📞

Tổng thống Trump bắt đầu đòi lại “công bằng cho nước Mỹ"

08:15 | 01/04/2017
Thực hiện lời hứa khi tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu những động thái đầu tiên nhằm đòi lại thứ mà ông gọi là "công bằng cho nước Mỹ" trong thương mại.

Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký 2 sắc lệnh hành pháp, nhằm chống lại sự bất công với Mỹ trong thương mại, là nguyên nhân khiến hàng triệu việc làm bị mất và kéo giảm lĩnh vực sản xuất ở Mỹ. Đây là bước đi tiếp theo trong cam kết tái định hình chính sách thương mại của Mỹ, tỏ rõ thái độ cứng rắn đối với các quốc gia và hàng hóa mà theo ông, phải chịu trách nhiệm cho mức thâm hụt thương mại trị giá hơn 730 tỷ USD của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, với sắc lệnh thứ nhất Tổng thống Trump yêu cầu hoàn tất một báo cáo quy mô lớn về vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ với từng đối tác lớn. Báo cáo sẽ tìm kiếm bằng chứng và nguyên nhân của hành vi gian lận, thao túng tiền tệ, hợp đồng thương mại không làm theo các điều khoản đã được ký kết... và tìm biện pháp xử lý.

Quyết định của ông Trump rất có thể sẽ mở đầu cho một loạt những chính sách thương mại cứng rắn của Chính phủ Mỹ trong thời gian tới. (Nguồn: Reuters)

Bộ Thương mại có 90 ngày để trình lên Tổng thống bản báo cáo chi tiết đối với từng quốc gia và từng sản phẩm. Báo cáo sẽ được dùng làm cơ sở để hoạch định chính sách thương mại trong thời gian tới. Theo nhận định của Bộ trưởng Ross, nguyên nhân số 1 gây nên thâm hụt thương mại Mỹ là Trung Quốc, Đức, Nhật và Mexico, trong đó lớn nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ross cho rằng, việc thâm hụt thương mại tồn tại, không có nghĩa là các biện pháp trả đũa hoặc lật ngược tình thế sẽ được thực thi ngay lập tức. “Hơi khó để nói rằng người nào đó đang làm một việc xấu chỉ vì họ đang cung cấp một sản phẩm mà chúng ta không có,” ông Ross nói, “trong một vài trường hợp, đơn giản là họ làm tốt hơn, hoặc có thể sản xuất ra những sản phẩm có chi phí rẻ hơn chúng ta.”

Sắc lệnh thứ hai tập trung đẩy mạnh quyền lực của các cơ quan của Mỹ để chống lại hành vi bán phá giá của doanh nghiệp nước ngoài. Tổng thống Trump yêu cầu các nhân viên chính phủ cần tìm ra các biện pháp hiệu quả để nước Mỹ có thể đạt được lợi ích thương mại tốt nhất, đối với các sản phẩm được trợ giá bởi các chính phủ nước ngoài hoặc được bán phá giá tại thị trường Mỹ.

Theo cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Peter Navarro, trong lĩnh vực thương mại, số lượng các lĩnh vực gặp vấn đề rất nhiều, trong đó có cả “thép, hóa chất, sản phẩm nông nghiệp, máy móc…”. Mới đây, ngày 30/3, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố tên các nhà sản xuất nước ngoài bán phá giá một số sản phẩm thép hợp kim và thép cacbon vào Mỹ, trong đó Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan  đều có liên quan.

Tại cuộc họp báo về những sắc lệnh trên tại Nhà Trắng đêm 30/3 (giờ địa phương), cả Bộ trưởng Ross và Giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia Peter Navarro đều cho rằng những biện pháp trên không nhằm vào Bắc Kinh, tuy nhiên, cả hai đều khẳng định, các sắc lệnh mới sẽ giải quyết nguồn cơn gây thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bình luận của ông chủ Nhà Trắng trên trang trên Twitter. (Nguồn: Twitter)

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2016 là 347 tỷ USD. Trước thềm chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump cũng đã thể hiện sự cứng rắn của Chính quyền Mỹ mới khi nhấn mạnh một thông điệp trên Twitter rằng, “cuộc họp vào tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn, vì Mỹ không thể chịu thâm hụt thương mại lớn hơn và mất việc làm nhiều hơn nữa. Các công ty Mỹ phải sẵn sàng tìm các giải pháp thay thế”.

Bình luận trên của ông chủ Nhà Trắng được giới quan sát cho rằng, nó có thể càng làm mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên phức tạp, khó đoán trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 6-7/4 này. Ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giữ giá đồng nội tệ ở mức thấp không đúng thực tế so với USD để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và điều này "đánh cắp" việc làm trong ngành chế tạo Mỹ. Còn ngay trước thềm chuyến thăm này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang khẳng định, Trung Quốc quyết không thực hiện chính sách hạ giá đồng tiền.

(theo AP, Reuters)