Ông Putin đưa ra những chứng cứ lịch sử và tài liệu cụ thể khi đề cập đến sự hợp tác của Ba Lan với chính quyền Đức quốc xã thời kỳ CTTG II. Nguồn: Politico |
Bản chất câu chuyện không bình thường đến mức độ nào thì có thể nhận thấy được ở chỗ Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến nhiều lần chứ không phải chỉ có một lần, ở nhiều diễn đàn khác nhau trong thời gian ngắn và ở chỗ phía Ba Lan triệu Đại sứ Nga ở Ba Lan lên Bộ ngoại giao để thể hiện thái độ.
Chuyện đã xảy ra trong quá khứ lịch sử nhưng giờ lại trở thành chuyện thời sự không chỉ có trong mối quan hệ giữa Nga và Ba Lan mà còn cả giữa EU và một số thành viên khác của EU với Nga.
Nguồn gốc từ quá khứ lịch sử
Ông Putin đưa ra những chứng cứ lịch sử và tài liệu cụ thể khi đề cập đến sự hợp tác của Ba Lan với chính quyền Đức quốc xã, đến vai trò của Ba Lan trong việc nước Đức quốc xã thôn tính Séc năm 1938 và trong CTTG II, đặc biệt là đề cập đến quan điểm thái độ bài xích người Do thái của chính quyền Ba Lan thời đó. Ông Putin đặc biệt nặng lời đối với đại sứ Ba Lan tại nước Đức khi đó là Jozef Lipski. Ông Putin gọi người này là "kẻ khốn nạn" vì đã thể hiện quan điểm thái độ ủng hộ ý tưởng của trùm phát xít Đức Adolf Hitler đẩy người Do thái ở các nước châu Âu sang châu Phi và hứa sẽ dựng tượng đài vinh danh Hitler nếu thực hiện ý định này.
Ở đây có ba câu chuyện cả thẩy, biểu hiện ra bên ngoài là quốc gia châu Âu nào đã làm ngơ hay dung túng cho nước Đức quốc xã thôn tính Séc năm 1938, hiệp ước giữa Đức và Nga năm 1939 về không tấn công lẫn nhau và mối quan hệ giữa Ba Lan và Đức ở thời ấy mà trong đó có khía cạnh quan điểm chính sách của chính quyền Ba Lan đối với người Do thái. Trong thực chất, câu hỏi mấu chốt là nước Đức quốc xã đã một mình gây nên cuộc CTTG II hay có quốc gia nào khác nữa ở châu Âu chịu trách nhiệm tương tự như nước Đức quốc xã trong việc này.
Thời còn chiến tranh lạnh và xung đột giữa Tây và Đông, Mỹ và nhiều nước Phương Tây luôn theo quan điểm cho rằng Hiệp ước Molotow - Ribentropp năm 1939 kia chẳng khác gì đã dọn đường và bật đèn xanh cho chính quyền quốc xã Đức phát động cuộc CTTG II. Mục đích của họ là đổ đồng trách nhiệm giữa nước Đức quốc xã và Liên Xô về khởi nguồn cuộc CTTG II và hạ thấp ý nghĩa lịch sử của Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của Liên Xô cũng như vai trò lịch sử quyết định của Liên Xô trong việc tiêu diệt phát xít Đức và chấm dứt cuộc CTTG II.
Sau khi Liên Xô tan rã, mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga thuộc diện luôn xấu nhất, phức tạp nhất và nhạy cảm nhất trong các mối quan hệ giữa Nga và các thành viên của Khối Varsaw trước đây. Ba Lan cũng thường đi tiên phong trong việc thời sự hoá chuyện nhìn nhận lại lịch sử thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20 liên quan đến châu Âu và Liên Xô mà trong đó đặc biệt có hiệp định nói trên giữa Đức và Liên Xô.
Chuyện cũ cứ hiện diện trong thời mới như thế.
Có nhiều cách tiếp cận lịch sử và mỗi nước tự chọn cách tiếp cận riêng. Lịch sử như đã thực sự diễn ra. Lịch sử như được các sử gia chép thuật lại. Lịch sử như cách hiểu và luận giải của từng người, ở từng thời, trên từng cương vị và nhằm từng mục đích. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi các bên có quan điểm và phát biểu khác nhau về thời kỳ lịch sử kia của thế giới.
Lý giải thái độ của ông Putin
Ông Putin đề cập nhiều và đặc biệt nhấn mạnh chuyện cũ này vào thời điểm hiện tại vì những lý do sau.
Thứ nhất, cách đây không lâu, Nghị viện châu Âu đưa ra một nghị quyết cáo buộc Liên Xô cùng chịu trách nhiệm đối với việc nước Đức quốc xã gây nên CTTG II trong thực chất là đổ đồng Liên Xô với nước Đức quốc xã. Đối với Nga và cá nhân ông Putin, nghị quyết này chẳng khác gì giọt nước làm tràn cốc buộc phía Nga phải thể hiện quan điểm thái độ một cách rõ ràng, xác đáng, mạnh mẽ và kiên quyết. Ở đây, ông Putin mượn chuyện liên quan đến Ba Lan để phản bác Nghị viện châu Âu.
Thứ hai, trong cuộc chiến vì sự thật lịch sử khách quan lâu nay giữa Nga với Phương Tây, EU và Nato, Ba Lan vừa là đối tượng chính của Nga, vừa là đối tượng Nga để đấu chiến nhất, cả về chính trị, pháp lý lẫn lịch sử.
Thứ ba, Nga nhằm vào Ba Lan còn để răn đe và cảnh báo những nước khác ở châu Âu chủ trương đề cao vai trò của các nước đồng minh và phủ nhận vai trò quyết định của Nga, đóng góp to lớn nhất của Nga trong việc tiêu diệt phát xít Đức và chấm dứt cuộc CTTG II.
Thứ tư, năm 2020, Nga sẽ tổ chức kỷ niệm rất trọng thị 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức và chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Ông Putin hàm ý Nga sẽ đấu tranh không khoan nhượng về khoa học lịch sử cũng như trên dư luận để làm phá sản mọi mưu đồ của bất cứ ai chủ ý tạo sự cào bằng trách nhiệm giữa nước Đức quốc xã và Liên Xô về cuộc CTTG II.
Ông Putin đã mời lãnh đạo nhiều nước trên thế giới tới tham dự các nghi lễ kỷ niệm long trọng ở Nga. Vì chuyện cũ trong thời mới này mà chắc sẽ có vị này hay vị nọ được mời nhưng không tới dự. Vì lý do và mục đích chính trị thôi chứ việc họ không tham dự đâu có thể làm thay đổi được sự thật lịch sử.