📞

Tổng thống Brazil thăm Trung Quốc: Cách tiếp cận thực dụng và toàn diện

Hạnh Lê 18:21 | 11/04/2023
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sẽ tới thăm Bắc Kinh từ ngày 12-15/4, với hy vọng hâm nóng mối quan hệ chính trị và thương mại lâu đời giữa hai nước, sau giai đoạn lạnh nhạt dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro (2019-2022).
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva thăm Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 12-15/4. (Nguồn: Getty Images)

Đây là chuyến thăm chính thức thứ ba của Tổng thống Lula da Silva tới Trung Quốc. Trước đây, ông từng kéo Brasilia lại gần Bắc Kinh, thông qua hai chuyến thăm cấp nhà nước trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2003-2010.

Ban đầu, chuyến thăm dự tính bắt đầu vào ngày 25/3 nhưng bị hoãn lại vì lý do sức khỏe của Tổng thống Brazil. Tuy nhiên, ngay khi ông Lula da Silva vừa bình phục, chuyến công du được lên lịch trở lại, thể hiện mong muốn thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc của quốc gia châu Mỹ này.

Theo một số chuyên gia, chuyến thăm Trung Quốc diễn ra chỉ hai tháng sau cuộc gặp của ông Lula và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng cho thấy “chính sách đối ngoại thực dụng” của Brazil, khi cố gắng cân bằng quan hệ với các đối tác thương mại hàng đầu, dù căng thẳng Mỹ-Trung đang ngày càng gia tăng.

Hợp tác thương mại là trọng tâm

Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với Brazil là trọng tâm của chuyến công du lần này, thể hiện qua việc một phái đoàn gồm 240 đại diện doanh nghiệp sẽ cùng ông Lula đến Bắc Kinh.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đối tác thương mại hàng đầu của Brazil trong 14 năm qua. Đáng chú ý, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên đến 150 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đạt 89 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở Brazil và mong muốn khai thác nguồn tài nguyên phong phú và quy mô thị trường của quốc gia Nam Mỹ này.

Bà Margaret Myers, Giám đốc Chương trình châu Á và châu Mỹ Latinh tại Đối thoại liên Mỹ cho rằng, Brazil có rất nhiều nguồn cung mà Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là đậu nành.

Theo bà, do quy mô lớn và đầy thu hút của thị trường Brazil, đây sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên ở Mỹ Latinh của các công ty Trung Quốc. Trước đây, vào năm 2010, chính quyền ông Lula từng đón nhận những cam kết và đầu tư của Trung Quốc, tạo động lực phát triển quan hệ song phương.

Các nhà phân tích khác cũng chỉ ra rằng, chuyến đi của Tổng thống Lula còn nhằm mục đích thuyết phục Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào Brazil, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.

Giáo sư Evandro Menezes de Carvalho (Đại học FGV, Brazil) cho biết, nước này đang hy vọng sẽ thu hút các công ty Trung Quốc giúp Brazil thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực như ô tô và năng lượng xanh.

Xây dựng quan hệ kinh doanh nông nghiệp

Nông nghiệp cũng dự kiến sẽ là một lĩnh vực được nhắc đến nhiều trong chuyến đi của ông Lula. Trong đó, ngành thịt Brazil đặc biệt mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.

Theo ông Leland Lazarus, chuyên gia từ Đại học quốc tế Florida (Mỹ), Trung Quốc coi Brazil là một trụ cột quan trọng trong việc tăng cường can dự tại Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, ông Lula có thể sẽ cố gắng cân bằng giữa việc ưu tiên thu hút thương mại và đầu tư của Trung Quốc, và đưa ra lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh khi bàn đến các vấn đề môi trường.

Chuyên gia Lazarus khẳng định: “Ông Lula sẽ tiếp tục tìm cách thúc đẩy xuất khẩu thịt bò đông lạnh, đậu nành, quặng sắt và dầu thô sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc.

Đồng thời, Tổng thống Lula có thể kêu gọi Bắc Kinh hành động nhiều hơn để giảm phát thải khí nhà kính và yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Brazil phải chịu trách nhiệm cho những tổn hại đến môi trường nước này”.

Tương lai của BRICS

Trong cuộc gặp giữa hai người đứng đầu Brazil và Trung Quốc, bên cạnh các vấn đề thương mại song phương, những câu chuyện về địa chính trị cũng quan trọng không kém.

Vì cả hai nước đều là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), một số chuyên gia mong chờ Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Lula da Silva thảo luận về tình hình hiện nay và triển vọng tương lai của tổ chức này.

Bà Margaret Myers hy vọng các cuộc thảo luận trong tương lai của hai nhà lãnh đạo sẽ đề cập xung đột Nga-Ukraine, "theo hướng thực dụng hơn, bao gồm các khía cạnh liên quan đến BRICS và tác động của cuộc xung đột đối với nhóm".

Trong khi đó, chuyên gia Lazarus cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Lula sẽ ca ngợi BRICS như là “một khuôn khổ thành công cho hợp tác Nam bán cầu”. Trong khi ông Tập Cận Bình tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo kinh tế của BRICS, “ông Lula có thể sẽ khẳng định vai trò đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu”.

Theo Giáo sư về chính trị quốc tế Dawisson Lopes (Đại học Liên bang Minas Gerais), Brazil với vai trò chủ chốt ở Nam Mỹ có thể mang lại tác động cân bằng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Và "điều quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quốc gia lớn nhất ở Nam Mỹ".

(theo Al Jazeera, DW)