Theo Fox News, các nước tham gia cuộc gặp này bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives.
Hồi đầu tháng 6/2017, các nước này đều đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sau khi cáo buộc chính quyền Doha "tài trợ khủng bố". Phía Qatar đã bác bỏ những cáo buộc này.
Cũng theo Fox News, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục kêu gọi các đồng minh Arab đối mặt với "cuộc khủng hoảng Hồi giáo cực đoan".
Người dân mua lương thực, thực phẩm tích trữ tại một siêu thị ở Doha (Qatar). (Nguồn: TheJournal) |
Một số chuyên gia nhận định, bên cạnh cuộc khủng hoảng Qatar, Hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ là cơ hội để Mỹ khôi phục lại mối quan hệ đồng minh với các nước Arab, vốn đã bị suy yếu trong thời gian cựu Tổng thống Barack Obama nắm quyền.
Liên quan đến căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh, Nhà Trắng coi cuộc khủng hoảng sâu sắc này chủ yếu là một vấn đề nội bộ khu vực, đồng thời hối thúc các lãnh đạo khu vực đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Ông cũng bày tỏ Mỹ sẵn sàng giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các nước Arab.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.
Qatar đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đang nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện đã bước sang tuần thứ ba.