Tàu VIMC Diamond |
Những năm qua, ngành hàng hải Việt Nam đã có nhiều đổi mới từ thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải… Đó là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Là một doanh nghiệp nhà nước với vai trò nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hoạt động trong cả ba lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Trong hoạt động khai thác cảng biển, hệ thống cảng biển của VIMC trải dài trên khắp cả nước, nằm tại các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu hàng hóa, với 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của Việt Nam. Các cảng biển có hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận nhiều loại tàu, xếp dỡ hàng hóa đa dạng, là điểm mạnh giúp VIMC thích nghi tốt với môi trường kinh doanh đầy biến động, có thể đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhiều khách hàng. Các cảng nước sâu của VIMC được đầu tư cùng các tập đoàn khai thác cảng lớn trên thế giới như SSA, APMT, PSA do vậy hạ tầng cảng hiện đại, năng lực quản lý tốt và đặc biệt là cảng CMIT có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất Việt Nam hiện nay (214.000 DWT). Năm 2021, hệ thống cảng của VIMC đã xếp dỡ hơn 126 triệu tấn hàng hóa.
Cảng Đà Nẵng |
Trong lĩnh vực vận tải biển, VIMC là một đơn vị có bề dày truyền thống, một thương hiệu hàng đầu Việt Nam về vận tải biển. VIMC có đội tàu gồm 64 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương 21% trọng tải đội tàu Việt Nam. Các doanh nghiệp vận tải biển của VIMC có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực vận tải biển. Ngoài ra, tư cách là một thành viên trong Hiệp hội chủ tàu châu Á (FASA) đã giúp VIMC có được những thuận lợi trên thị trường khu vực và các quyền lợi khác chỉ có đối với thành viên hiệp hội. VIMC đang có hợp tác và duy trì mối quan hệ tốt, chuyên nghiệp với các hãng vận tải biển lớn trên thế giới (Main Lines Operator – MLO) như ONE, MSC, ZIM, SITC, WANHAI… Các doanh nghiệp vận tải container đang có đồng thời dịch vụ vận tải nội địa và feeder quốc tế, duy trì ổn định, uy tín với khách hàng. Cũng trong sáu tháng đầu năm, hệ thống cảng của VIMC đã phát triển thêm bốn tuyến dịch vụ mới tại các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Công ty liên doanh SSIT. VIMC đã tích cực triển khai tìm kiếm, kết nối, mở rộng các tuyến đường biển mới kết nối giữa Việt Nam và các khu vực trên thế giới trong đó có Ấn Độ. Tháng 5/2022, VIMC đưa thêm tàu container 1.000 teus vận chuyển hàng đi Ấn Độ từ các cảng biển miền Trung Việt Nam. Đây là đường kết nối trực tiếp giữa hai nước, nhờ đó, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển so với các tuyến đường hiện nay phải dừng ở các điểm trung chuyển.
Trong dịch vụ logistics, hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải của VIMC có sự hiện diện thương mại tại các vùng miền, tham gia hoạt động kinh doanh lâu năm có nhiều kinh nghiệm, cũng như có tiềm năng tốt để tham gia vào hệ sinh thái cung cấp chuỗi logistics tích hợp của VIMC.
Trước những diễn biến phức tạp và liên tục biến động trong những tháng đầu năm đến từ nhiều yếu tố như giá nhiên liệu, lạm phát tăng cao, dịch bệnh Covid-19... nhưng nhờ khả năng tận dụng cơ hội thị trường đã giúp VIMC có được kết quả kinh doanh khả quan, tạo đà cho hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2022. Dự kiến doanh thu năm 2022 đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3.100 tỷ đồng.
Cảng Hải Phòng |
Tập trung ba vấn đề chiến lược để phát triển
Một trong những chủ trương lớn của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành TW là “Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế”. Bên cạnh đó, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương “Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ” và “Xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”.
Có thể thấy chủ trương, chính sách trên là cơ hội cho các doanh nghiệp cảng biển, logistics Việt Nam như VMIC đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, trung tâm phân phối hàng hóa, mở rộng đội tàu… bắt kịp xu thế phát triển của đội tàu thế giới với công nghệ hiện đại, đảm bảo các điều kiện về môi trường và các tiêu chuẩn theo công ước quốc tế nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vận tải nội địa cũng như chiếm lĩnh thị phần vận tải quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của thế giới về đường biển.
Trên cơ sở nhận định về những cơ hội và thách thức, VIMC xác định ba vấn đề cốt lõi, chiến lược cần tập trung trong thời gian tới là: (i) Nâng cao năng lực năng lực cạnh tranh và quy mô doanh nghiệp của VIMC, đồng thời phát huy những thế mạnh hiện có để tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững; (ii) Đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới nhằm linh hoạt thích ứng với môi trường kinh doanh nhiều biến động và thách thức; đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, tiếp cận các nguyên tắc quản trị của OECD (iii) Tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, các xu thế phát triển khoa học công nghệ và xu hướng phát triển của ngành hàng hải thế giới nhằm đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Căn cứ những nhận định và những vấn đề cốt lõi, VIMC đã đề ra định hướng chiến lược phát triển đối với từng lĩnh vực kinh doanh: (i) Đầu tư phát triển về chiều sâu đối với các cảng biển hiện hữu; tập trung và huy động nguồn lực thông qua việc liên doanh, hợp tác đầu tư với các đối tác lớn để đầu tư xây dựng mới các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm tại khu vực phía Bắc và phía Nam (Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại TP. Hồ Chí Minh, Cụm cảng nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu…) để thu hút nguồn hàng thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam (ii) Đầu tư phát triển đội tàu container chuyên dụng, trọng tải lớn, có tính năng kỹ thuật hiện đại, đảm bảo hàng hải trên những tuyến biển xa, tạo tiền đề phát triển để trở thành một Main Lines Operator – MLO; Đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các trung tâm phân phối hàng hóa lớn (ICD) tại các vùng kinh tế trọng điểm tại cả ba miền của Việt Nam (iii) Ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số; phát triển dịch vụ logistics tích hợp vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng.
Có thể thấy, sự nhạy bén thị trường và tầm nhìn chiến lược của Ban lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải đã giúp “con thuyền” VMIC vẫn vững vàng tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước, khẳng định thương hiệu và bản lĩnh của một doanh nghiệp hàng hải hàng đầu của Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc VIMC: Hợp tác quốc tế là nhiệm vụ quan trọng Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhấn mạnh, với đặc thù của VIMC trong chuỗi ... |
'Vươn ra biển lớn' bằng con tàu mang tên VIMC TGVN. Thương hiệu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã xuất hiện được 25 năm. Tuy nhiên, những doanh nghiệp thành viên trụ cột ... |