📞

Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC thăm Trung Quốc: Chuyến thăm ‘kết nối lại’

Phan Quân 18:00 | 05/04/2023
Ngày 5-7/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thăm Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/4. (Nguồn: Reuters)

Tại chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc trong bốn năm qua, ngay sau khi đặt chân tới Bắc Kinh, Tổng thống Macron đã nói chuyện với cộng đồng người Pháp đang sinh sống và làm việc ở nước này. Ngày hôm sau, ông sẽ đã gặp Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Thủ tướng Lý Cường, trước khi hội đàm và tham gia tiệc chiêu đãi với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình,

Ngày 7/4, ông dự kiến thăm tỉnh Quảng Đông, nơi ông Tập Trọng Huân, cha của ông Tập Cận Bình, từng làm Tỉnh trưởng và Bí thư Tỉnh ủy. Tại đây, ông sẽ có cuộc trò chuyện với 1.000 sinh viên Trung Quốc tại Đại học Tôn Trung Sơn, trước khi có bữa tối riêng với ông Tập Cận Bình và gặp gỡ một số nhà đầu tư Trung Quốc.

Đi cùng ông trong chuyến thăm này là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người vừa có bài phát biểu đáng chú ý hồi tuần trước về quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang gặp khó khăn do Bắc Kinh tìm kiếm “một sự thay đổi có hệ thống của trật tự quốc tế”. Do đó, châu Âu cần “giảm rủi ro” bằng con đường ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc. Chuyến thăm là một phần trong các nỗ lực như thế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong cuộc gặp gỡ ngày 6/4. (Nguồn: Reuters)

Ukraine “phủ bóng”

Tuy nhiên, nỗ lực của Paris để “kết nối lại” với Bắc Kinh, hay “giảm rủi ro” của EC trong quan hệ với Trung Quốc cần vượt qua rào cản là xung đột Ukraine.

Thực tế, trước đó vài tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm Moscow và có cuộc gặp lần thứ 40 với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương đánh giá cao lập trường 12 điểm về vấn đề Ukraine của Trung Quốc. Trong khi đó, Kiev bày tỏ sự quan tâm tới đề xuất giải quyết tình hình từ Bắc Kinh.

Theo đó, một trong những mục tiêu của hai chính trị gia này tại Bắc Kinh là “cố gắng lôi kéo Trung Quốc tham gia càng nhiều càng tốt để gây áp lực lên Nga” và “thay đổi cuộc chơi” thông qua mối quan hệ thân thiết của nước này với Moscow.

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, dù Trung Quốc tỏ ra trung lập trong xung đột, song nước này vẫn đề cao “mối quan hệ không giới hạn” với Nga, với lập trường 12 điểm về Ukraine được cho là có lợi cho Moscow. Đồng thời, các nhà phân tích cho rằng khả năng Trung Quốc thay đổi lập trường là không nhiều, vì điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Bắc Kinh. Ngoài ra, chỉ các bên liên quan thực sự mới có thể giải quyết vấn đề. Hiện nay, chưa có dấu hiệu cho thấy cả Moscow và Kiev sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau.

Trong bối cảnh đó, cuộc trao đổi giữa bà Leyen, ông Macron và ông Tập có thể tìm kiếm một tiếng nói chung về giải pháp cho Ukraine. Theo các nhà quan sát phương Tây, đây cũng là dịp để hai nhà lãnh đạo châu Âu cùng Chủ tịch Trung Quốc tái khẳng định rằng Bắc Kinh, dù có mối quan hệ gần gũi với Moscow, sẽ không gửi vũ khí tới Nga. Đây sẽ là điều có lợi cho tất cả các bên: với Trung Quốc, nước này có thể phủ nhận các cáo buộc trước đó của Mỹ, duy trì sự trung lập, thúc đẩy tiến trình hòa bình. Về phần mình, EU có thể an tâm hơn về Bắc Kinh, đặc biệt khi hầu hết khối đang “dốc hầu bao” viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Nỗ lực của Paris để “kết nối lại” với Bắc Kinh, hay “giảm rủi ro” của EC trong quan hệ với Trung Quốc cần vượt qua rào cản là xung đột Ukraine.

Cơ hội và rào cản

Tuy nhiên, dù được dự báo “chiếm sóng” trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Pháp, EC với Trung Quốc, song xung đột Nga - Ukraine chắc chắn không phải vấn đề duy nhất. Bởi lẽ, song hành với nó là câu chuyện về hợp tác kinh tế.

Tháp tùng ông Macron thăm Pháp, bên cạnh Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire và Ngoại trưởng Catherine Colonna, là một đoàn doanh nghiệp hùng hậu gồm 50 đại diện các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu của đất nước châu Âu như EDF, Alstom, Veolia và Airbus.

Điều này gợi nhớ tới chuyến công du trước đó của Thủ tướng Olaf Scholz hồi tháng 12/2022, khi ông đi cùng đoàn lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đức. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng thảo luận sâu về hợp tác kinh tế với lãnh đạo chủ nhà.

Với thời lượng tiếp xúc lên đến là 6-7 tiếng, ông Macron sẽ có thể trao đổi nhiều hơn với ông Tập, đặc biệt là về hợp tác kinh tế, bao gồm thỏa thuận mới bên cạnh hợp đồng Trung Quốc mua 300 máy bay Airbus năm 2019 trị giá 300 tỷ Euro. Song song với cam kết của Bắc Kinh về Ukraine, nó có thể giúp ông Macron xoa dịu làn sóng phản đối tại quê nhà sau cải cách hưu trí gây tranh cãi.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của bà Leyen trong chuyến thăm có thể khiến câu chuyện phức tạp hơn. Khẳng định mối quan hệ kinh tế Trung Quốc - EU đang “mất cân bằng”, bà cũng kêu gọi EU sử dụng các công cụ kinh tế mới “mạnh mẽ, nhanh chóng hơn” như sàng lọc các thực thể nước ngoài và chống lại cưỡng ép kinh tế, bảo vệ lợi ích trong các công nghệ nhạy cảm và quân sự. Đặc biệt, chính trị gia này cũng cho biết khối sẽ công bố Chiến lược an ninh kinh tế trong năm nay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gặp gỡ thành viên Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc ngày 6/4. (Nguồn: Twitter)

Đại sứ Trung Quốc tại EU đã thất vọng trước phát biểu của bà Leyen. Sự cứng rắn của bà Leyen có thể khiến nỗ lực khôi phục Hiệp định đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc khó thành và ảnh hưởng tới lợi ích của Pháp.

Phát biểu trước chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng dưới sự chỉ đạo của hai nguyên thủ, Bắc Kinh và Paris đã duy trì phát triển lành mạnh, hợp tác thiết thực, hiệu quả trong vấn đề quốc tế và khu vực. Do đó, chuyến thăm là cơ hội cho bước tiến mới trong quan hệ. Tuy nhiên, liệu Pháp và Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này ra sao? Châu Âu có nhận được cam kết của Bắc Kinh về Ukraine hay không? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.