Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi (bên phải) chào đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại sân bay Cairo, ngày 14/2. (Nguồn: The Nations) |
Ngày 14/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến sân bay Cairo của Ai Cập. Đích thân Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi đã ra tận sân bay chào đón rồi lái xe đưa ông Erdogan đến Cung điện Al Ittihadya gần đó duyệt đội danh dự trước khi tiến hành hội đàm.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Erdogan tới Ai Cập sau 11 năm, giai đoạn mà hai cường quốc trong khu vực gần như bị mắc kẹt trong một loạt các cuộc tranh cãi công khai và gay gắt về một loạt vấn đề, bao gồm cả tuyên bố của Cairo rằng Ankara can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Arab và hỗ trợ các nhóm chiến binh trong khu vực.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cậpbắt đầu vào năm 2013 khi quân đội Ai Cập, khi đó do ông El Sisi lãnh đạo, lật đổ tổng thống Mohammed Morsi, một người Hồi giáo được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn khỏi quyền lực. Sau đó, ông El Sisi được bầu vào chức vụ này vào năm sau. Sau khi ông El Sisi trở thành tổng thống, quan hệ hai bên tiếp tục xấu đi. Hai nước đã rút đại sứ của mình ngay sau đó và hạ cấp quan hệ ngoại giao năm 2014.
Tuy nhiên, vào năm 2021, hai bên bắt đầu đàm phán để bình thường hóa quan hệ với các cuộc gặp gỡ thường xuyên của các quan chức cấp trung của mỗi bên thảo luận cách giải quyết các vấn đề tồn đọng. Quá trình này nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ khi ông El Sisi và ông Erdogan gặp nhau lần đầu tiên bên lề World Cup ở Doha, Qatar vào năm 2022.
Việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao và ý định đi theo con đường hợp tác đã được tuyên bố của hai nước báo hiệu một sự thay đổi quan trọng trong bối cảnh địa chính trị của khu vực.
Trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thường ủng hộ các phe đối địch trong cuộc xung đột ở Libya, nước láng giềng Ai Cập, trong cuộc nội chiến nổ ra sau sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi của Libya vào năm 2011.
Ai Cập cũng thường phản đối những gì họ cho là ảnh hưởng quá mức của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Iraq, đồng thời nhận thấy những nỗ lực nhằm thúc đẩy các kế hoạch năng lượng của Cairo ở khu vực Đông Địa Trung Hải có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Cairo.
Trong khi đó, cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều sở hữu lực lượng quân đội hùng mạnh và có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể trên toàn khu vực. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất là thành viên NATO còn Ai Cập là quốc gia Arab đông dân nhất và có tiếng nói khá trọng lượng trong thế giới Arab và Hồi giáo.
Trong lịch sử, mối quan hệ giữa hai nước và người dân hai bên có những mối liên kết trong hơn một thiên niên kỷ. Ai Cập trở thành một phần của Đế chế Ottoman vào năm 1517 và mối quan hệ chính thức với Istanbul vẫn được duy trì cho đến đầu thế kỷ 20.
Chuyến thăm Ai Cập lần này của ông Erdogan cũng diễn ra khi mối quan hệ kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có quốc phòng ngày càng phát triển giữa hai nước.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hồi đầu tháng cho biết Ankara đã đồng ý cung cấp máy bay không người lái cho Ai Cập - thỏa thuận vũ khí đầu tiên giữa Cairo và Ankara kể từ khi chính phủ hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ vào tháng 7/2023 sau các cuộc đàm phán không ngừng nghỉ để nối lại quan hệ.
Bất chấp những trắc trở trong quan hệ về chính trị những năm trước đây, thương mại giữa hai nước cho thấy vẫn đạt được tăng trưởng với tốc độ ổn định và đã đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2022.
Các nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống một nước thành viên NATO đến một nước Hồi giáo Arab trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông, đặc biệt là cuộc chiến ở Dải Gaza tiếp tục bế tắc có ý nghĩa rất quan trọng.
Cả ông Erdogan và ông El Sisi đều chỉ trích mạnh mẽ Israel về số người Palestine thiệt mạng cao - cho đến nay đã có hơn 28.000 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng - trên lãnh thổ và sự tàn phá trên diện rộng do cuộc xung đột bùng phát giữa Israel và Hamas gây ra.
Trước khi Tổng thống Erdogan đến Cairo, Tổng thống Ai Cập trong một tuyên bố cho biết, hai bên sẽ thảo luận về “các thách thức và hồ sơ trong khu vực”, đặc biệt là nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và gửi viện trợ nhân đạo cho cư dân tại Dải Gaza.
Trong bối cảnh như thế, nhiều nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm Ai Cập sau hơn một thập kỷ băng giá, không những có thể giúp làm tan băng quan hệ giữa Ankara và Cairo, mà còn có thể tạo ra những tia hy vọng cho cuộc xung đột vẫn đang bế tắc giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.