Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador. (Nguồn: AP) |
Ngày 8/7, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền tháng 12/2018; địa điểm được chọn là Mỹ. Có nhiều điểm tương đối thú vị trong chuyến thăm lần này.
Hai điều lạ
Thứ nhất, tại sao ông Lopez Obrador lại thăm Mỹ vào thời điểm này, trong bối cảnh cả hai quốc gia đang quyết liệt chống dịch Covid-19?
Tính đến ngày 8/7, Mexico đã ghi nhận hơn 268.000 ca mắc Covid-19, trong đó thủ đô Mexico City là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đáng ngại hơn, Mexico hiện nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới (12%) với hơn 32.000 ca tử vong. Tính riêng tại châu Mỹ, Mexico chịu tác động nặng nề của dịch bệnh chỉ sau Mỹ và Brazil.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với gần 3,1 triệu ca nhiễm và gần 134.000 ca tử vong. Tính đến sáng ngày 8/7, Mỹ ghi nhận thêm 52.130 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đánh dấu hai tuần liên tiếp Mỹ ghi nhân số ca nhiễm mới trong ngày trên 40.000. Số ca mắc mới gia tăng mạnh tại 39 bang, trong đó 16 bang ghi nhận mức cao điểm kể từ khi bùng phát dịch, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện.
Thêm vào đó, hình thức họp trực tuyến đang được nhiều quốc gia sử dụng để duy trì các cuộc đối thoại, tiếp xúc ngoại giao mà không cần gặp mặt trực tiếp, tăng nguy cơ lây lan Covid-19. Như vậy, chuyến thăm Mỹ vào lúc này của Tổng thống Mexico đi ngược với xu thế chung và có thể tạo ấn tượng không tốt với cử tri về quyết tâm chống dịch. Quan trọng hơn, nó khiến ông cùng đoàn công tác đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh.
Thứ hai, với nhiều người, quan hệ Mỹ-Mexico thời gian gần đây rõ ràng chịu tác động lớn từ chính sách biên giới của Tổng thống Donald Trump. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên nhắc đến việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng “hơn 200 dặm tường biên giới vững chắc” với Mexico, và buộc quốc gia láng giềng phải chi trả toàn bộ cho chi phí này, dù thực tế không hoàn toàn là như vậy.
Thứ ba, quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cũng trải qua nhiều phen thất thường, khi trong chiến dịch tranh cử, ông Obrador từng gọi ông Trump là “kẻ bắt nạt vô trách nhiệm”. Song ngay sau khi nhậm chức, hai bên đã dành những lời có cánh cho nhau, với Mexico tăng cường hợp tác với Mỹ trong việc chặn dòng người nhập cư đổ vào xứ cờ hoa.
Hóa chuyện hay
Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế và mục tiêu của ông Lopez Obrador, cuộc gặp ngày 7/7 không “lạ” đến mức vậy.
Đầu tiên, lý do chính thức cho chuyến thăm của Tổng thống Mexico tới Mỹ là ăn mừng việc các bên tiến hành triển khai Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), dù Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ không tham dự.
Quan trọng hơn, ông Lopez Obrador mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt với cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Đây là điều đã được ông khẳng định trong cuộc họp báo trước chuyến thăm ngày 6/7: “Nếu như chúng ta có mối quan hệ tốt với nước Mỹ, chúng ta sẽ không bị đối xử bất công, và đây là điều chúng ta đã làm được. Những người chỉ trích tôi nói rằng: ‘Làm sao mà ngài có thể tới nước Mỹ khi mà họ đã đối xử bất công với chúng ta? Tôi muốn nói với họ rằng kể từ khi tôi nhậm chức, chúng tôi đã có mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, không chỉ với Chính phủ mà còn với người dân Mexico”.
Chuyên gia phân tích cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Armand Peschard-Sverdrup cho rằng bất chấp những thăng trầm và chỉ trích đơn phương từ phía Mỹ, ông Lopez Obrador đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và hành xử như một chính trị gia. Thái độ của ông đã khiến Tổng thống Donald Trump có cái nhìn thiện cảm hơn đối với người đồng cấp Mexico, thậm chí trong dòng Tweet năm 2019, ông từng nói rằng “Mexico đang làm được nhiều thứ hơn so với đảng Dân chủ trong vấn đề biên giới. Cảm ơn Mexico!”
Tuy nhiên, nhiều người không nghĩ vậy. Trong một bức thư công khai, cựu Ngoại trưởng Mexico Bernardo Sepulveda cho rằng không có lý do gì để Tổng thống tham dự một “buổi ăn mừng không liên quan”, đánh tiếng thể hiện sự ủng hộ ông Trump tái cử.
Theo nguồn tin của ông Eric Olson, chuyên gia tại Trung tâm Woodrow Wilson, hầu hết những quan chức có tiếng nói trong chính quyền Mexico đều khuyên Tổng thống từ chối lời mời của người đồng cấp Mỹ.
Tuy nhiên, điều này rõ ràng không thể ngăn cản người đứng đầu Mexico, sau khi cân nhắc những thiệt hơn, lợi hại, đưa ra một quyết định táo bạo. Song thành quả của bước đi này ra sao và nó có mang lại lợi ích gì cho ông Lopez Obrador hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.