao mới. Hiện nay hai nước đang thúc đẩy mối quan hệ gần gũi, sâu sắc hơn.

Vui mừng tới thăm Việt Nam, Tổng thống Obama nói rằng, ông mang tới Việt Nam lời chào hữu nghị, hợp tác của người dân Hoa Kỳ. Thông điệp gửi tới Việt Nam là: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại khu vực, tin tưởng người dân khu vực phải được sống trong hòa bình, thịnh vượng.

Theo Tổng thống Obama, việc thúc đẩy hiệp định TPP mà hai nước là thành viên cũng góp phần giúp hai bên xích lại gần nhau. (Ảnh: Minh Châu)

Ông Obama cho rằng thời gian qua, quan hệ hai bên đã đạt được những tiến triển tuyệt vời. Trao đổi thương mại tăng 10 lần, xuất khẩu tăng 150%, trong khuôn khổ Quỹ Fulbright có hàng trăm học sinh Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ và tham gia Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), giao lưu nhân dân hai bên cũng được tăng cường…

Theo Tổng thống Obama, việc thúc đẩy hiệp định TPP góp phần giúp hai bên xích lại gần nhau, đồng thời giúp Việt Nam tăng trưởng, hội nhập nhiều hơn vào khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, hai bên còn có những tiến triển trong hợp tác ứng phó thách thức toàn cầu như chống khủng bố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Ông bày tỏ vui mừng trước việc Đại học Fulbright được chính thức cấp phép, hay Hiệp định khung vừa được ký kết cho phép thành viên Đội Hòa bình dạy tiếng Anh tại Việt Nam; hoan nghênh Việt Nam cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Hoa Kỳ trong một năm và nhiều lần…

Ông cũng cho biết hai bên đã ký nhiều hiệp định hợp tác kinh tế trị giá hàng tỷ USD (Hãng Boeing bán 100 máy bay cho Vietjet Air và Tập đoàn GE ký thỏa thuận hợp tác phát riển năng lượng gió).

Trong lĩnh vực an ninh, Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để giải quyết hậu quả chiến tranh. Ông cảm ơn Việt Nam vì trong nhiều năm qua đã hợp tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh; mong muốn Việt Nam tiếp tục nỗ lực này; cam kết giúp Việt Nam rà phá vật liệu bom mìn chưa phát nổ, thực hiện dự án tẩy độc dioxin ở Biên Hòa sau thành công của dự án tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng.

Về quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Tổng thống Obama cho rằng quyết định này cho thấy quan hệ hai nước đã được “bình thường hóa hoàn toàn”.

Ông Obama cảm ơn Việt Nam vì trong nhiều năm qua đã hợp tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh. (Ảnh: Minh Châu)

Nhấn mạnh Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam và các nước khác để xóa bỏ hết tàn dư của Chiến tranh Lạnh, vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực, Tổng thống Obama cho biết, Hoa Kỳ ủng hộ một trật tự khu vực trong đó đề cao các chuẩn mực quốc tế, và tự do, an toàn hàng hải, hàng không không bị cản trở.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử tàu, máy bay tới bất kỳ khu vực nào được luật pháp quốc tế cho phép”, Tổng thống Obama nói.

Ông khẳng định Hoa Kỳ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác, ủng hộ Việt Nam vững mạnh, độc lập và bảo vệ quyền con người. Mỹ mong muốn duy trì đối thoại về nhân quyền với Việt Nam trên tinh thần đối thoại hợp tác.

Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

“Vui mừng thăm Việt Nam, tôi tin tưởng người dân Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời điểm quan trọng này. Cùng hợp tác hai bên sẽ đạt được sự thịnh vượng”, Tổng thống Obama nói.

Trong phần hỏi – đáp với các phóng viên báo chí, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Obama nhận nhiều câu hỏi liên quan đến tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, vấn đề duy trì hòa bình trên Biển Đông, phê chuẩn và thực thi Hiệp định TPP…

Những bước tiến nổi bật

Trả lời câu hỏi về những bước tiến nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định rằng sau hơn hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Về chính trị ngoại giao, Việt Nam – Hoa Kỳ đã từ những cựu thù trở thành đối tác toàn diện. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã có những chuyến thăm chính thức lẫn nhau. Hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương. Hai bên cũng chia sẻ ngày càng nhiều những lợi ích và các mối quan tâm chung, đặc biệt liên quan đến việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama trong lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch.

Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 130 lần, lên 44,5 tỷ USD vào năm 2015. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 ở Việt Nam. Và Việt Nam cũng hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong tương lai. Quan hệ kinh tế song phương còn có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là sau khi Hiệp định TPP đi vào thực thi.

Bên cạnh đó, hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước cũng đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng. Đặc biệt, Đại học Fulbright cũng đã được cấp phép và chính thức thành lập. Số du học sinh Việt tại Hoa Kỳ đã tăng 56 lần với con số 28.000 du học sinh, đứng đầu trong ASEAN.

Hợp tác quốc phòng an ninh cũng đang trên đà phát triển phù hợp với yêu cầu của mỗi nước. Trong khi đó, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ngày càng thực chất hơn. Hai nước vừa hoàn tất giai đoạn một quá trình tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng và tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn hai ở nhiều điểm, trong đó có sân bay Biên Hòa.

Cùng những bước tiến quan trọng song phương, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm tại các diễn đàn quốc tế. Những bước tiến triển nêu trên bắt nguồn từ thực tế hai bên ngày càng chia sẻ nhiều quan tâm, lợi ích chung và nghiêm túc thực hiện cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và lợi ích chính đáng của nhau.

“Chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama sẽ tạo thêm động lực mới cho sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”, Chủ tịch nước nói.

Bình thường hóa quan hệ hoàn toàn

Trả lời câu hỏi về tuyên bố mới nhất liên quan đến việc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam có phải để giúp Việt Nam tăng cường năng lực đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, Tổng thống Obama nhấn mạnh, quyết định trên được đưa ra không phụ thuộc yếu tố Trung Quốc, mà xuất phát từ tiến triển trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Tiến trình này dựa trên sự “can đảm” của mỗi bên, và cả hai đã trải qua cuộc đối thoại khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Quang cảnh cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. (Ảnh: Quang Hòa)

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, ông đánh giá cao nỗ lực của các nghị sĩ trong việc thúc đẩy đối thoại với Việt Nam.

Ông Obama cũng cho rằng, thời gian qua, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở nên ngày càng sâu sắc và mở rộng hơn. “Chúng tôi ấn tượng trước những việc mà hai bên đã cùng làm trong nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh-quốc phòng, giao lưu nhân dân… Rõ ràng đã đến lúc không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa”, Tổng thống Obama nói.

Ông cho biết, Hoa Kỳ đã rất cân nhắc khi đi đến quyết định này. “Chúng tôi không muốn lệnh cấm sẽ là một nhân tố gây chia rẽ giữa hai nước chúng ta, vì cả hai đã nỗ lực xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực vực an ninh quốc phòng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau”.

Tổng thống Obama cho biết thêm, phía Hoa Kỳ đã cử nhiều tàu hải quân tới cảng Việt Nam và muốn làm sâu sắc hơn quan hệ trong lĩnh vực này với Việt Nam. “Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với chính phủ Việt Nam và trong quá trình hợp tác này, chúng tôi sẽ luôn tôn trọng chủ quyền Việt Nam” – Tổng thống Obama cam kết.

Ông Obama cũng cho rằng, thời gian qua, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở nên ngày càng sâu sắc và mở rộng hơn. (Ảnh: Phạm Duy Thành)

Theo ông Obama, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã chấp nhận lời mời của ông tới Hội nghị Sunnyland để thảo luận vấn đề an ninh hàng hải tại hội nghị có một ý nghĩa quan trọng.

Về tình hình Biển Đông, ông Obama nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ không ủng hộ một bên tranh chấp nào nhưng cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế. 

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử tàu đến các vùng biển mà luật pháp cho phép. Hợp tác của chúng tôi với Việt Nam sẽ giúp cải thiện phần nào về năng lực quốc phòng của các bạn. Quyết định dỡ bỏ vũ khí sẽ giúp bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước” – Tổng thống Obama nói.

Trả lời câu hỏi trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama đã đến thăm hơn 50 quốc gia, và Việt Nam là điểm cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Tổng thống Obama chia sẻ: “Tôi muốn đi thăm Việt Nam sớm hơn, nhưng Hoa Kỳ có câu: ‘Dành những điều tốt đẹp nhất cho lần cuối cùng’”. Ông bày tỏ hy vọng sau khi rời nhiệm sở sẽ quay lại thăm Việt Nam để thưởng thức ẩm thực, văn hóa Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh thăm Việt Nam lần này vì Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Trước đây vài thế hệ, hai nước là cựu thù nhưng giờ là những người bạn đang nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hơn nữa dựa trên hiểu biết, tôn trọng, vì lợi ích nhân dân hai nước. Việt Nam đang phát triển năng động, có tốc độ  tăng trưởng ấn tượng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực trẻ, năng động đầy tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh nên Hoa Kỳ mong muốn là một phần của khu vực, muốn đẩy mạnh hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn được thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và ASEAN để cùng nhau ứng phó với thách thức toàn cầu: biến đổi khí hậu, xây dựng một cấu trúc trong khu vực”, Tổng thống Obama khẳng định.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy Hiệp định TPP

Trả lời câu hỏi liệu TPP có sớm được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua không, Tổng thống Obama nói bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng trải qua đau đớn và những lời chỉ trích, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra bầu cử Tổng thống, vấn đề càng phức tạp. Tuy nhiên ông Obama cho rằng, TPP là một hiệp định tốt cho Hoa Kỳ, khu vực và thế giới nên nó sẽ sớm thành hiện thực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác song phương. (Ảnh Quang Hòa)

Tổng thống Obama cho rằng, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là thị trường lớn của Mỹ, tất cả các quốc gia ở khu vực này đều xuất khẩu sang Mỹ. Nhiều người than phiền về hậu quả của các hiệp định thương mại, nhưng “chúng ta muốn mức lương tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động và bảo vệ môi trường nên chúng ta có niềm tin để thúc đẩy Hiệp định này”. 

Ông cho biết chưa có lập luận nào phản đối TPP thuyết phục được ông và bày tỏ tin tưởng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua TPP.

"Chính trị lúc nào cũng ồn ào, phức tạp, như khi chúng tôi đàm phán Hiệp định thương mại tự do (BTA) với các nước. Quá trình phê duyệt hiệp định luôn có lúc lên xuống thất thường. Đó là giá trị mà chúng ta có thể phản bác lập luận cho rằng TPP sẽ đem lại nhiều bất lợi. TPP sẽ tạo ra một khuôn khổ buộc các nước không phá giá tiền tệ, tuân thủ chính sách giám sát tiền tệ quốc tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia về thương mại và tiền tệ” – Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Nói thêm về TPP, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, Hiệp định là nỗ lực của 12 quốc gia thành viên, không riêng quốc gia nào. Việt Nam coi Hiệp định là một thỏa thuận liên kết kinh tế thương mại có ý nghĩa quan trọng, góp phần duy trì sự năng động, vai trò đầu tàu của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực. Với Việt Nam,  việc ký kết TPP cũng là bước triển khai hội nhập sâu rộng toàn diện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn hiệp định này và sẽ thực hiện các cam kết đã thống nhất trong hiệp định.