Phát biểu tại một sự kiện bên lề Triển lãm Geneva Motor Show (diễn ra từ ngày 7 đến 17/3 tại Thụy Sỹ), CEO Johan van Zyl nói với các phóng viên rằng, nếu môi trường kinh doanh trở nên rất khó khăn, việc rút lui cũng sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, ông van Zyl cũng đưa ra các kịch bản ít quyết liệt hơn, bao gồm việc thu hẹp quy mô sản xuất hoặc đầu tư.
Một phát ngôn viên của Toyota đã xác nhận phát biểu trên của vị CEO trên, đồng thời tái khẳng định môi trường kinh doanh là rất quan trọng vì công ty vẫn sẽ phải cạnh tranh.
Người Phát ngôn của Toyota cũng nhấn mạnh rằng, quan điểm của Toyota đối với tiến trình Brexit là không thay đổi, cụ thể là kịch bản “hạ cánh cứng” không nằm trong mong muốn của họ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, tình hình hiện nay chưa rõ ràng và Toyota chưa đi tới quyết định cụ thể nào.
CEO Johan van Zyl và Toyota tại Triển lãm Geneva Motor Show. (Nguồn: Bloomberg) |
Toyota hiện đang tuyển dụng hơn 3.000 nhân viên tại hai nhà máy của mình ở Vương quốc Anh, bao gồm một nhà máy sản xuất động cơ ở xứ Wales.
Hồi tháng trước, một công ty khác của Nhật Bản là Honda Motor đã tuyên bố sẽ đóng cửa một nhà máy lớn ở nước Anh, khiến 3.500 việc làm tại đây gặp rủi ro. Nhưng Chủ tịch của Honda khẳng định, động thái này không liên quan đến Brexit.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, dù việc thu hẹp quy mô hoạt động đã diễn ra từ lâu, thời điểm đưa ra quyết định của Honda gần như chắc chắn liên quan đến những lo ngại về việc nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
Các công ty Nhật Bản khác là Sony, Panasonic và Hitachi cũng đang điều chỉnh và thu hẹp hoạt động ở nước Anh trước khi Brexit diễn ra.
Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 nhưng hiện vẫn chưa có một thỏa thuận nào giữa hai bên được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán. Quốc hội Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu vào tuần tới về phiên bản cuối cùng của thỏa thuận Brexit. Nhưng nếu các nghị sĩ bác bỏ dự thảo trên một lần nữa, họ sẽ bỏ phiếu về việc có nên rời “mái nhà chung” mà không có một thỏa thuận, hay sẽ lùi thời hạn Brexit.