Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Czech Petr Pavel tại Prague, ngày 5/3. (Nguồn: AP) |
Trước chuyến đi Prague, Tổng thống Macron chủ trì Hội nghị hỗ trợ Ukraine ngày 26/2 với tư cách nước đề xướng tại Paris. Thế nhưng, dường như những phát biểu “gây tranh cãi” về khả năng các nước đưa quân tới Ukraine và kêu gọi gia tăng hỗ trợ Kiev của ông Macron không có được sự hưởng ứng của các đồng minh.
Trong bối cảnh như thế, ông chủ Điện Elysee cần phải thay đổi chiến thuật, nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ thông qua các chuyến thăm song phương, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực mà Paris có thế mạnh. Tháp tùng ông Macron tới Prague lần này có Bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu Jean Noel Barrot cùng các lãnh đạo cấp cao trong nội các và đại diện một số doanh nghiệp lớn của Pháp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân...
Hậu thuẫn từ Đối tác chiến lược
Tới Prague, hẳn ông Macron hy vọng, với mối quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập từ năm 2008 và đang phát triển “có chiều sâu” với các kế hoạch hành động theo từng giai đoạn, Paris sẽ có được sự ủng hộ nhất định. Trong chuyến thăm, hai bên tiếp tục ký kết Kế hoạch hành động Đối tác chiến lược cho giai đoạn 2024-2028 với bảy định hướng chính, tập trung tăng cường hợp tác với các thành viên châu Âu trên hàng loạt lĩnh vực, từ ngoại giao, an ninh - quốc phòng đến kinh tế - thương mại và vấn đề người nhập cư.
Nội dung quan trọng khác được bàn thảo về hợp tác đa phương, đặc biệt là sự phối hợp hành động trong nội bộ EU, cùng chia sẻ quan điểm về phát triển Cộng đồng chính trị châu Âu, cải cách hệ thống quản lý kinh tế của Liên minh và phát triển kế hoạch “La bàn chiến lược” về an ninh quốc phòng mà EU đã thông qua…
Trước đó, để ủng hộ sáng kiến của ông Macron về Cộng đồng chính trị châu Âu, Thủ tướng Czech Petr Fiala đã chủ trì hội nghị đầu tiên tại Prague hồi tháng 10/2022 nhằm thúc đẩy các giải pháp an ninh và giải quyết khủng hoảng kinh tế trên khắp châu lục. Một trong những trụ cột quan trọng khác trong quan hệ song phương được Tổng thống Pháp đặc biệt quan tâm lần này là thúc đẩy thương mại – đầu tư. Pháp hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Czech. Thêm nữa, hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự cũng là hạng mục quan trọng trong nghị trình, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở các nước thành viên EU do ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine.
Việc công ty điện lực Pháp EDF giành được hợp đồng xây dựng bốn lò phản ứng mới tại Czech trị giá hàng tỷ USD trước đối thủ Hàn Quốc KHNP không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn củng cố hình ảnh, cho thấy vai trò hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự. Không chỉ ở Czech, Tổng thống Macron muốn thể hiện và nhấn mạnh vai trò giúp các nước trong EU “tăng cường độc lập công nghệ”, đưa ra các giải pháp thay thế để không bị phụ thuộc vào công nghệ của Nga, đặc biệt là về nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân.
Giải pháp đột phá?
Ở EU, Pháp luôn muốn thể hiện là người đi đầu trong các sáng kiến, ý tưởng nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Paris luôn tìm cách khẳng định vai trò hoà giải, nối lại đối thoại giữa các bên, gần đây nhất, trong vai trò là nước chủ nhà Hội nghị hỗ trợ Ukraine với sự tham dự của hơn 20 vị nguyên thủ, lãnh đạo các nước. Tuy nhiên, Tổng thống Macron không thu được kết quả như kỳ vọng. Sáng kiến của ông vấp phải những phản ứng không mong đợi. Bởi thế, ông phải chuyển hướng tìm sự ủng hộ thông qua các chuyến thăm, gặp gỡ song phương mà trước hết, là tìm đến các đối tác chiến lược thân cận.
Đối với hồ sơ Ukraine, Pháp và Czech chia sẻ nhiều quan điểm đồng nhất, thể hiện qua các nội dung được nêu trong Kế hoạch hành động Đối tác chiến lược hai bên giai đoạn 2024-2028 được ký kết trong chuyến thăm. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ tái thiết Ukraine và ủng hộ Kiev gia nhập EU… Bên cạnh đó, để có đi có lại, tới Prague lúc này cũng là dịp để Paris thể hiện sự ủng hộ đối với sáng kiến tập hợp tài chính mua đạn dược từ các nước thứ ba và viện trợ cho Ukraine do Tổng thống Petr Pavel đề xuất tại Hội nghị Munich tháng trước.
Đến Prague, ông Macron mong có sự ủng hộ của người đồng cấp Czech Petr Pavel về khả năng đưa quân đến Ukraine với lập luận rằng đây là “bước đột phá chiến lược” cho cuộc xung đột. Bất chấp những phản ứng trái chiều từ hầu hết các thành viên NATO và thậm chí cả nước Mỹ, vốn đi đầu trong hỗ trợ Ukraine nhưng gần đây đã có vẻ chùng lại, phát biểu trước cộng đồng người Pháp tại Czech, Tổng thống Macron tiếp tục kêu gọi các đồng minh của Ukraine hãy hành động và đừng “hèn nhát”.
Thế nhưng, việc Tổng thống Czech chia sẻ quan điểm trong vấn đề châu Âu cần phải đi đầu trong hỗ trợ Ukraine nhưng không khẳng định ủng hộ việc gửi quân tới Ukraine lại cho thấy vẫn có sự khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Trong bối cảnh như vậy, việc tiếp tục có những chuyến công du con thoi để tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho ý tưởng của mình là điều ông chủ Điện Elysee cần phải làm lúc này.