📞

Tôi đi thăm phạm nhân

09:22 | 13/03/2015
17 người là 17 câu chuyện. Nhưng điểm chung nhất vẫn là do thiếu tay nghề, không ngoại ngữ nên họ đã tham gia các hoạt động trái phép…
Nhà tù Leopoldov - nơi có đông phạm nhân Việt Nam.

Nói đến nghề ngoại giao, chắc hẳn ai cũng mường tượng ra hình ảnh nụ cười và những cái bắt tay lịch thiệp, bộ com-lê láng mượt và phòng họp trang trọng. Nhưng những hình dung đó hoàn toàn trái ngược với cảnh tôi đến nhà tù ở Slovakia vào ngày 9/2, tức ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Ngọ...

Là cán bộ phụ trách lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia, tôi được chỉ đạo dành thời gian thăm các phạm nhân dịp sắp Tết Nguyên đán. Như Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt căn dặn, đây là thời điểm thiêng liêng với mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người xa xứ. Các phạm nhân Việt Nam, những người bị cách ly với xã hội, với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại càng cần được quan tâm…

Hrnciarovce nad Parnou và Leopoldov không hổ danh là những nhà tù lớn nhất và nghiêm mật nhất Slovakia với cổng kín tường cao, rào thép gai, cửa sắt dày cả tấc, những hành lang tối sâu hun hút, lính gác cầm súng, chó béc giê... Đây là hai nhà tù giam giữ nhiều phạm nhân Việt Nam nhất, nằm cách nhau hơn 20 cây số và cách Sứ quán gần nửa buổi đi ô tô.

Khi đến nơi, chúng tôi được các Ban giám đốc của hai trại đón tiếp với thái độ rất niềm nở, hòa nhã. Có ông Giám đốc còn mang các bộ hồ sơ của phạm nhân Việt Nam cho chúng tôi xem. Ông khen các phạm nhân Việt Nam hiền lành, chịu khó cải tạo nên nhiều khả năng được giảm án theo quy định của bạn.

Sau một lúc trò chuyện, chúng tôi sang gặp các phạm nhân, lúc này đã được tập trung vào phòng họp lớn. Sau một lúc hỏi han, có phần hơi "rắn" khi người làm lãnh sự như tôi phải chứng minh là mình nắm rõ hồ sơ của từng trường hợp, bầu không khí thân tình nhanh chóng được hâm nóng khi mọi người được "dốc bầu tâm sự".

17 người là 17 câu chuyện. Nhưng điểm chung nhất vẫn là do thiếu tay nghề, không ngoại ngữ nên những người phải rời xa quê hương tìm kế mưu sinh này đã nhắm mắt tham gia các hoạt động trồng và buôn bán cây cần sa với mong muốn trả được món nợ chi phí xuất ngoại và gửi về hỗ trợ gia đình. Bị bắt, kết án và sẽ bị trục xuất sau khi kết thúc thời hạn giam giữ, giấc mơ nhanh chóng đổi đời nơi đất khách của các phạm nhân gần như đã không còn. Họ chỉ có thể động viên nhau cải tạo tốt, tranh thủ học thêm nghề và giữ gìn sức khỏe để có thể sớm đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam.

Anh em tâm sự ở trong tù, cái thiếu thốn nhất không phải là vật chất. Phạm nhân ở đây được chăm sóc khá tốt, được bác sĩ khám sức khỏe theo nhu cầu, lại có thể được bố trí làm công việc đơn giản như khâu giầy, mộc, nề, sơn xe ô tô, tùy theo năng lực để học nghề và có thêm chút ít thu nhập. Cái họ cần nhất là sự động viên, hỗ trợ bằng tình cảm. Tiền kiếm được, họ chủ yếu dùng để gửi thư và gọi điện thoại về nhà.

Anh em phạm nhân nhờ Sứ quán đề nghị Ban giám đốc cho phép phạm nhân Việt Nam được ở cùng phòng để tiện chăm sóc, bảo ban nhau. Cái này thì dễ, chúng tôi đã trao đổi trước và được các Giám đốc của hai trại hứa sẽ tạo điều kiện tối đa cho phạm nhân người Việt Nam.

Bên cạnh đó, một tin tốt là mấy năm trở lại đây, có thể nhờ sự hỗ trợ, giám sát của cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia theo chỉ đạo của Sứ quán, hoặc nhờ tình hình kinh tế sáng sủa hơn, hoặc bởi cả hai yếu tố trên, tình trạng người Việt bị bắt do các tội danh liên quan đến cần sa đã giảm đi rất nhiều.

Những món quà của Sứ quán được trao tận tay cho từng phạm nhân. Phần quà nhỏ và giản dị - một cái bánh chưng và dăm gói mì để anh em tận hưởng chút ít hương vị Tết cổ truyền. Nhưng từ cái vỗ tay, cái nhảy cẫng lên và ánh mắt lấp lánh của từng người, chúng tôi nhận ra họ coi trọng tình cảm này xiết bao. Có người còn nói là đã mấy năm rồi họ chưa được nếm vị bánh chưng.

Rời trại Leopoldov, chúng tôi lái xe xuyên qua làn mưa tuyết dày lịch sử mấy chục năm của châu Âu để trở về Thủ đô Bratislava. Trên đường đi, chúng tôi nhớ mãi từng khuôn mặt, cả đề nghị được lặp lại mấy lần của anh em nhờ Sứ quán gửi cho mấy tờ báo trong nước...

Thật bất ngờ và xúc động khi hai tuần sau chuyến thăm đó, Đại sứ quán nhận được hai lá thư của các phạm nhân trại Leopoldov bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Đại sứ và Đại sứ quán, kèm theo bài thơ dài có nhan đề Cám ơn của anh Phạm Tuấn, trong đó có câu:

"…Cám ơn sứ quán nước nhà

Cám ơn lòng rộng bao dung tình người

Cám ơn cái Tết Ất Mùi (2015)

Hưởng mùi hương vị tình người quê hương".

Chu Tuấn ViệtBí thư thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia