Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 24/6. (Nguồn: Xinhua) |
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Ba Lan đến Trung Quốc kể từ năm 2016, khi hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm Warsaw của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ấm lại song phương
Phát biểu với báo giới trước khi lên đường, Tổng thống Andrzej Duda nói rằng ông “đang cố gắng duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc". Ông Duda khẳng định, "Ba Lan luôn có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và muốn điều đó được tiếp tục”. Phát biểu như thế, Tổng thống Duda hẳn nhiên muốn bắn đi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng Warsaw không muốn các vấn đề của châu Âu, xung đột thương mại đang có dấu hiệu biến thành một cuộc thương chiến và nhất là quan điểm của Ba Lan về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Thông điệp đó tiếp tục được Tổng thống Ba Lan nhắc lại khi phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 24/6, "tôi đã trình bày quan điểm của Warsaw về tình hình an ninh ở châu Âu và thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và hy vọng rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine”.
Những thông điệp của ông Duda được phía Bắc Kinh chia sẻ. Sau hội đàm với vị khách đến từ châu Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đưa cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc một cách hòa bình và Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này".
Về quan hệ song phương, người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng cam kết sẵn sàng hợp tác với Warsaw để thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao hơn, mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho một thế giới nhiều biến động. Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại với Tổng thống Duda rằng, kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện 8 năm trước, trao đổi và hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực đã được mở rộng và ngày càng sâu sắc. Để có được điều này, theo Chủ tịch Trung Quốc, chính là hai quốc gia đã rút ra bài học từ lịch sử và phát triển quan hệ song phương một cách độc lập.
Phối hợp chiến lược
Thế nhưng, Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thời kêu gọi Warsaw tăng cường phối hợp chiến lược, đẩy mạnh hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), thúc đẩy hợp tác trong các dự án lớn và đề nghị Ba Lan cung cấp môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Để thể hiện thiện ý và quyết tâm, ngay tại hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực trong 15 ngày cho công dân Ba Lan và chứng kiến hai bên ký một số thỏa thuận hợp tác, trên rất nhiều lĩnh vực.
Ngược dòng lịch sử, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại rằng, Ba Lan chính là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và quan hệ song phương đã duy trì và tiến triển ổn định kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 75 năm.
Trước sự đón tiếp nồng hậu của Bắc Kinh, Tổng thống Duda cũng nhắc lại chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ba Lan năm 2016 là một cột mốc quan trọng trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Vị khách đến từ châu Âu khẳng định, Ba Lan đánh giá rất cao các nguyên tắc của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng Warsaw tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc. Ba Lan sẵn sàng thúc đẩy hợp tác BRI, tăng cường trao đổi và hợp tác về kinh tế và thương mại, cơ sở hạ tầng, kết nối và giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế kỹ thuật số và năng lượng sạch...
Mở tầm ảnh hưởng
Trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm khác biệt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và quan điểm về vấn đề Ukraine, thì chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan, nước sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU trong nửa đầu năm tới càng được chú ý và có thêm ý nghĩa.
Nhưng việc EU quyết định tăng gấp 5 lần thuế nhập khẩu đối với ô tô điện của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7 này khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Brussels tiếp tục trong bầu không khí u ám. Trong thế bế tắc như thế, với vị thế sắp là Chủ tịch EU của Ba Lan trong nửa đầu năm 2025, mà khi đó, có thể tình thế ở châu Âu cũng như xung đột ở Ukraine đã rất khác, nhân tố Warsaw có thể sẽ giúp hạ nhiệt xung đột, giảm bất đồng giữa Bắc Kinh và EU. Điều mà cả Bắc Kinh và EU đều muốn. Bởi thế, Tổng thống Duda đã nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng, Ba Lan sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác giữa các nước Trung, Đông Âu với Bắc Kinh.
Với tầm nhìn và bối cảnh hai bên đều có những điểm cần, có thể bổ sung cho nhau như thế, giới quan sát nhận định, Bắc Kinh coi trọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ba Lan, là cơ hội để tăng cường sự tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác song phương, trong đó có BRI. Thêm nữa, chuyến thăm cũng là cơ hội thuận lợi để qua Ba Lan, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước khu vực Trung, Đông Âu thông qua "cây cầu" Warsaw.
Hiện Ba Lan cũng chính là bên tham gia nổi bật ở EU đối với BRI và Warsaw cũng là một thành viên của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh sáng lập. Bên cạnh đó, chuyến công du Bắc Kinh lần này của Tổng thống Duda trong khi châu Âu đang phải đối mặt với nhiều sự cố, trong đó có kết quả bầu cử Nghị viện vừa qua với nhiều kết quả bất ngờ cũng sẽ giúp nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Warsaw trong liên minh 27 nước thành viên này.
| 6 lý do đặc biệt 'dẫn lối' Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đánh giá là rất quan trọng và có nhiều lý do đặc biệt để ... |
| Tổng thống Ba Lan thăm Trung Quốc: Gửi gắm kỳ vọng về hòa bình Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình điểm 5 nguyên tắc Ngày 24/6, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đang có chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà ... |
| WEF Đại Liên 2024: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhấn ... |
| Ba Lan nhờ cậy một nước giúp Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO Ngày 20/11, Ba Lan cho biết sẽ yêu cầu Hungary nhanh chóng phê chuẩn các nghị định thư về việc Phần Lan và Thụy Điển ... |
| Ba Lan sẽ nhận thêm vũ khí để bảo vệ sườn Đông NATO, Hàn Quốc 'xích gần' hơn với một nước láng giềng của Ukraine Hà Lan tuyên bố sẽ gửi 8 máy bay chiến đấu F-35 tới Ba Lan vào năm 2023 để tham gia nhiệm vụ của NATO, ... |