Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Học viện Ngoại giao Bangladesh

Chu Văn
Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Học viện Ngoại giao Bangladesh.
Theo dõi Baoquocte.vn trên

Chiều tối 21/9, theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bangladesh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Học viện Ngoại giao Bangladesh về “Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Bangladesh: Cùng nhau phấn đấu vì tương lai tươi sáng và thịnh vượng của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”. Sau đây là toàn văn bài phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Nguồn: TTXVN)

"Trong chuyến thăm chính thức theo lời mời của bà Chủ tịch Quốc hội Bangladesh, hôm nay tôi vui mừng được trao đổi với quý vị tại Học viện Ngoại giao Bangladesh, tòa nhà mang ý nghĩa lịch sử - nơi Ngài Sheikh Mujibur Rahman, người sáng lập ra quốc gia Bangladesh hiện đại, đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng đối với vận mệnh và sự phát triển của đất nước.

Đây cũng là “cái nôi” đào tạo những chính trị gia và nhà ngoại giao hàng đầu của Banglades, và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, tình đoàn kết và hữu nghị giữa các quốc gia, các dân tộc ở khu vực và trên toàn cầu.

Thưa Quý vị và các bạn, Bangladesh và Việt Nam chia sẻ nhiều nét lịch sử tương đồng. Cả hai nước đều trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng chia sẻ những tư tưởng lớn về độc lập dân tộc, tự do, bình đẳng, bác ái, tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế. Phải chăng đó chính là những giá trị vững bền nhân văn làm chúng ta luôn gần bên nhau hôm nay và mai sau.

Cha già dân tộc Bangladesh Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman đã đề ra khẩu hiệu “Muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc và không kết thù chuốc oán với ai” (Friendship to all, malice towards none). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần tuyên bố, Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; “Chính sách ngoại giao của chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”. Những tư tưởng lớn gần nhau, tầm nhìn vượt thời gian của hai vị lãnh tụ tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước coi là nền tảng của chính sách đối ngoại cho đến ngày nay.

Hai nước chúng ta cũng được Mẹ Thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi sông hùng vĩ, biển cả mênh mông. Đối với nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, các tác phẩm của nhà thơ lỗi lạc Rabindranath Tagore như “Mây và Sóng”, “Tâm tình hiến dâng” là những tác phẩm quen thuộc trong giáo trình Ngữ văn. Còn bạn bè quốc tế yêu mến đất nước Việt Nam, chắc hẳn không còn xa lạ với tác phẩm Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du.

Thưa Quý vị và các bạn, bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng và khó lường, với nhiều chuyển biến sâu sắc, chưa từng có tiền lệ, tạo ra một bức tranh đan xen nhiều mảng sáng-tối. Điều đáng mừng là hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, là nguyện vọng thiết tha của mọi người dân tiến bộ trên toàn thế giới. Kinh tế thế giới có những phát triển vượt bậc nhờ những tiến bộ vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0, đang mở ra nhiều cơ hội mới cho cả những nước đi sau thực hiện giấc mơ phát triển thịnh vượng quốc gia và hướng tới khát vọng về một thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vừa qua, tôi đã nhấn mạnh thêm rằng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, trong điều kiện bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, không có bất cứ quốc gia nào dù lớn đến đâu có thể tự mình giải quyết những vấn đề có tính chất toàn cầu, và ngược lại, những quốc gia dù nhỏ và nghèo hơn thì vẫn có thể tìm thấy cơ hội để phát triển. Tôi cho rằng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai không đơn thuần chỉ là đường kéo dài của quá khứ. Đó chính là cơ hội và cũng là tiền đề hợp tác cho những nước đang phát triển như Việt Nam và Bangladesh.

Nhưng cùng với đó, căng thẳng địa chính trị, địa chiến lược ngày càng gay gắt, xung đột cục bộ vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, các thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nguồn nước đang gây ra những mất mát không kể xiết đối với cuộc sống của người dân, đe dọa, thậm chí kéo lùi những thành tựu phát triển của nhân loại đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua.

Như lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhận định: “Hơn 30% số Mục tiêu phát triển bền vững SDGs (của Liên hợp quốc) đã bị đình trệ hoặc đảo ngược”, nạn đói đã quay lại mức của 2005. Toàn cầu hóa cùng những chuẩn mực giá trị, thể chế và quan niệm đã bén rễ trong đời sống quốc tế hàng chục năm qua, như chủ nghĩa đa phương, thượng tôn pháp luật đang bị thách thức nghiêm trọng bởi trào lưu bảo hộ thương mại, chính trị cường quyền, xu thế chạy đua vũ trang, vi phạm luật pháp quốc tế...

Thưa Quý vị và các bạn, không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại bộc lộ rõ như ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là nơi hội tụ hầu hết những động lực của sự thay đổi cũng như chịu nhiều tác động đang diễn ra trên thế giới, đồng thời đây cũng là không gian an ninh và phát triển mà Việt Nam và Bangladesh đang cùng nhau chia sẻ.

100 năm trước, phần lớn khu vực này vẫn chìm đắm trong màn đêm chiến tranh, thuộc địa và sự lạc hậu. Ít ai có thể tưởng tượng là một thế kỷ sau, châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lại vươn lên mạnh mẽ đến vậy: Khu vực này đã khẳng định được sự phát triển năng động nhất, đi đầu về xu hướng liên kết kinh tế và các sáng kiến kết nối, hợp tác khu vực; trung tâm địa kinh tế, địa chính trị quan trọng hàng đầu thế giới. Nhưng cùng với đó, châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Dù được hưởng nền hòa bình lâu dài kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đây cũng là nơi tập trung nhiều điểm nóng có nguy cơ xảy ra xung đột. Khu vực cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Do biến đổi khí hậu, đến năm 2030, khoảng 30% dân số châu Á sẽ lâm vào cảnh dễ bị tổn thương về kinh tế.

Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, ASEAN qua 56 năm hình thành và phát triển đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, biểu tượng cho những thay đổi lớn lao của khu vực. ASEAN không ngừng khẳng định tiềm năng kinh tế to lớn của mình. Với thị trường hơn 600 triệu dân năng động, tăng trưởng nhanh, ASEAN đã trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 5 thế giới và dự báo đến 2030, vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Việc triển khai các liên kết kinh tế tiêu chuẩn cao, quy mô lớn như RCEP, CPTPP, mạng lưới các FTA và các liên kết kinh tế số… đang mang lại những động lực tăng trưởng mới cho khu vực. Các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt và giữ vai trò trung tâm đã trở thành các cơ chế đối thoại quan trọng với quy mô ngày càng lớn, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Nguồn: TTXVN)

Tôi xin chia sẻ khái quát với quý vị về câu chuyện của Việt Nam, cũng có thể được xem là một câu chuyện điển hình về đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực vươn lên trước những tác động, thay đổi sâu sắc của thế giới và khu vực. Việt Nam đã luôn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nỗ lực vượt bậc của toàn dân tộc, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện.

Từ một đất nước bị chia cắt, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, nhân dân Việt Nam đã kiên cường vươn lên trở thành một đối tác tin cậy, hiện nay có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, và là thành viên của hơn 60 tổ chức quốc tế.

Từ một đất nước đói nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã thực hiện “Đổi mới” từ năm 1986, từng bước mở cửa, vươn lên mạnh mẽ và trở thành một quốc gia đang phát triển thu nhập trung bình với nền kinh tế năng động. Đến năm 2022, Việt Nam thuộc Top 38 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới (nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) của IMF, thì VN xếp thứ 24 thế giới).

Với quy mô kim ngạch 735 tỷ USD, Việt Nam thuộc Top 20 về thương mại quốc tế. Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn, là nơi hội tụ hơn 37.000 dự án đầu tư FDI với tổng vốn gần 450 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia, đối tác. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14,5% vào 2010, đến 2022 còn hơn 4% theo chuẩn nghèo đa chiều của Liên hợp quốc.

Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với nhiều nỗ lực, dấu ấn nổi bật với 15 Hiệp định FTA mở ra quan hệ thị trường tiêu chuẩn cao với 60 quốc gia, đối tác.

Những chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đang sát cánh bên các đồng nghiệp quốc tế tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Abiey; sát cánh cùng bạn bè quốc tế trong các công cuộc cứu hộ cứu nạn (như tại trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua). Việt Nam đã và đang phấn đấu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030, và nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Việt Nam đang hướng đến những khát vọng phát triển lớn lao, đó là: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa được khát vọng lớn lao đó, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong tiến trình đó, chúng tôi xác định người dân là trung tâm, là chủ thể và động lực chính của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu kinh tế-xã hội dù to lớn đến mấy, chỉ thực sự có ý nghĩa trọn vẹn khi mang đến cho người dân lợi ích thiết thực. Hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân có cuộc sống an toàn, hạnh phúc và ấm no.

Với tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để phát huy vai trò trong tổng thể công tác lập pháp, tạo dựng môi trường pháp luật thực sự xuất phát từ nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm cao nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, coi đó là những ưu tiên hàng đầu.

Đại biểu dự sự kiện. (Nguồn: TTXVN)
Đại biểu dự sự kiện. (Nguồn: TTXVN)

Thưa Quý vị và các bạn, Việt Nam và Bangladesh cùng cả cộng đồng quốc tế đều là những bộ phận gắn liền với thế giới và dòng chảy của thế kỷ 21, đòi hỏi chúng ta cần có tư duy và hành động mới. Bởi thế tôi tin rằng, sự tham gia ngày càng tích cực của các nước vừa và nhỏ, sự đồng lòng phối hợp của các nước phương Nam, là không thể thiếu, nhất là trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều nên thực sự trở thành là những đối tác có trách nhiệm, cùng nhau thúc đẩy đối thoại thay vì đối đầu; ủng hộ chủ nghĩa đa phương thay vì hành xử đơn phương; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế thay vì chính trị cường quyền, can thiệp, áp đặt.

Bangladesh và Cộng đồng ASEAN đều nằm trên những vị trí chiến lược hết sức trọng yếu, đều có cơ hội đóng góp tích cực xây dựng tương lai phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ của Bangladesh đối với vai trò trung tâm của ASEAN và đóng góp của các bạn vào nỗ lực chung của cả khu vực vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và có hiệu quả, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả với các nước, nhất là các nước bạn bè truyền thống như Bangladesh.

Trong đó, đối ngoại Quốc hội Việt Nam có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng, phát huy thế mạnh đặc thù, là một kênh đối ngoại vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc, góp phần đưa các mối quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế và vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân các nước trên toàn thế giới.

Thưa Quý vị và các bạn, giữa muôn vàn biến đổi của thời cuộc và thăng trầm của lịch sử, sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Bangladesh là hằng số bất biến. Tin cậy chính trị được thắt chặt thông qua trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc trên các kênh và các cấp. Cho đến nay, hai bên đã thiết lập và duy trì đều đặn các cơ chế hợp tác quan trọng, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật.

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trở thành điểm sáng, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Thương mại song phương tăng gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ qua và đang tiến gần tới mục tiêu 2 tỷ USD do Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra. Tôi tin rằng với thị trường tiềm năng 170 triệu dân của Bangladesh và 100 triệu dân của Việt Nam, hai nước chúng ta còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới.

Giữa lúc nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn cầu đang nổi lên gay gắt, hai nước vừa gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo đến năm 2027 (cung cấp tối đa cho Bangladesh 1 triệu tấn/năm). Việt Nam sẵn sàng tiếp tục bảo đảm nguồn cung gạo ổn định cho Bangladesh, góp phần hỗ trợ Bangladesh bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình hiện nay.

Hai bên cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và nhân dân, vinh danh các vị lãnh tụ của hai nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Cha già Sheikh Mujibur Rahman - nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, góp phần làm sâu sắc hơn hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam và Bangladesh đã phối hợp chặt chẽ cùng nhau thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ, cùng cất lên tiếng nói bảo vệ các lợi ích của các nước phương Nam. Đặc biệt, vừa qua hai nước đều được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là thuận lợi quan trọng để chúng ta thúc đẩy hợp tác các sáng kiến điểm nhấn về biến đổi khí hậu và quyền con người…

Trong đà phát triển chung của quan hệ hợp tác giữa hai nước, quan hệ nghị viện giữa Việt Nam và Bangladesh cũng đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Quốc hội hai nước đã và đang hợp tác chặt chẽ cùng nhau thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, nhất là trong xây dựng thể chế và hệ thống pháp luật, quản lý hành chính, giáo dục, du lịch và biến đổi khí hậu.

Quốc hội hai nước cũng phối hợp và ủng hộ tích cực lẫn nhau tại các Diễn đàn Nghị viện đa phương mà hai nước là thành viên, như Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu, cùng nhau đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và quốc tế.

Đại biểu dự sự kiện. (Nguồn: TTXVN)
Đại biểu dự sự kiện. (Nguồn: TTXVN)

Có thể nói, sau 5 thập kỷ hình thành và phát triển, quan hệ Việt Nam-Bangladesh đang phát triển bền chặt hơn bao giờ hết. Để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tôi nêu một số đề xuất sau:

Thứ nhất, làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị, gia tăng tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo và các cấp, các ngành hai nước. Hai bên cần đẩy mạnh việc trao đổi đoàn và tiếp xúc ở tất cả các cấp, các kênh, trong đó có kênh Quốc hội. Việt Nam hoan nghênh và chào đón lãnh đạo cấp cao Bangladesh sang thăm chính thức.

Hai nước cần phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Tầm nhìn của ASEAN và Tầm nhìn của Bangladesh về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, góp phần bảo đảm các lợi ích an ninh và phát triển của mỗi bên; phát huy vai trò của các nước phương Nam đóng góp vào việc hình thành cấu trúc khu vực mở, bao trùm, cân bằng và duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời, mở ra những kênh hợp tác mới, đáp ứng quan tâm và lợi ích của mỗi bên.

Thứ hai, tăng cường gắn kết kinh tế, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ hai nước. Hai nước cần tiếp tục khai phá các tiềm năng hợp tác mới về thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, hải quan; tăng cường chia sẻ các kinh nghiệm, chính sách phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh, trong đó có việc triển khai mô hình “nhà máy xanh” trong lĩnh vực dệt may; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ xanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước kinh doanh và đầu tư tại thị trường của mỗi nước. Việt Nam đề cao và mong được tham khảo các mô hình kinh tế xanh, sản xuất xanh của Bangladesh.

Thứ ba, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh. Thiết lập các cơ chế mới và ký kết các thỏa thuận hợp tác mới về an ninh-quốc phòng; Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của LHQ; Hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, an ninh mạng, tình báo, công nghiệp an ninh; Cùng nhau đẩy mạnh hợp tác khu vực và toàn cầu để ứng phó với các thách thức đang nổi lên như an ninh biển. Tăng cường hợp tác, tham vấn, trao đổi, phối hợp lập trường khi đề xuất các sáng kiến, ý tưởng, giải pháp nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế; Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giải quyết tranh chấp biển và hợp tác trên biển, hợp tác về an ninh biển.

Thứ tư, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Việt Nam hoan nghênh người dân Bangladesh sang học tập, du lịch hoặc kinh doanh, đầu tư; hoan nghênh các địa phương Bangladesh hợp tác, kết nghĩa với các địa phương Việt Nam; khuyến khích các hãng hàng không hai nước mở các tuyến bay phù hợp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác du lịch, giáo dục - đào tạo giữa hai nước.

Thứ năm, tăng cường hợp tác trên cả kênh song phương và đa phương nhằm ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, an ninh nguồn nước…, kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước phát triển, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và dành nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Bangladesh.

Thưa Quý vị và các bạn! Chúng ta đang đứng trước những cơ hội to lớn để đưa quan hệ Việt Nam-Bangladesh phát triển mạnh mẽ. Chúng ta hãy vững niềm tin, cùng hành động và phấn đấu, tương lai nhất định sẽ tốt đẹp hơn quá khứ.

Trân trọng cảm ơn".

Chủ tịch Quốc hội cắt băng khai trương trưng bày ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam-Bangladesh

Chủ tịch Quốc hội cắt băng khai trương trưng bày ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam-Bangladesh

Sự kiện trưng bày 20 tấm ảnh khổ lớn, giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu, nổi bật về những dấu mốc quan trọng ...

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Bangladesh lên tầm cao mới

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Bangladesh lên tầm cao mới

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Bangladesh đã thảo luận và nhất trí một số định hướng lớn nhằm đưa quan hệ hợp tác ...

Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria: Đến với những người bạn lâu năm

Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria: Đến với những người bạn lâu năm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và Cộng hòa Bulgaria theo lời mời của Chủ tịch ...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thủ đô Dhaka, bắt đầu thăm chính thức Bangladesh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thủ đô Dhaka, bắt đầu thăm chính thức Bangladesh

Dự kiến trong chuyến thăm, sẽ diễn ra các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà ...

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường 'bật mí' về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Bangladesh, mục tiêu 2 tỷ USD trong tầm tay

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường 'bật mí' về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Bangladesh, mục tiêu 2 tỷ USD trong tầm tay

Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chuyến thăm chính thức Bangladesh (21-23/9), Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Nguyễn Mạnh Cường ...

(theo TTXVN)

Xem nhiều

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Chiều 22/12, Thủ tướng đã khảo sát dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và dự lễ khởi công dự án nhà ở xã ...
Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á công bố 3 xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo

Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á công bố 3 xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo

Ngày 21/12, Bộ Kinh tế Sáng tạo Indonesia đề xuất 3 xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo năm 2025.
Nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ngay trong đêm, chính phủ 'được cứu', ông Biden lên tiếng

Nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ngay trong đêm, chính phủ 'được cứu', ông Biden lên tiếng

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật dự luật cấp ngân sách cho chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025.
Những tiêu chí đặc biệt giúp Bắc Ninh bứt phá ngoạn mục, thu hút FDI đứng đầu cả nước

Những tiêu chí đặc biệt giúp Bắc Ninh bứt phá ngoạn mục, thu hút FDI đứng đầu cả nước

Bắc Ninh bất ngờ bứt phá ngoạn mục khi thu hút vốn FDI gấp hơn 3 lần năm trước, giữ vững ngôi đầu cả nước.
Quân nhân Anh đang rời bỏ lực lượng vũ trang 'với tỷ lệ đáng báo động'

Quân nhân Anh đang rời bỏ lực lượng vũ trang 'với tỷ lệ đáng báo động'

Tờ Telegraph đưa tin, bất chấp đợt tăng lương kỷ lục vào mùa Hè, quân nhân Anh đang rời bỏ lực lượng vũ trang 'với tỷ lệ đáng báo động'.
Tiền đạo Nguyễn Xuân Son nhận 'cơn mưa' lời khen từ truyền thông Đông Nam Á

Tiền đạo Nguyễn Xuân Son nhận 'cơn mưa' lời khen từ truyền thông Đông Nam Á

Báo chí Đông Nam Á đã dành nhiều lời khen về màn ra mắt của Nguyễn Xuân Son với tuyển Việt Nam ở ASEAN Cup 2024.
Những con bài nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ

Những con bài nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyến thăm của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tới Ankara là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm ảnh hưởng và mở thêm cơ hội gia nhập EU.
Nga-Ấn Độ: Chiều sâu của quan hệ đối tác

Nga-Ấn Độ: Chiều sâu của quan hệ đối tác

Chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ một lần nữa cho thấy chiều sâu của mối quan hệ đối tác quân sự truyền thống giữa New Dehli và Moscow.
Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Con đường dài hòa giải

Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Con đường dài hòa giải

Việc Israel và Hezbollah chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn làm dấy lên hy vọng có thể tạo hiệu ứng hòa giải cho các 'điểm nóng' xung đột dai dẳng khác.
Xung đột Nga-Ukraine: Tình thế 'bên miệng hố chiến tranh', nguy cơ Thế chiến III và kịch bản đàm phán

Xung đột Nga-Ukraine: Tình thế 'bên miệng hố chiến tranh', nguy cơ Thế chiến III và kịch bản đàm phán

Những ngày gần đây, xung đột Nga-Ukraine có bước leo thang mới khó lường, cuộc chiến tên lửa căng thẳng, rộ lên cảnh báo nguy cơ Thế chiến III.
Bắc Âu-Baltic: Nỗ lực hợp tác hay chia rẽ?

Bắc Âu-Baltic: Nỗ lực hợp tác hay chia rẽ?

Tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước láng giềng trong khu vực là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh các nước Bắc Âu và Baltic...
Kiến tạo lòng tin, thúc đẩy đối thoại

Kiến tạo lòng tin, thúc đẩy đối thoại

ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò là nền tảng cho hợp tác trên thực tế và có ý nghĩa giữa ASEAN với các nước bên ngoài khu vực trong lĩnh vực an ninh.
Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.
Ukraine tăng gia sản xuất vũ khí tầm xa 'cây nhà lá vườn' để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Ukraine tăng gia sản xuất vũ khí tầm xa 'cây nhà lá vườn' để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Để giảm phụ thuộc viện trợ quân sự phương Tây và tăng khả năng phản công, Ukraine đang mở rộng kho vũ khí tầm xa có thể tấn công lãnh thổ Nga.
Ấn Độ-Indonesia: Làm sâu sắc nền tảng của tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ấn Độ-Indonesia: Làm sâu sắc nền tảng của tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi lên như tâm chấn địa chính trị của thế kỷ XXI, Ấn Độ và Indonesia thúc đẩy quan hệ đối tác hàng hải chiến lược.
Nga và 'biến cố' Syria: Chấp nhận tổn thất lớn, bước lùi tạm thời vì đại cục

Nga và 'biến cố' Syria: Chấp nhận tổn thất lớn, bước lùi tạm thời vì đại cục

Mặc dù sự sụp đổ của chính quyền đồng minh ở Syria là tổn thất khó bù đắp đối với Nga nhưng Moscow có thể không còn lựa chọn nào khác.
Bất định đối thoại hạt nhân Iran dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0

Bất định đối thoại hạt nhân Iran dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0

Với màn “tái xuất” của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ mới, quan hệ Mỹ-Iran sẽ chứng kiến nhiều biến động trong đối thoại hạt nhân, góp phần định hình nên tác động lâu dài ...
Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Những toan tính về Syria chưa khi nào nguôi trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Cân đối tình hình, Ankara có những hành động táo bạo hơn.
Phiên bản di động